Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mùa giải thứ hai đã khép lại, gặt hái được thành công dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy không tìm ra được tác phẩm, tác giả nào để vinh danh ở giải thưởng lớn “Hiệp sỹ Dế Mèn” nhưng Ban Tổ chức cũng trao 5 giải “Khát vọng Dế Mèn”. Đặc biệt, những tác phẩm được trao giải đều mang những dấu ấn rất đậm nét trong việc xây dựng bức tranh nghệ thuật thiếu nhi năm qua. Qua đó cũng có thể thấy, giải thưởng đã góp phần khơi dậy được tinh thần sáng tác nhằm góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn đẹp cho trẻ em Việt Nam.
Sự bổ sung hoàn chỉnh của “Khát vọng Dế Mèn”
“Đi trốn” của nhà văn Bình Ca là cuốn tiểu thuyết giành giải “Khát vọng Dế mèn” mùa giải thứ hai. Ông cũng chính là tác giả cuốn “Quân khu Nam Đồng” – một tác phẩm giản dị nhưng hấp dẫn của một người lần đầu viết văn. Trong “Quân khu Nam Đồng” tác giả kể câu chuyện trong quá khứ về đám trẻ trong một khu gia binh giữa lòng Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp. Sách bán rất “chạy” ngay từ khi ra mắt và đến nay đã thêm nhiều lần tái bản.
Và nay đến “Đi trốn”, với đoạn đầu như một ký ức về tuổi thơ trong chiến tranh. Đoạn sau là một cuộc phiêu lưu, sinh tồn và cuối cùng là một “vĩ thanh” (phần cuối) để khép lại cuộc đời các nhân vật.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm 2021, “Đi trốn” là cuốn tiểu thuyết “vạm vỡ”, thấm đẫm ký ức của nhà văn Bình Ca.
Sức hấp dẫn của “Đi trốn” chính là sức hấp dẫn của giọng nam nhi, đại trượng phu, hay là chất mục đồng nơi hoang dã, kết hợp với chất “trai phố” nơi đô thị. Ở không gian đó những đứa trẻ đàn anh (đầu têu) luôn được mến mộ. Những câu chuyện của một thế hệ lớn lên trong chiến tranh từ hơn nửa thế kỷ được Bình Ca chân chất kể lại bằng trải nghiệm của người trong cuộc càng khiến cho người đọc thích thú, thậm chí kính phục. Nhưng sau sự kính phục ấy lại là sự xót xa về một thời mà những đứa trẻ phải trải qua trong hoàn cảnh khốc liệt, nghịch súng đạn như đồ chơi, sinh tồn với thiên nhiên hung dữ…
“Đi trốn” khá cổ điển trong lối viết và cách triển khai mạch truyện, cho thấy dư địa của phong cách này vẫn còn có sức hút với người viết cho thiếu nhi thời hiện đại, ít nhất là ở Việt Nam.
Nếu “Đi trốn” chân thật, vạm vỡ, đậm chất hoài niệm thì bộ sách tranh 4 cuốn “Khác biệt mới tuyệt làm sao” lại dí dỏm, tinh tế và “bắt trend” (nắm bắt xu hướng) tài tình bấy nhiêu. Hai cuốn sách cùng được trao giải “Khát vọng Dế Mèn” là một sự bổ sung hoàn chỉnh cho nhau.
“Khác biệt mới tuyệt làm sao” do tác giả Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1993, viết lời. Có 4 họa sĩ là Gà’s little world (tên thật Minh Trang), Hoàng Trung, Ru-oi (tên thật Thanh Xuân) và Linh Vương thực hiện lần lượt minh họa cho 4 cuốn “Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên”, “Nàng rồng khè ra trà sữa”, “Lão ma cà rồng cuồng cà rốt” và “Nhóc kì lân mọc sừng búa đẽo”. Phần tranh minh họa của cả 4 cuốn này đã đóng góp rất lớn để bộ sách này giành giải thưởng.
Về cơ bản thì bộ sách dạy cho trẻ em rằng trên đời mọi người đều có những sự khác biệt và nên tôn trọng sự khác biệt đó. Lối kể khá nhẹ nhàng, có những câu bắt vần dễ đọc và đôi chỗ khá hóm hỉnh. Hầu hết các cuốn đều có những bất ngờ với các nút thắt, mở nút khá dễ thương. Điểm cộng cho truyện ngụ ngôn của Hoàng Vũ là trí tưởng tượng bay bổng đến mức siêu phàm, còn văn phong thì rất hóm hỉnh, rất tinh tế. Cách kể như trường ca thời cổ đại mà chất liệu văn chương lại thấm đẫm văn hóa Việt.
Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng Dế Mèn 2021 đánh giá: “Khác biệt mới tuyệt làm sao” là một series sách có tranh minh họa rất công phu, có tính giáo dục rõ ràng như những truyện ngụ ngôn. Nhưng khác với các ngụ ngôn truyền thống, bộ truyện này được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng bay bổng của tác giả trẻ. Văn phong rất hóm hỉnh, hiện đại, đôi chỗ sử dụng thể loại văn vần như truyện thơ. Nhìn chung bộ sách khá nặng ký, có phẩm chất hiện đại, cần khuyến khích. Đây xứng đáng là một best seller của các bạn trẻ Việt Nam.
