Thời gian đếm ngược tới sự kiện thể thao quan trọng nhất khu vực – Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) không còn nhiều.
Để 2 sự kiện quan trọng này diễn ra một cách tốt đẹp nhất, công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự hai Đại hội được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Thể thao Việt Nam trong năm 2021.
Miệt mài luyện tập
Theo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, công tác tập huấn vận động viên các đội tuyển quốc gia đã, đang được triển khai thực hiện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 liên tục có những diễn biến phức tạp, việc triển khai kế hoạch tập huấn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, vận động viên các đội tuyển quốc gia đã, đang miệt mài, chăm chỉ tập luyện với mục tiêu giành thành tích cao nhất, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Trong suốt thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thể dục thể thao, để đảm bảo công tác tập trung tập huấn của các đội tuyển, các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia đã chủ động xây dựng các phương án tập huấn tại chỗ nhằm đảm bảo về chuyên môn cho các vận động viên, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội hiện đang có trên 800 huấn luyện viên, vận động viên của 40 đội tuyển thể thao quốc gia tập huấn tại các khu A, B, C và Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, kế hoạch tham gia tập huấn nước ngoài của các đội tuyển quốc gia không thể triển khai thực hiện được mà chủ yếu tập huấn tại Trung tâm. Chính vì vậy, việc đảm bảo các điều kiện ăn ở, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện để các đội tuyển quốc gia có được sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt nhằm hướng tới mục tiêu giành thành tích cao nhất, trong đó tập trung vào các môn thi đấu tại ASIAD và Olympic là nhiệm vụ quan trọng nhất được lãnh đạo Trung tâm đặc biệt quan tâm.
Cũng như Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng rốt ráo triển khai công tác chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, Trung tâm đảm bảo duy trì tập huấn tại chỗ cho trên 600 vận động viên của 20 đội tuyển, trong đó có 9 đội tuyển quốc gia, 9 đội trẻ, 2 đội thể thao người khuyết tật.
Còn tại khu vực miền Trung, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, nơi mà 6 đội tuyển quốc gia và 13 đội tuyển trẻ quốc gia đang tập trung tập luyện cũng đã và đang nỗ lực đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho các vận động viên tham gia tập huấn đạt mục tiêu như kế hoạch đề ra.
Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng Lê Hồng Sơn, công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 được Trung tâm xem là nhiệm vụ trọng tâm. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn tại chỗ cho các đội tuyển sao cho phù hợp với yêu cầu nhằm đảm bảo tốt nhất về chuyên môn cho vận động viên. Song song với đó, Trung tâm cũng triển khai đồng loạt các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định của Chính quyền thành phố Đà Nẵng và hướng dẫn của Bộ Y tế. Cho đến thời điểm này, công tác tập huấn của các đội tuyển tại Trung tâm đang tiếp tục được triển khai theo kế hoạch và công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt.
“Cấm trại” để phòng dịch COVID-19
Hiện nay, đợt dịch thứ 4 đang bùng phát và có tốc độ lây lan nhanh, bởi vậy công tác phòng, chống dịch tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia đều đặt ở mức cao nhất. Để đảm bảo an toàn cho các vận động viên, việc duy trì các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo như đã triển khai từ đầu năm 2020 tiếp tục được thực hiện. Đồng thời, các Trung tâm thực hiện lệnh “cấm trại” để kiểm soát việc ra – vào của các vận động viên, tránh tiếp xúc với bên ngoài.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức như: Treo tranh cổ động, phát tờ rơi về các khuyến cáo của ngành Y tế cho từng đội và dán ở những nơi dễ nhìn thấy tại các địa điểm như khu nhà ở, bếp ăn, địa điểm tập luyện; cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày trên bản tin…; trong quá trình tham gia tập luyện, các đội tuyển duy trì thực hiện các biện pháp như: Đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách,… Không chỉ các đội tuyển tập huấn tại các Trung tâm mà các đội tuyển đi tập huấn ở nước ngoài về đều phải thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế và có báo cáo về tình hình sức khỏe của từng vận động viên hàng ngày với Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Mặc dù Thể thao cũng giống như các ngành, nghề khác đều phải chịu những tác động của dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao độ, cùng nỗ lực của những nhà quản lý, ban huấn luyện, vận động viên, công tác tập huấn, tập luyện vẫn được duy trì đều đặn. Đặc biệt là tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, nơi quy tụ đa số những vận động viên đỉnh cao, những đội tuyển quốc gia, việc đảm bảo môi trường “sạch dịch bệnh” luôn được lãnh đạo ngành Thể dục thể thao và Ban lãnh đạo các Trung tâm đặt lên hàng đầu với mong muốn các vận động viên an tâm tập luyện để có được phong độ, trình độ và kỹ năng tốt nhất, hướng tới những mục tiêu quan trọng ở các giải đấu trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm nay.
Nguồn: Báo Tin tức