Ngày 3/6, Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết chủng Covid-19 tại Việt Nam không phải biến chủng lai giữa chủng Anh và chủng Ấn Độ. Ngay lập tức, thông tin này đã bị các đối tượng chống phá dùng làm “vũ khí” để công kích, bôi nhọ phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trước đây.
Một trong số những đối tượng đã thể hiện sự “sốt sắng”, mừng rỡ trước thông tin của WHO là Nguyễn Thùy Dương, một “nhà dân chủ” cộm cán. Ngay khi thông tin không có biến chủng Covid-19 tại Việt Nam, Thùy Dương lập tức lên mạng cho rằng Bộ trưởng Y tế “nói dối hoặc không đủ trình độ”, và thậm chí còn đòi “truy cứu Bộ Trưởng tại điều 331”. Thế nhưng, chính phát biểu này không những đã thể hiện ai mới là người “không đủ trình độ” trong sự việc này. Và e rằng, thị ta cũng nên lo ngại việc “bị truy cứu theo điều 331” cho bản thân mình, hơn là cho người khác.
Như chúng ta đã biết, ngày 29/5 , Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết có sự hiện diện chủ yếu của 2 biến chủng là biến chủng Anh (alpha) và biến chủng Ấn Độ (Delta) tại Việt Nam. Điều đáng chú ý, công bố của Bộ Y tế thời điểm này cho thấy đã “phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh”, và Bộ cũng đã công bố phát hiện này trên bản đồ gen thế giới.
Thế nhưng, vừa qua, WHO dường như lại phát đi một thông điệp nghe có vẻ trái ngược với Bộ Y tế Việt Nam. Theo đó, Đại diện của WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park nói rằng: “Không có biến thể lai mới ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại dựa trên định nghĩa của WHO. Biến thể được phát hiện là biến thể Delta, với các đột biến bổ sung và cần theo dõi thêm. Chúng ta cần theo dõi trong vài tuần tới”.
Được biết, nhận định ngày 29/5 của việc Bộ Y tế là kết quả giải mã trình tự gen trên các bệnh nhân Covid-19, cho thấy có dấu hiệu của các đột biến chủng Alpha trên các chủng Delta tại Việt Nam. Phát biểu của ông Park cũng đã xác nhận đây là biến thể của chủng Delta, đồng thời cũng xác định rằng biến thể Delta tại Việt Nam có các đột biến bổ sung cần được theo dõi thêm. Và cũng theo đại diện WHO, sẽ cần có thêm thời gian để đối chiếu với các dữ liệu bản đồ gen hiện có của WHO.
Cũng cần hiểu rằng về mặt di truyền học, đột biến là một quá trình tự nhiên, diễn ra liên tục ở tất cả mọi sinh vật, từ loài đơn bào đến động vật bậc cao như con người. Chủng virus Corona cũng vậy, việc xuất hiện các đột biến là điều tất yếu, nhưng không có nghĩa mọi đột biến đều nguy hiểm, mọi thay đổi trình tự gen của virus đều tăng độc tố của nó. Tuy nhiên, việc phát hiện, phân loại kịp thời và xác định mức độ nguy hiểm của các biến thể là điều sống còn để đối chọi với đại dịch. Đó là lý do tại sao phải có sự phân biệt biến chủng Anh, Nam Phi, hay Ấn Độ…
Và trong vài ngày tới, nếu kết luận cho biết các đột biến đều đã được ghi nhận trước đó trong bản đồ gen tại WHO, đó là một tin tức không thể tốt hơn đối với tình hình dịch Covid-19 không chỉ ở nước ta. Nhưng nếu viễn cảnh xấu nhất thực sự xảy ra – “chủng Epsilon lần đầu phát hiện tại Việt Nam” – ít nhất chúng ta đã có được sự cảnh báo và chuẩn bị ngay từ đầu.
Điều đó cho thấy, vào thời điểm này, không hề có sự mâu thuẫn giữa phát hiện của Bộ Y tế và công bố của WHO. Ngược lại, nó đã cho thấy Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra một cảnh báo chính xác và kịp thời với các đồng nghiệp trên thế giới và tại WHO. Bởi nếu lơ là, thiếu cảnh giác, hẳn chúng ta đã không thể phát hiện ra sự bất thường của chủng Delta đang hoành hành tại Việt Nam.
Đáng tiếc, trước thông tin tích cực từ WHO, những “nhà dân chủ” như Thùy Dương thay vì cảm thấy giảm bớt nỗi lo như đa phần người Việt Nam, lại lợi dụng nó để bóp méo sự thật, bôi nhọ ngành y tế nước nhà, những người đang ngày đêm đương đầu với đại dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân VIệt Nam.
Đó là một sự hổ thẹn và là dấu hiệu đáng báo động cho sự suy đồi về đạo đức và nhân cách của những kẻ luôn núp trong chiếc vỏ bọc “vì dân” như Nguyễn Thùy Dương.
Hạnh Văn
Nguồn: Cánh cò