Trang chủ Luận bàn - Phản biện Từ thiện tự phát như nghệ sĩ Hoài Linh khổ lắm?

Từ thiện tự phát như nghệ sĩ Hoài Linh khổ lắm?

148
0

Ai có thể nghe lọt tai việc Hoài Linh thông báo 14,7 tỷ đồng của các nhà hảo tâm, người hâm mộ quyên góp ủng hộ của đồng bào miền Trung vẫn nằm trong tài khoản nửa năm nay? Dù này lấy lý do dịch Covid-19 cản trở nên chưa thể thực hiện chuyến đi trao tặng nhưng nghe vẫn chưa thỏa đáng và có phần xót xa. Nếu thực sự khó khăn như anh ấy nói thì có nên làm từ thiện cá nhân tự phát nữa hay không?

Từ thiện tự phát như nghệ sĩ Hoài Linh khổ lắm?
Lời trần tình chậm trễ chuyển tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh được xem là không thỏa đáng.

Không ai phủ nhận được tấm lòng của các anh chị em nghệ sĩ đứng ra kêu gọi ủng hộ cho đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, gặp phải tai ương là việc làm thường xuyên, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cần nhân rộng việc làm có ý nghĩa này. Tuy nhiên, việc Hoài Linh chưa chuyển số tiền 14,7 tỷ đồng đến người dân miền Trung dù thời gian quyên góp đã kết thúc từ 6 tháng trước thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của nghệ sĩ này. Không ít người nghi ngờ mục đích từ thiện của anh là không trong sáng, là trục lợi cá nhân, đánh bóng bản thân, làm từ thiện không đúng cách,… Thậm chí, từ chuyện của Hoài Linh, người dân sẽ nghĩ nghi ngờ về việc làm từ thiện của giới nghệ sĩ từ trước tới nay và bắt đầu từ hôm nay, liệu có ai còn dám tin tưởng để trao gửi “yêu thương vật chất” cho nghệ sĩ nữa?

14,7 tỷ đồng có thể không lớn với một số anh chị em nghệ sĩ nhưng nó là cơ ngơi cả một đời người với nhiều người khác. Với những người dân miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của đợt mưa bão thì nó còn có thể giúp ích cho biết bao gia đình bớt khổ bớt đau thương. Vận động cứu trợ thiên tai là tính cấp bách, càng nhanh càng tốt để bà con tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống, chứ không phải cất một chỗ trong túi rồi hôm nay nói còn tiền. Nói là do dịch bệnh nhưng tại sao bao nhiều tấm lòng hảo tâm, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể vẫn đến với bà con miền Trung được đấy thôi.

Chưa nói đến việc chậm trễ, ngay cả kế hoạch trao tặng cũng chưa hề có, đủ để khiến người dân cảm thấy lo ngại công tác từ thiện theo kiểu tự phát. Mà không chỉ riêng Hoài Linh, có không ít nghệ sĩ làm từ thiện tự phát cũng từng gặp tình huống gây tranh cãi, khiếu nại không đáng có. Ví dụ như trường hợp trưởng xóm bị tố không đủ “tiêu chuẩn nghèo” để được nhận tiền cứu trợ. Hay như mới đây, nghệ sĩ Đinh Thị Xuân Hòa, chủ phòng trà Tiếng xưa còn báo động tình trạng ca sĩ thực hiện chương trình ca nhạc từ thiện rồi ôm tiền chạy mất. Vì có những rủi ro, sai sót, hành vi sai trái như vậy nên chúng ta mới cần đến những tổ chức từ thiện chính quy như Hội chữ thập đỏ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra điều hành quá trình quyên góp, xác minh hoàn cảnh của các hộ dân và trao tặng đúng người, đúng hoàn cảnh, rõ ràng, minh bạch.

Bản thân nghệ sĩ Hoài Linh cũng thừa nhận: “Khi tiến hành đi trao số tiền này, tôi đều phải thông qua chính quyền địa phương và có sự xác nhận của địa phương khi tiếp nhận”, vậy tại sao nghệ sĩ không rút ngắn giai đoạn, đồng hành với các tổ chức từ thiện chính quy để công tác từ thiện đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Còn cứ một mình một đường như vậy liệu có ổn hay không?

Ông bà ta có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, để có được danh tiếng, uy tín như nghệ sĩ Hoài Linh hiện nay thật không dễ dàng. Thiết nghĩ, không chỉ Hoài Linh và các nghệ sĩ đang làm từ thiện tự phát nên cân nhắc việc từ thiện của mình, đừng bán danh tiếng, uy tín mà mình xây dựng bao năm với cái giá rẻ mạt. Như vậy khổ lắm!

Đặng Trường 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây