Trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng nước ta, tư tưởng, tấm lòng yêu nước, ý chí cách mạng, tài năng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương, là sức mạnh thu hút các thế hệ người Việt Nam cùng đoàn kết phấn đấu giành lại độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã lan tỏa, tác động mạnh mẽ, tạo chuyển biến, làm thay đổi rất nhiều số phận con người, trong đó có cả những người từng đối nghịch với cách mạng. Luật sư Hoàng Duy Hùng ở Houston (Mỹ) là một người trong số đó. Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2021), ông đã gửi đến Báo Nhân Dân bài viết kể về quá trình ông từ một người chống cộng cực đoan đã tự thay đổi quan điểm, nhận thức, trở thành người ủng hộ Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam cũng như công khai các hành động, nguyện vọng để sửa chữa sai lầm của mình. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Trong bài gửi đến Báo Nhân Dân trước đây, tôi đã kể về quá trình thay đổi nhận thức của tôi để từ một người chống cộng cực đoan thành người ủng hộ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến tác động quan trọng nhất đã khiến tôi buộc phải xem xét lại mình. Ðó là quá trình thay đổi nhận thức của tôi về Cụ Hồ. Như trình bày trước đây, tôi xuất thân từ gia đình theo Công giáo di cư vào miền nam năm 1954, thân phụ tôi là sĩ quan “quân lực Việt Nam cộng hòa”. Suốt mấy chục năm, tôi lớn lên trong bối cảnh mọi người chung quanh tôi đều coi “Việt Nam cộng hòa là chính nghĩa”, “Cụ Hồ, Việt cộng là phi nghĩa”. Từ nhỏ, đến lớn, hầu như ngày nào tôi cũng nghe, hoặc đọc sách báo kể chuyện tiêu cực và dối trá về Cụ Hồ và Cộng sản Việt Nam, nên tôi căm hận, và thề “không đội trời chung”. Lúc còn là sinh viên ở Ðại học Houston (Hiu-xtơn), tôi thường xuyên được các đảng phái nhân danh “quốc gia” tìm để tiếp xúc, tuyên truyền, vận động vào tổ chức chống cộng của họ, trong đó có cả “mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (tiền thân của “Việt tân” mà Nhà nước Việt Nam xác định là tổ chức khủng bố). Và tôi đã chọn tham gia “mặt trận Việt Nam tự do”, ngoại vi của “đảng Ðại Việt”. Sau một thời gian tham gia, tôi phát hiện đàn anh của tôi luôn tìm cách triệt tiêu lẫn nhau, họ chống cộng không phải vì yêu nước mà tranh giành danh lợi, quyền lực. Nhiều cuộc đấu đá giữa các phe làm cho tôi thấy rõ mặt thật của tổ chức tôi tham gia. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết tâm chống cộng và đã về Việt Nam với mưu đồ hoạt động phá hoại, đến tháng 2-1992 thì sa lưới, bị biệt giam hơn 15 tháng. Năm 1993, nhờ chính sách khoan hồng của Ðảng, Nhà nước Việt Nam, tôi đã được trả tự do. Thú thật khi đó tôi không có cảm xúc, không biết ơn, tôi càng chống cộng mạnh hơn. Trở về Mỹ, qua nhiều sinh hoạt cùng với “Ðại Việt”, tôi mới thấy mình sai lầm. Ðến cuối năm 1997, tôi ra khỏi “Ðại Việt”. Tuy nhiên, như đã từng trình bày trên Báo Nhân Dân, sau đó tôi còn có nhiều hoạt động chống cộng khác.
