Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết ngày nào Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gọi điện, nắm tình tình dịch bệnh, chỉ đạo và động viên tinh thần. Sự quan tâm chỉ đạo, động viên của Thủ tướng khiến tỉnh càng thêm quyết tâm chống dịch.
Quầng mắt thâm sâu sau nhiều đêm vất vả, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái vui mừng thông tin dịch Covid-19 ở Bắc Giang cơ bản đã được kiểm soát.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn PV, ông Thái cho biết điều thành công nhất của Bắc Giang trong đợt dịch này là việc đã kịp thời khóa chặt các nguồn lây, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Đặc biệt, Bắc Giang đã giữ chân toàn bộ số công nhân ngoài tỉnh ở lại, không để dịch bệnh lan sang các tỉnh, thành phố khác.
Ông cũng vui mừng cho biết tỉnh vẫn thu hút thêm các dự án đầu tư mới trong lúc chống dịch. Kinh tế Bắc Giang sẽ dần phục hồi, tiếp nối đà tăng trưởng đứng đầu cả nước năm ngoái.
– Bắc Giang phát hiện ca bệnh đầu tiên của đợt dịch thứ 4 ngày 7/5. Đợt dịch này diễn biến rất phức tạp do biến chủng virus mới của Ấn Độ. Đặc biệt, do xảy ra 2 ổ dịch tại khu công nghiệp với mật độ công nhân lớn, di chuyển rộng nên tốc độ lây lan nhanh và rất khó kiểm soát.
Trước bối cảnh đó, lãnh đạo tỉnh đã họp bàn, lựa chọn thứ tự ưu tiên nhiệm vụ nào số một, nhiệm vụ nào số hai. Chúng tôi đi đến thống nhất, nhiệm vụ ưu tiên số một phải là đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân và người dân, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để tập trung dập dịch nhanh nhất và sớm khôi phục sản xuất điều kiện bình thường mới.
Bắc Giang đã quyết định tạm dừng 4 khu công nghiệp vào ngày 18/5. Đó là một quyết định khó khăn nhưng là cách duy nhất để ngăn chặn nguồn lây, khoanh vùng, dập dịch. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp chuẩn bị tổ chức lại sản xuất trong điều kiện có dịch, với quan điểm nhất quán: “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”.
Trong 4 khu công nghiệp phải tạm dừng sản xuất có tới trên 60.000 lao động thuộc 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải tính toán, cân nhắc rất kỹ thời điểm dừng hoạt động các khu công nghiệp để làm sao phải giữ chân được toàn bộ số công nhân này ở lại Bắc Giang, ngăn chặn nguy cơ lây lan sang các tỉnh, thành phố khác.
Trước khi tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp, tỉnh đã quyết định phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng, là nơi tập trung chủ yếu của công nhân ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng đã kêu gọi công nhân hãy ở lại Bắc Giang để đảm bảo phòng chống dịch cho cả nước.
Nếu không làm như vậy thì khi doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân không có việc làm sẽ về quê. Nếu như vậy sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn và có lẽ hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đang có dịch.
– Theo tính toán mỗi ngày dừng hoạt động các khu công nghiệp, Bắc Giang mất hơn 2.000 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, 140.000 lao động ngừng việc. Ra quyết định khi đó, ông có áp lực không?
– Tất nhiên, chúng tôi đã phải tính toán, cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Nếu không tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp ở thời điểm đó, để kéo dài một vài ngày nữa thì số công nhân nhiễm bệnh chắc chắn sẽ tăng lên rất lớn, lúc đó các doanh nghiệp cũng sẽ phải dừng sản xuất.
Tuy nhiên, nếu lúc đó mới dừng sản xuất thì sẽ phải dừng rất lâu và dịch có thể đã bùng phát trên diện rộng, trở thành “đám cháy lớn rất khó dập”. Do đó chúng tôi phải lựa chọn trước khi ra quyết định. Kết quả đến nay cho thấy sự lựa chọn của Bắc Giang là hoàn toàn đúng đắn.
– Tại Bắc Giang có rất nhiều doanh nghiệp FDI lớn, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ có gây áp lực, phản đối với việc tỉnh dừng các khu công nghiệp không?
– Có. Trước khi quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp vào chiều ngày 17/5, chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp. Số đông doanh nghiệp không muốn dừng, nhất là các doanh nghiệp chưa có công nhân nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, sau khi đánh giá, phân tích thì đa số doanh nghiệp đều đồng thuận và ủng hộ quyết định của tỉnh để đảm bảo an toàn cho công nhân và chuẩn bị các điều kiện sớm hoạt động trở lại.
– Trước diễn tiến rất nhanh của dịch bệnh, nhìn lại cả một tháng vừa qua, ông có hối tiếc về quyết định nào không?
