Triển khai máy bay chiến đấu áp sát không phận Malaysia là để thể hiện khả năng “thị uy” với láng giềng, cũng là sự gây hấn ngày càng lớn trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, hai nước sẽ tránh việc leo thang vấn đề, một phần bởi Malaysia đang vật lộn với đại dịch Covid-19, chịu nhiều áp lực về kinh tế và có những lý do để duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.
Thị uy quân sự
Ngoại trưởng Malaysia mới đây đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh để yêu cầu giải thích về việc 6 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách bờ biển Sarawak khoảng 110km. Malaysia nhận diện đây là loại vận tải chiến lược Ilyushin Il-76 và Xian Y-20.
Máy bay Xian Y-20 của Trung Quốc. Ảnh: CCTV
Bộ Ngoại giao Malaysia cáo buộc đây là sự “xâm phạm không phận và chủ quyền” nước này.
Bắc Kinh thì phủ nhận, nói rằng các máy bay quân sự không vào không phận của Malaysia và thực hiện quyền bay tự do trong khu vực.
Trước đó, một nguồn tin quân sự cho hay, chỉ có 2 máy bay vận tải Trung Quốc được điều động nhằm tiếp tế cho binh lính đồn trú ở Biển Đông.
Từ lâu, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm chính trị trong yêu sách chủ quyền hàng hải ở Biển Đông và được cho là đã đưa ra đề xuất cuộc gặp cấp ngoại trưởng với 10 thành viên ASEAN tuần tới.
Việc điều máy bay tới gần bãi cạn South Luconia Shoal có thể coi là biện pháp ngăn cản các bên khác có chủ quyền ở Biển Đông, nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore cho biết.
“Vụ việc này nhằm thể hiện và khuếch trương các khả năng sức mạnh quân sự mới của họ, vốn tương phản với lực lượng không quân Malaysia”, Koh nói. “Người Trung Quốc dường như muốn nói giờ đây họ được trang bị tốt hơn để leo thang thị uy”.
Máy bay Ilyushin Il-76 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đang không ngừng gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông – vùng biển mà những quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.
Trong tháng 4, nước này đã triển khai 3 tàu khu trục hiện đại bao gồm một tàu tấn công đổ bộ Type 075 tới căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Điều này làm gia tăng suy đoán Trung Quốc sẽ triển khai tàu tấn công đổ bộ lớn nhất của mình – có thể mang theo 30 trực thăng và hàng trăm lính – tới Biển Đông đang tranh chấp.
Ràng buộc kinh tế
Bãi cạn Luconia ở ngoài khơi bang Sarawak là ngư trường phong phú và giàu tài nguyên hydrocarbon.
Malaysia theo đuổi mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc tách biệt với các tranh chấp ở Biển Đông, thậm chí kể cả khi căng thẳng thỉnh thoảng bùng phát liên quan đến việc thăm dò dầu khí ngoài khơi bang Sarawak. Đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia nhưng cũng thuộc cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, Trung Quốc có vai trò quyết định trong việc phục hồi kinh tế của Malaysia. Trong cuộc gặp trực tuyến tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với người đồng cấp Malaysia Muhyiddin Yassin rằng, nước ông sẵn sàng thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong đầu tư, sản xuất, nông nghiệp và hạ tầng hàng hải. Malaysia cũng là một trong những nước đầu tiên có quyền ưu tiên tiếp cận các vắc-xin chống Covid-19 của Trung Quốc.
“Với tình trạng thiếu vắc xin toàn cầu, Trung Quốc là nguồn cung quan trọng của Malaysia”, chuyên gia Koh nhận định. “Có nhiều động lực để Malaysia duy trì quan hệ bền vững và hữu hảo với Trung Quốc cũng như không cố làm chao đảo con thuyền nếu không cần thiết”.
Tiếp tục phô trương sức mạnh
Còn Yan Yan, Giám đốc Trung tâm luật và chính sách đại dương tại Viên Nghiên cứu Biển Đông ở đảo Hải Nam thì cho rằng, Malaysia có thể “phản ứng thái quá” với việc Trung Quốc điều động máy bay quân sự.
Bà nhấn mạnh, tuyên bố của quân đội và cơ quan ngoại giao Malaysia trái ngược nhau. Theo lực lượng không quân hoàng gia Malaysia, máy bay của họ đã được điều động sau khi các máy bay của không quân Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu liên lạc với kiểm soát không lưu ở Kota Kinabalu (Malaysia). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao nước này thì gọi đây là vụ việc “xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”.
Theo Yan, Malaysia có thể cảm thấy “bị đe dọa” khi 16 máy bay Trung Quốc áp sát không phận. “Trong tương lai, nếu hai bên tăng cường liên lạc ở các vùng tranh chấp của Biển Đông và các hoạt động liên quan thì đó có thể là cách tốt hơn để thúc đẩy lòng tin chung”, bà nói.
Nhà phân tích Koh cho rằng, việc phô trương sức mạnh của Bắc Kinh sẽ tiếp diễn, bất chấp những quan ngại của láng giềng và sự dõi theo của các nước khác như Mỹ. “Với sự phục hồi kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng, Trung Quốc tương đối thoải mái và tự tin về sự hiện diện ở Biển Đông. Có cảm giác rằng, dần dần họ sẽ làm suy yếu quyết tâm chính trị của các đối thủ địa chính trị”.
Thái An (Theo SCMP)
Nguồn: Tuần Việt Nam