Luật sư Hoàng Duy Hùng
Trải nghiệm với các “nhân sĩ” và đảng phái “quốc gia” như vậy, dần dần tôi nhận thấy “Việt Nam cộng hòa” không có chính nghĩa, mà ngược lại là phi nghĩa. Tôi muốn tìm hiểu về Cụ Hồ và Ðảng Cộng sản Việt Nam, để xem “phía bên kia” là ai, như thế nào. Cuối năm 2009, sau khi trúng cử vào Hội đồng thành phố Houston, tôi nói với ông C.Foster (C.Pho-xtơ) và ông đứng ra làm trung gian cho tôi gặp gỡ, đối thoại với Tổng Lãnh sự Việt Nam đầu tiên ở Houston là ông Lê Dũng và trợ lý là ông Nguyễn Hùng Minh. Tháng 11-2010, cuộc gặp gỡ đã diễn ra. Giây phút đầu tiên còn xa lạ bỡ ngỡ, nhưng với nhiệt tình của hai bên, sau một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã bắt đầu mở lòng với nhau. Khi biết các anh từng là chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, tôi ứa nước mắt vì nhận ra những người cộng sản thật sự yêu nước, thương dân, họ đã dũng cảm, chấp nhận hy sinh, chiến đấu anh dũng vì Mẹ Việt Nam chứ không như các vị “tiền bối” của tôi. Năm 2013, về Việt Nam tôi gặp gỡ rất nhiều người, có cơ may tiếp xúc với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (nay đã nghỉ hưu), đặc biệt là đã được đến thăm nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Năm 2019 về Việt Nam, tôi tiếp tục được gặp nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và được gặp cả nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Qua những cuộc trò chuyện rất thân tình, các ông đã đem tới cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác với những điều tôi từng biết, từng nghe từ nhỏ. Lời động viên chân tâm, lòng mong mỏi về hòa hợp dân tộc của các ông đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều, và càng nhận ra chính “phe” mà lâu nay tôi mặc định ủng hộ, đi theo là phi nghĩa.
Tìm đọc sách báo và tìm hiểu trên thực tế về “phía bên kia”, tôi tự vấn nếu Cụ Hồ, Ðảng Cộng sản Việt Nam giống như những gì người chống cộng tuyên truyền thì tại sao lại có những người lãnh đạo rất tài năng nhưng mộc mạc, chân chất, được dư luận thế giới ca ngợi, nhất là Cụ Hồ? Tại sao lại có hàng triệu người rất tự hào vì được là “bộ đội Cụ Hồ”? Tại sao những người cộng sản lại hô to tên của Cụ Hồ trước khi bị chính quyền tay sai của Pháp, của Mỹ xử bắn? Và tôi nghĩ đến năm 1946, nếu không “theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân” thì Cụ Hồ không thăm nước Pháp, không vào tận “hang cọp”. Lúc ấy, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn quá non trẻ và chuyến đi là rất nguy hiểm, nếu thực dân Pháp nhân cơ hội hãm hại thì chắc chắn phe Ðồng minh sẽ làm ngơ. Nhưng Cụ Hồ, với lòng yêu nước mãnh liệt đã dấn thân vì đất nước. Suy nghĩ về ý chí của Cụ Hồ trong bối cảnh đó, tôi cực kỳ ngưỡng mộ, vì đó là điều quá sức tưởng tượng của tôi. Rồi tôi suy nghĩ về Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt ký ngày 6-3-1946; suy nghĩ về việc Cụ Hồ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khôn khéo tìm cách làm cho 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc về nước nhằm tập trung lực lượng đối phó với thực dân Pháp đang rắp tâm xâm lược Việt Nam lần hai. Theo tôi, nếu không có viễn kiến, quyết tâm của Cụ Hồ và Ðảng Cộng sản Việt Nam thì trong các năm 1945 – 1946, chúng ta đã không giành được độc lập, không thể có thành tựu kháng chiến 9 năm. Rồi tôi nhớ đến chuyện mà “đàn anh” một thời đã nhồi nhét vào đầu óc tôi rằng Cụ Hồ đã “hãm hại tài năng người quốc gia” như ông Ngô