– Có thể nói trước diễn biến nhanh và rất phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi cũng phải đưa ra những quyết định rất khẩn cấp. Quan điểm của Bắc Giang trong xử lý các tình huống là phải “bình tĩnh; đoàn kết; quyết tâm, thần tốc; sáng tạo, hiệu quả” để xử lý các tình huống trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Với yêu cầu là phải thần tốc chặn đầu, không chạy theo dịch nên phải ra những quyết định rất kịp thời. Các nội dung quan trọng chúng tôi đều có sự bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo tỉnh trước khi đưa ra quyết định. Có thể nói, đến thời điểm này, chúng tôi đánh giá các quyết định đưa ra đều phù hợp, hợp lý trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
– Thủ tướng từng trực tiếp về Bắc Giang kiểm tra dập dịch và chỉ đạo ưu tiên nguồn vaccine cho tỉnh. Lãnh đạo tỉnh có áp lực với sự quyết liệt của Thủ tướng hay không?
– Trong thời gian qua, Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Riêng Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày nào cũng gọi điện cho tôi. Có khi 1h sáng Thủ tướng vẫn gọi điện vừa để nắm tình hình, vừa chỉ đạo và động viên anh em phải bình tĩnh, tập trung, quyết tâm cao nhất để chống dịch.
Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng tạo chúng tôi thêm nhiều động lực và niềm tin, quyết tâm 200-300% để dập dịch trong thời gian sớm nhất.
– Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bắc Giang đạt 13,02%, cao nhất cả nước. Trong quý I vừa qua, tăng trưởng cũng đạt tới 17,96%, thuộc tốp đầu cả nước. Khi dịch bùng phát từ đầu tháng 5, mỗi ngày Bắc Giang thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp.
Ngoài công nghiệp, dịch còn ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác như dịch vụ, nông nghiệp; ảnh hưởng đến đời sống nhân dân… Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của tỉnh, GRDP quý II và 6 tháng đầu năm sẽ chững lại.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 này chúng tôi sẽ có phân tích, đánh giá cụ thể để có kịch bản, phương án phát triển phù hợp nhất cho những tháng cuối năm.
– Ông nghĩ gì về triển vọng kinh tế Bắc Giang trong 6 tháng cuối năm, lúc đó đã có thể phục hồi sau dịch?
– Chúng tôi hy vọng trong tháng 6 sẽ khoanh vùng, dập dịch xong, các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Tuy nhiên, để phục hồi phải có độ trễ nhất định. Nếu nhanh thì quý III có thể phục hồi, nếu không thì phải hết 6 tháng cuối năm mới lấy lại được đà tăng trưởng.
– Dịch bệnh khiến sản xuất đình trệ ở Bắc Giang sẽ phần nào tạo ra hình ảnh không tốt trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Lãnh đạo tỉnh có tính đến việc cải thiện môi trường đầu tư khi nơi đây là điểm dịch nóng nhất ở Việt Nam?
– Có thể nói dịch bệnh là điều không ai mong muốn, là yếu tố khách quan. Trong thời gian chống dịch Bắc Giang đã nỗ lực, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều đánh giá rất cao quyết tâm và hành động của tỉnh trong cả công tác phòng chống dịch và trong việc hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp. Đặc biệt, Bắc Giang đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định. Điều này đã được các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao.
Chính vì vậy, ngay trong khi dịch chưa được đẩy lùi, một nhà đầu tư lớn nước ngoài vừa thông báo với chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm 200 triệu USD để mở rộng sản xuất.
Chúng tôi thấy rất phấn khởi, vui mừng vì các nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin rất lớn đối với Bắc Giang.
– Chính phủ đã ưu tiên cho Bắc Giang 150.000 liều vaccine, chúng tôi đã triển khai ngay và ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu và công nhân trong các khu công nghiệp. Bắc Giang đang đề xuất Chính phủ cấp thêm khoảng 200.000 liều vaccine nữa và được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương.
Khi có, chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tôi tin rằng thực hiện chiến lược “5K + vaccine + công nghệ” là giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo sản xuất trong điều kiện có dịch. Như vậy, doanh nghiệp an tâm, công nhân an toàn và chúng tôi sẽ tạo được môi trường sản xuất ổn định.
– Là địa phương phát triển công nghiệp sau, Bắc Giang có chiến lược gì để vừa thu hút đầu tư, vừa tạo ra một cuộc sống hài hòa, hạnh phúc cho người lao động?
– Bắc Giang phát triển công nghiệp đi sau một số địa phương, đây cũng là lợi thế để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các địa phương đi trước. Bắc Giang luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó xác định cải thiện môi trường, điều kiện sống cho công nhân và thực hiện an sinh xã hội là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng cao cạnh tranh cấp tỉnh.
Công nhân làm việc tại các nhà máy ở Bắc Giang hiện nay đang là thế hệ thứ nhất, nhưng chắc chắn sau này sẽ có những thế hệ thứ hai, thứ ba. Sau năm 2030, thu nhập của công nhân không phải 7-8 triệu, mà có thể 20-30 triệu đồng mỗi tháng. Lúc đó đời sống, nhu cầu của họ sẽ khác. Họ không thể sống trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn được mà phải được hưởng thụ xứng đáng với cống hiến của mình.
