Một số tổ chức báo chí, nhân quyền nước ngoài thường lên án VIệt Nam “hội nhập” về kinh tế, xã hội nhưng không chấp nhận “hội nhập” về dân chủ, nhân quyền, hoặc vẫn đàn áp, vi phạm dân chủ, nhân quyền. Nhìn lại chính sách và toàn bộ quá trình hội nhập quốc tế về nhân quyền của Việt Nam, ta thấy rõ sự chủ quan, phiến diện, thiếu tích cực của góc nhìn này.
Đúng như Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đã trình bày chuyên đề về “Chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền con người” cập nhật các mục tiêu, định hướng, giải pháp cụ thể và nguyên tắc hội nhập cũng như tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người. Cụ thể, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) theo hình thức trực tuyến ngày 22/2 vừa qua tại Geneve, Thụy Sỹ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Thông tin này ngay lập tức được nhiều thành viên LHQ hoan nghênh.
Việc lần thứ hai Việt Nam ứng cử tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ thể hiện đường lối, định hướng phát triển của Việt Nam là hết sức đúng đắn, thể hiện ở chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định những chính sách phát triển về quyền con người, lấy con người làm trung tâm. Sự điều hành của Chính phủ Việt Nam cũng hết sức quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở những nỗ lực, ý thức của người dân trong việc chấp hành, làm theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã kêu gọi, vận động người dân ủng hộ, tuân thủ chính sách, đồng thời đem lại quyền lợi cho người dân, bảo đảm quyền chính đáng của cộng đồng.
Đặc biệt, sự ủng hộ của quốc tế trong thời gian qua đã cho thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng. Điều này được thể hiện rõ nét qua công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Chính phủ đã triển khai hành động kịp thời, quyết liệt, coi việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người dân là ưu tiên cao nhất trong mọi chính sách, chương trình hành động; nỗ lực đẩy mạnh vấn đề an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cộng đồng quốc tế đã ca ngợi, ghi nhận Việt Nam như là hình mẫu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực hành động về quyền con người, luôn đặt con người làm trung tâm trong mọi chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Trước năm 1945, người dân Việt Nam không được hưởng các quyền công dân, tư cách pháp lý chỉ là thần dân. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngay từ khi mới thành lập nước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời nói bất hủ mở đầu của Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta. Tư tưởng ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Và như thế, giá trị quyền con người (QCN) của người dân Việt Nam đã được long trọng khẳng định trong Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2-9, được thể chế hóa bằng bản Hiến pháp năm 1946.
Trong những năm qua, nước ta đã có nhiều thành tựu lớn trong công tác đấu tranh, bảo vệ quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhìn lại những thành tựu quan trọng của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, có thể khẳng định, ở Việt Nam hiện nay các quyền của quyền con người được phát huy và bảo đảm vững chắc bởi các thể chế Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Một trong những bước phát triển lớn nhất là những quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 với 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Nội dung của các điều luật này đã nêu được hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong Luật Nhân quyền quốc tế. Đồng thời, Quốc hội thông qua nhiều bộ luật và các luật, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các quyền con người như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Trẻ em, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…
Việc Đại hội đồng LHQ bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, chính là sự ghi nhận những nỗ lực thành công của Việt Nam trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền con người, quyền công dân…
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, GDP 6 tháng của nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tăng 1,81%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới.
Việt Nam cũng là một trong những nước đã chủ động sản xuất nhiều vắc-xin phòng bệnh (bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn…); bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ; kiểm soát và ngăn ngừa được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và điểm sáng trong phòng, chống đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn với hàng trăm ấn phẩm báo chí, các kênh phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương… Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với nhiều báo, tạp chí và kênh truyền hình nước ngoài.
Sau 7 năm (từ năm 2007) Việt Nam chỉ có vị trí pháp lý là quan sát viên tại Hội đồng nhân quyền, nhưng nhờ tích cực tham gia vào các hoạt động, đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề lớn, Việt Nam đã được bầu chọn vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với 184/193 phiếu hợp lệ, trở thành quốc gia nhận được số phiếu bầu cao nhất trong 14 quốc gia được bầu chọn. Tuy phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của LHQ luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Thành quả đạt được về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Việt Nam trong thời gian qua được cộng đồng quốc tế, đông đảo các tầng lớp nhân dân công nhận, ủng hộ chính là những giá trị, kết quả không thể phủ nhận. Đó cũng chính là động lực, mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội Việt Nam trong bước đi trên con đường chung cùng nhân loại, tất cả đều bắt nguồn từ phẩm giá của con người.
Nguồn: Loa phường