Ðình Diệm nhưng sự thật thì không phải như vậy. Khi biết du kích Tuy Hòa (Phú Yên) bắt ông Ngô Ðình Diệm, Cụ Hồ lập tức yêu cầu đưa ông Ngô Ðình Diệm ra Hà Nội và đã thuyết phục ông tham gia Chính phủ Liên hiệp, nhưng ông Ngô Ðình Diệm từ chối vì cho rằng Cụ Hồ là cộng sản. Tôi đã đọc cuốn sách của Thiếu tá A.Patti (A.Pát-ti) người Mỹ (thành viên OSS – tiền thân của CIA) từng hoạt động và giúp đỡ Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thiếu tá A.Patti cho biết ông rất vinh dự được tham dự lễ tuyên bố độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau nhiều lần tiếp xúc với Cụ Hồ, ông hiểu rõ hơn về Cụ Hồ và những người thân cận. Ông rất ấn tượng với lòng yêu nước sâu đậm của họ…
Từng bước, từng bước tìm hiểu và suy nghĩ, càng ngày tôi càng nhận ra tôi đã sai lầm, bị nhồi nhét quá nhiều điều không có trong thực tế. Nhận ra và tôi hiểu chính quyết tâm bằng mọi giá phải thống nhất đất nước của Cụ Hồ và Ðảng Cộng sản Việt Nam đã khiến các vị chống cộng cực đoan phải xuyên tạc để tuyên truyền “miền bắc xâm lăng miền nam”. Sau khi tìm hiểu kỹ lại, tôi biết Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời, năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng Mỹ và chính quyền Ngô Ðình Diệm từ chối không tổ chức tổng tuyển cử. Trong khi đó, Cụ Hồ luôn chủ trương: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Và cả dân tộc lại phải tiếp tục đấu tranh, hàng triệu người đã ngã xuống để đất nước có ngày 30-4-1975.
Với sự thôi thúc phải tìm ra con đường cứu nước, Cụ Hồ đã phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng ý chí, tấm lòng của Cụ Hồ lúc nào cũng kiên định phải giành lại độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Không biết bao nhiêu lần Cụ Hồ đã cùng Ðảng Cộng sản và nhân dân vất vả đương đầu với thù trong giặc ngoài, và đã vượt qua tất cả. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Hồ, non sông đã thống nhất. Nhớ về Cụ Hồ, tôi rất tiếc vì Người ra đi quá sớm, không được tận mắt chứng kiến ngày đất nước thống nhất, không được tận mắt chứng kiến những hoa trái mà đất nước đã gặt hái được từ công lao gây dựng, vun trồng và tận tâm chăm sóc của Người. Dân gian Việt Nam ta có câu “Xem quả biết cây”. Chỉ nhìn vào sự vươn mình của đất nước trong các năm tháng này là biết cây đại thụ Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam như thế nào. Bàn tay không thể che được mặt trời, sự dối trá của người chống cộng có thể lừa được một số người trong một thời gian, nhưng sự thật vẫn là sự thật, và luôn sáng chói để mọi người chiêm ngưỡng. Tôi từng bị tuyên truyền, có suy nghĩ tiêu cực về Cụ Hồ và Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhưng từ khi tìm hiểu cặn kẽ tôi đã tỉnh ngộ, biết rằng thể chế một đảng mới tốt và phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh văn hóa, chính trị, địa thế, lịch sử,… riêng. Càng tìm hiểu về Cụ Hồ tôi càng nhận thức rõ rằng nếu không có Cụ Hồ thì đất nước không có ngày hôm nay. Ðối với tôi, Cụ Hồ thật sự là “cha già của dân tộc”. Vì thế qua bài viết này, tôi thành thật cúi mình xin lỗi Cụ Hồ và Ðảng Cộng sản Việt Nam vì những mặc định sai lầm trước kia. Ðồng thời, tôi công khai nói rõ là rút lại những điều tôi đã viết, đã nói bằng tiếng Anh, tiếng Việt trước đây có liên quan tới nhận thức, suy nghĩ sai lầm từ các thông tin sai trái và bị nhồi sọ.
Hoàng Duy Hùng (báo Nhân dân điện tử)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