Ngoài 2 tác phẩm trên, giải “Khát vọng Dế Mèn” còn được trao cho phim hoạt hình “Khúc gỗ mục” (Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) do Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Phương Hoa làm đạo diễn và họa sĩ (biên kịch: Phan Đức Tuấn – Nguyễn Thị Phương Hoa; biên tập: Bùi Hoài Thu; nhạc sĩ: Trọng Đài); chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của hoạ sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh năm 2007) và truyện tranh “Ly & Chũn – Tết là nhất, nhất là Tết!” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng)…
Không thiếu tác phẩm hay cho thiếu nhi
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: Khi phát động Giải thưởng Dế Mèn, nhiều người vẫn băn khoăn không biết các mùa tiếp theo, liệu có tìm được tác phẩm để trao giải hay không? Vì ngay cả giải của các hội chuyên ngành, hội địa phương hàng năm, dù xét ở tất cả các mảng đề tài mà còn rất khó khăn trong việc tìm kiếm tác phẩm hay, có những năm còn “mất mùa”. Huống chi Dế Mèn chỉ tập trung vào đề tài thiếu nhi – mảng chủ đề mà cả xã hội luôn kêu thiếu vắng tác phẩm hay, thiếu vắng người viết.
Nhưng trong suốt những ngày chấm giải Dế Mèn lần 2, Hội đồng Giám khảo nhận ra rằng, chỉ trong khuôn khổ của giải thưởng này đã thấy không hề thiếu những tác phẩm hay để trao giải.
Con số chính xác là có 118 tác phẩm đã gửi dự thi hoặc được đề cử vào giải Dế Mèn năm nay. Cuối cùng, có 16 tác phẩm xuất sắc đã lọt vào vòng cuối cùng, gồm 8 cuốn sách, 3 bộ/series phim, 2 tác phẩm/chùm tác phẩm mỹ thuật và 3 tác phẩm âm nhạc.
Trao 5 giải “Khát vọng Dế Mèn”, các thành viên ban sơ khảo, cũng như Hội đồng giám khảo đều cảm thấy có phần tiếc nuối khi vẫn còn khá nhiều các tác phẩm tốt nhưng không còn… giải nào để vinh danh. Trong hơn 50 bản thảo sách gửi dự giải năm nay có thể chọn tầm 10-15 bản thảo để in thành sách. Hội đồng Giám khảo và Ban Tổ chức đều mong rằng những bản thảo này sẽ tiếp tục được các tác giả hoàn thiện vì chúng vẫn đủ điều kiện để dự giải mùa sau.
Đáng nói là năm nay có 6 tác phẩm dự thi của các em thiếu nhi vượt qua vòng sơ loại, trong đó có 2 bản thảo tiểu thuyết thuộc thể loại fantasy (giả tưởng) dày khoảng 200 trang của một em học sinh lớp 3 và một em học sinh lớp 6. Tiểu thuyết của em học sinh lớp 6 được viết bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt, được các bạn cùng lớp vẽ tranh minh họa cho. Đây mới chỉ là phần 1 trong bộ 4 phần đang viết.
Các sáng tác đó của các em là một tín hiệu rất đáng mừng. Nhưng Hội đồng Giám khảo đều thống nhất rằng không nên vội vàng vinh danh, vì vẫn còn nhiều mùa giải Dế Mèn để các em tiếp tục hoàn thiện tác phẩm và trau dồi tài năng..
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu rõ: “Thần đồng” không phải là những đứa trẻ có khả năng ca hát, viết lách “giỏi như người lớn” mà phải là tài năng thiên bẩm, sáng tạo được những thứ giản dị, hồn nhiên nhưng đến cả nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng phải “ngả mũ chào thua”. Đó mới là mục tiêu tìm kiếm của Giải thưởng Dế Mèn. Đó cũng là điều mà Hội đồng Giám khảo đã ít nhiều nhìn thấy vào mùa giải đầu tiên ở Cao Khải An với “Chuyện của Bắp ăn Bơ và xóm Đồi rơm” (Giải Khát vòng Dế Mèn 2020, đã được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành sách đầu năm 201), nhưng chưa thấy ở các nhà văn “nhí” dự giải năm nay…
Nhà thơ Nguyễn Duy viết trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”: “Mẹ ru cái lẽ ở đời – Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”. Một đứa trẻ lớn lên nhờ hai nguồn sữa vật chất, phần tiếng hát là văn học nghệ thuật. Người già cũng cần như thế, giống như hai chân một con người, hai cánh của một con chim. Thiếu một trong hai đều không ổn. Do đó việc bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ em cần phải được quan tâm hơn nữa…
Việc Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn và duy trì trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp rất đáng trân trọng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa kêu gọi cộng đồng xã hội ủng hộ Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn bằng cách tìm đọc, xem, nghe những tác phẩm mà giải thưởng vinh danh – Đó chính là sự ủng hộ đẹp nhất.
Nguồn: Báo Tin tức