Việt Nam là quốc gia có số lượng người dân sử dụng internet đông đảo, chiếm gần 3/4 dân số, trong đó mạng xã hội facebook được xem như “cơm ăn nước uống hàng ngày” của một bộ phận cộng đồng mạng. Chính vì thế mạng xã hội đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc trong đời sống xã hội.
Thế nhưng, bên cạnh những tiện ích của mạng xã hội thì mặt trái của nó cũng đang tác tác động tiêu cực đến nhận thức của người dân, nhưng đáng lo ngại nhất là giới trẻ trong số học sinh, sinh viên đang hình thành một nền văn hóa “cúi đầu” khi họ dành quá nhiều thời gian, sự quan tâm với các thông tin trên mạng xã hội.
Mạng xã hội và smartphone đang hình thành “văn hóa cúi đầu” trong thế hệ trẻ
Điều này khiến cho họ có xu hướng tác ra khỏi xã hội thực tế vì phục thuộc vào nó khi chỉ tìm thấy nhiều niềm vui trong thế giới trên mạng xã hội mang lại hơn là thế giới thực. Từ đó làm méo mó nhân cách của cá nhân con người đó. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, khi mà nhân cách chưa hoàn toàn được định hình.
Đặc biệt, nó làm cho con người ta thụ động, ngại ngùng trong giao tiếp ngoài đời thực khi mặt đối mặt, vì họ đã quen với việc nhắn tin, chia sẻ thông qua môi trường ảo nên đã dần quen với ngôn ngữ giao tiếp trên mạng xã hội, những người quá đắm chìm trong thế giới ảo sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp thực. Thậm chí có những người quá đắm chìm trong mạng xã hôi còn dẫn đến việc trầm cảm, không dám giao tiếp với người ngoài, thậm chí với cả cha mẹ của mình.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất khi giới trẻ tiếp cận với mạng xã hội với một tâm thế non nớt, ham khám phá, tìm tòi cái mới. Do vậy, sẽ thật sự tai hại và nguy hiểm khi những thông tin xấu, độc hại hàng xuất hiện trên mạng xã hội sẽ tác động, ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của mỗi bạn trẻ, nhất là các xu hướng giáo dục không chính xác, độc hại.
Những thứ độc hại trên mạng xã hội rất dễ thâm nhập vào tư tưởng của giới trẻ
Không những vậy, hiện nay, rất nhiều kẻ đang lợi dụng mạng xã hội như một kênh để truyền bá những giá trị xấu, tuyên truyền cho người dùng mạng xã hội những giá trị nhân cách không tốt đẹp. Nếu như người dùng không chọn lọc thông tin, không có bản lĩnh khi tiếp nhận thông tin thì rất dễ nghe theo những lời tuyên truyền đó. Đặc biệt trong giới trẻ hiện nay, rất dễ nghe theo, cổ súy cho các clip bạo lực, giang hồ,… Từ đó làm phát triển lệch lạc về nhân cách của giới trẻ…
Do vậy, cần thiết phải có những hệ thống giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn những tác động tiêu cực này tới thế hệ trẻ là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong đó, cần ưu tiên để các nhà trường, gia đình các em học sinh, sinh viên biết cách tuyên truyền các giá trị nhân văn tốt đẹp trên nền tảng mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng qua đó giúp người dân, xã hội phát triển nhân cách một cách đúng hướng lành mạnh.
Hơn lúc nào hết các nhà trường, tổ chức giáo dục cần tích cực sử dụng mạng xã hội hơn nữa trong việc giáo dục, đào tạo người học từ xa, tận dụng triệt để các ưu thế của mạng xã hội như: linh hoạt, chi phí đào tạo rẻ, tính tương tác cao, nội dung giáo dục phong phú,…để thu hút người học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo người học trong tình hình internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ngày càng phát triển như ngày nay.
Đồng thời cần các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác quản lý chất lượng thông tin, đảm bảo các thông tin đăng trên mạng xã hội đều là những thông tin đã được kiểm chứng. Tránh dẫn tới tình trạng fake news gây bức xúc trong dư luận, cũng như tạo tâm lý tiêu cực đối với người dùng.
Mạng xã hội là một thành quả vượt bậc của khoa học kỹ thuật, một kết nối hoàn hảo trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào sự kiểm soát của người dùng, bạn sẽ có nhân cách như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân bạn. Nếu như bạn kiểm soát được bản thân, không dễ rơi vào tình trạng phụ thuộc, nếu bạn ý thức được rằng mạng xã hội như một “phòng khách công cộng” nơi sẽ có những vị khách tốt, vị khách xấu, nơi bạn có thể học được những điều hay nhưng cũng có thể là nơi bạn học được những điều xấu. Vì thế, chính chúng ta, những người dùng mạng xã hội hãy đặt ra cho mình những giới hạn nhất định khi tham gia vào mạng xã hội.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