Hơn nữa, công nhân họ sẽ có gia đình, con cái, bố mẹ, hay trong tương lai, chính họ sẽ là ông, bà trong những gia đình nhiều thế hệ. Do đó, chúng tôi phải tính đến một tầm nhìn dài hạn, một hệ sinh thái trong các khu công nghiệp cho công nhân.
Đó là phải quy hoạch các khu nhà ở công nhân đầy đủ tiện nghi, đủ các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí, trường học, an sinh xã hội… Tỉnh luôn mong muốn để các thế hệ công nhân ngày càng phát triển hơn. Chúng tôi đã xác định chiến lược và thể hiện rất rõ trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang tập trung đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án nhà ở danh cho công nhân các khu công nghiệp.
– Bắc Giang có bí quyết gì để thu hút hàng tỷ USD vốn FDI, cùng các nhà đầu tư lớn như Luxshare, Foxconn hay không?
– Chúng tôi không có bí quyết gì đặc biệt, vấn đề là sự vận hành của cả bộ máy hướng về doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đó là quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với doanh nghiệp. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp yên tâm, có niềm tin vào môi trường đầu tư, địa bàn đầu tư.
Ví dụ như đã có những tập đoàn lớn từng đến khảo sát ở Bắc Giang, rồi họ đã định đi nơi khác. Nhưng sau khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, họ quyết định đầu tư ở Bắc Giang. Họ thấy quyết tâm chính trị, sự đồng hành của cả bộ máy, cả hệ thống chính trị giúp đỡ họ. Tôi nghĩ điều đó là quan trọng, ở nơi nào cũng vậy, để đón được những nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn.
– Hiện nay, vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ rất thuận lợi. Bắc Giang đề nghị không dùng từ “cứu” hay “giải cứu” vải thiều. Đó là cách tiếp cận rất khác của Bắc Giang, bởi vì giá trị của quả vải thiều đã được nhiều thị trường trên thế giới đón nhận.
Vừa qua, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đã được Nhật Bản cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam làm được điều này. Đại sứ Việt Nam tại Nhật nói rằng thị trường Nhật Bản đón nhận vải thiều như một quả đặc sản, đó là sản phẩm được nông dân Bắc Giang trồng nhiều đời nay và là món quà của thiên nhiên được kết tinh bởi tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng riêng có của Bắc Giang đem lại.
Bắc Giang quyết tâm khơi thông thị trường để quả vải thiều tiêu thụ được trong và ngoài nước. Chúng tôi muốn lan tỏa giá trị của quả vải thiều để mọi người cùng được thưởng thức món đặc sản này, sau thành quả lao động của người nông dân.
– Tuy vậy, dịch vẫn gây ra những khó khăn nhất định. Trong “cái rủi và có cái may”, việc tiêu thụ và chế biến vải thiều đã có những bước tiến lớn so với các năm trước?
– Đúng là trong “nguy có cơ”. Năm nay, trong điều kiện dịch bệnh, nhưng Bắc Giang đã nhận được sự vào cuộc, hỗ trợ rất tích cực của các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và nhân dân cả nước.
Đây cũng là lần đầu tiên mà cả 6 sàn thương mại điện tử lớn nhất của cả nước có gian hàng quả vải thiều. Vải thiều cũng được người dân cả nước hưởng ứng, đón nhận một cách trân trọng, bỏ tiền ra để sử dụng một sản phẩm chất lượng, chứ không phải “giải cứu”. Rất nhiều chuyến bay đã chở vải thiều Bắc Giang đến với các thị trường lớn. Đến nay, đã tiêu thụ được khoảng 100.000 tấn vải, trong tổng sản lượng dự kiến trên 180.000 tấn.
– Bắc Giang cũng là địa phương phát triển nông nghiệp hàng đầu miền Bắc. Từ câu chuyện quả vải, tỉnh sẽ tính đường dài cho các sản phẩm nông sản thế nào?
– Nông nghiệp của Bắc Giang có nhiều sản phẩm chủ lực như vải thiều với diện tích 28.000 ha, lớn nhất cả nước; đàn lợn trên 1,1 triệu con, đàn gà trên 16 triệu con, đứng thư 4 cả nước; vùng trồng cây căn quả, cây có múi diện tích trên 20.000 ha… Nông nghiệp của Bắc Giang là bức tranh khá toàn diện.
Chúng tôi định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trước hết phải quy hoạch thành vùng sản xuất có quy mô lớn, tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời, Bắc Giang sẽ quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản, khuyến khích đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt phải có sự liên kết, chế biến sâu… đảm bảo sự phát triển bền vững.
Cùng với đó, Bắc Giang đang tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu xây dựng những miền quê đáng sống trên quê hương Bắc Giang anh hùng.
Hiếu Công
Nguồn: Cánh cò