Trang chủ Đấu trường dân chủ Về ý kiến trên BBC của một ‘nhà nghiên cứu lịch sử’

Về ý kiến trên BBC của một ‘nhà nghiên cứu lịch sử’

245
0

Tiếp cận với thái độ thiếu khách quan; hiếm khi đề cập các thành tựu Việt Nam đạt được; thường xuyên bịa đặt, xuyên tạc và vu khống, thổi phồng hiện tượng tiêu cực; đưa ra bình luận tùy tiện, gieo rắc tin tức thất thiệt nhằm gây hoang mang, nghi ngờ, kích động chống đối,… là cách thức tuyên truyền phổ biến mà một số trang tiếng Việt của BBC, VOA, RFA,… thể hiện trong nhiều năm qua mỗi khi đưa thông tin về Việt Nam. Đáng tiếc, thay vì bày tỏ thái độ lên án, phê phán một số người ở trong nước lại xuất hiện trên các địa chỉ truyền thông này để phụ họa (thậm chí tiếp tay) qua việc đưa ra ý kiến thiếu trung thực, khách quan, thậm chí sai trái.

Tập hợp một nhóm vài ba người “thân thiết” có tư tưởng thù địch hoặc thiếu thiện chí để khi cần sẽ tổ chức phỏng vấn, hội luận để bịa đặt, xuyên tạc, vu khống Việt Nam, là thủ đoạn quen thuộc mà nhiều năm nay trang tiếng Việt của BBC, RFA, VOA,… sử dụng. Thời gian gần đây, khi BBC bàn đến lịch sử Việt Nam, xuất hiện nhân vật tên là LVS – lúc thì được giới thiệu là “nhà nghiên cứu lịch sử từ Đại học Quốc gia Hà Nội”, “Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội”, lúc lại giới thiệu là “nguyên giảng viên Khoa sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội)”! Với lối giới thiệu mập mờ này và từ cung cách làm truyền thông, hẳn BBC muốn người tiếp xúc lầm tưởng đó là ý kiến chính thức từ Đại học Quốc gia Hà Nội? Trong khi tới hiện tại, LVS chưa thể hiện bất cứ thông tin xác đáng nào để chứng minh tư cách và thẩm quyền phát biểu từ địa chỉ “Đại học Quốc gia Hà Nội”. Còn ông ta có phải là “nhà nghiên cứu lịch sử” hay không thì cũng rất lạ lùng, chưa thấy chuyên luận, tiểu luận, công trình hay cuốn sách nghiên cứu lịch sử nào mang tên LVS đủ để bảo đảm ông có tư cách “nhà nghiên cứu”?

Về ý kiến trên BBC của một 'nhà nghiên cứu lịch sử'

Tuy nhiên, quan trọng hơn là ông LVS phát biểu trên BBC như thế nào. Thí dụ gần nhất: Trong cuộc hội luận “Chiến tranh Việt Nam: Người Mỹ xâm lược hay “chỉ can thiệp”?” do BBC tiến hành ngày 8-5-2021, ông LVS nói: “Ở Việt Nam có người nói rằng đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, tôi không nghĩ rằng nó sai hoàn toàn, nhưng nó cũng không đúng hoàn toàn. Thực ra thì người Mỹ không xâm lược đất đai của Việt Nam, mà người Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Họ muốn đắp một con đê để ngăn chặn làn sóng cộng sản lan tràn ra xung quanh, vì vậy họ mới dựng nên chính quyền, bảo vệ và giúp đỡ chính quyền của ông Ngô Đình Diệm và từ đó nó có cuộc nội chiến và lại vừa có cuộc chiến tranh ủy nhiệm ý thức hệ”. Đọc là có thể thấy ý kiến của ông LVS chỉ lặp lại luận điệu của một số kẻ nhiều năm nay vẫn cố tình đổi trắng thay đen để phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bằng cách xuyên tạc đó là “chiến tranh ủy nhiệm, nội chiến” theo một cấu trúc khác. Thậm chí, LVS còn trắng trợn bình luận “Ở Việt Nam có người nói rằng đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược”. Theo ông ta, “chống Mỹ xâm lược” không phải là khái niệm chính thống, phổ biến ở Việt Nam mà chỉ là “có người nói” và đó là cách gọi “không đúng hoàn toàn”. Lý giải cho ý kiến của mình, ông LVS nói: “Thực ra thì người Mỹ không xâm lược đất đai của Việt Nam, mà người Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam”. Như vậy, để biện hộ cho một cuộc xâm lược, “nhà nghiên cứu lịch sử” LVS đưa ra lập luận kỳ quái rằng chỉ gọi là xâm lược khi “xâm lược đất đai”! Còn khi 2,7 triệu lượt binh lính nước ngoài lần lượt đến Việt Nam (thời điểm cao nhất đến hơn 50 vạn người) để bắn giết người vô tội, hơn 15 triệu tấn bom đạn và khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó có 61% là chất da cam) trút xuống đất nước nơi ông đang sống, để lại hậu quả đau lòng đến hôm nay thì không phải là hành động xâm lược. Cũng ngày 8-5-2021, tại cuộc hội luận khác do BBC thực hiện, ông LVS khẳng định “việc phản ánh lịch sử Việt Nam khách quan là điều lý tưởng của những người làm nghề viết lịch sử”, nhưng khi đưa ra ý kiến về “xâm lược”, ông lại làm ngược lại điều ông coi là lý tưởng, bằng cách vứt bỏ khách quan và bất chấp sự thật để đưa ra những ý kiến phi lịch sử. Chỉ chừng ấy thí dụ cũng đủ để đặt ra câu hỏi nghi ngờ, liệu nhãn hiệu “nhà nghiên cứu lịch sử” mà BBC thừa nhận và tôn vinh có thật sự tương xứng với ông LVS? Hay phải sử dụng “tiêu chuẩn kép” mới hiểu được sự khác nhau giữa điều “nhà nghiên cứu lịch sử” này mong muốn và việc “nhà nghiên cứu lịch sử” này làm?

Trước đó, tại cuộc hội luận do BBC tiến hành ngày 19-5-2020, ông LVS nói: “Từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ vào cuối thế kỷ trước, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh mới được đẩy lên như một vũ khí tư tưởng thay cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin”. Đây cũng là một thí dụ cho thấy ông LVS khá thành thạo thủ pháp sử dụng một cấu trúc khác để lặp lại luận điệu mà một số đối tượng thiếu thiện chí, phản động đã đưa ra trước đây. Nói cách khác, không hề có sự nghiên cứu, phát hiện mới và khoa học nào ở đây cả, các luận điểm mà “nhà nghiên cứu lịch sử” LVS đưa ra chỉ là sự “nhai lại” các luận điệu cũ rích mà các thế lực thù địch và một số người thiếu thiện chí với Việt Nam hàng chục năm nay vẫn rêu rao như: sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là sụp đổ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin; tách rời quan hệ biện chứng giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; cố tình xuyên tạc và hạ thấp vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam bằng cách đánh tráo khái niệm, lập lờ coi đó chỉ là “giải pháp tình thế”, chứ không phải là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là một bộ phận cấu thành làm nên nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam như thực tiễn cách mạng và lịch sử Việt Nam đã đúc kết. Từ sự lặp lại luận điệu của người khác và thủ pháp ông thực hiện, có thể đặt câu hỏi: Phải chăng mục đích mà “nhà nghiên cứu lịch sử” LVS nhắm đến là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Đến nay đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu có giá trị của các chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới đánh giá, bình luận các nguyên nhân khách quan, chủ quan đẩy tới sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, phân tích, chỉ rõ bản chất vấn đề, sự xa rời các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà hậu quả là sự trì trệ về tư tưởng, về tư duy trong hoạch định chiến lược, sách lược phát triển giữa một thế giới đã có nhiều biến đổi, việc thiếu và không kịp thời ứng phó với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội. Đáng tiếc, có lẽ vì không quan tâm tới các bài viết, công trình đó để có ý kiến riêng nên “nhà nghiên cứu lịch sử” LVS chỉ nhất mực với quan điểm, luận điệu của mấy kẻ từng đưa ra trước ông ta. Hay với vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh cũng vậy, nếu thật sự là một nhà khoa học chân chính trước khi đề cập tới tư tưởng Hồ Chí Minh, ông LVS cần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là gì và điều đó đâu phải là thách đố. Ông sẽ dễ dàng nhận thấy Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi rõ và khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Khẳng định đó cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, không thể tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Vấn đề này, trong bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” mới công bố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã khẳng định, làm rõ, phân tích rành mạch và chính xác rằng: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”. Như vậy, điều ông LVS cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là “vũ khí tư tưởng thay cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin” là phát ngôn tùy tiện, hàm hồ, có tính xuyên tạc, nên cần phải phê phán, bác bỏ…

Thực tế, phân tích, đánh giá hoặc bàn luận về một vấn đề nào đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, để thực hiện quyền đó, phát biểu một cách công khai, rộng rãi, nhất là khi mượn danh một vai trò, tổ chức, đơn vị nào đó, khi vấn đề đưa ra liên quan tới cả một quốc gia, dân tộc trước khi đưa ra ý kiến bàn luận, mỗi người cần có ý thức về trách nhiệm công dân và xã hội, không được phép tùy tiện. Thêm nữa, ý kiến bàn luận của một người mà BBC gọi là “nhà nghiên cứu lịch sử” không thể chỉ được thể hiện và bảo đảm bằng giá sách đầy ắp sau lưng như hình ảnh ông LVS mỗi khi xuất hiện trên BBC, mà tối thiểu ý kiến bàn luận đó phải ra đời từ thái độ và tinh thần nghiên cứu, làm việc, nhận thức nghiêm túc và khoa học trên cơ sở đã tiếp cận, khảo sát thực tế theo nguyên tắc khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển. Song dường như với ông LVS, ngoài khả năng lặp lại luận điệu của người khác một cách sống sượng, hành trang tinh thần của “nhà nghiên cứu lịch sử” này chỉ có thủ pháp biến luận điệu của người khác thành ý kiến của mình.

Lê Hoài Ân (báo Nhân dân điện tử)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây