Trong gần 2 năm qua, dịch COVID-19 luôn xảy ra trước hoặc trong mùa cao điểm du lịch khiến du lịch thất thu.
Chuyển nghề vì mưu sinh
Anh Nguyễn Văn Sỹ, làm điều hành tại một doanh nghiệp lữ hành cho biết: “Giờ thì không thể sống bằng nghề du lịch. Những lúc khống chế được dịch, du lịch khởi động lại thì tôi bán combo du vụ cho đối tác truyền thống. Những lúc khác thì chuyển sang môi giới bất động sản hoặc phụ vợ bán hàng online”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Huệ, cũng làm điều hành tại một doanh nghiệp du lịch, nay chuyển sang học nấu ăn và mở dịch vụ nấu và giao hàng ăn cho dân văn phòng theo hình thức giao hàng trên mối quen chính là du khách từng phục vụ. “Lúc thất nghiệp, tôi đã dùng tiền trợ cấp thất nghiệp học nghề làm bánh ngọt. Sau đó, tôi học nâng cao và được nhiều người ủng hộ nên bán khá chạy. Với tình hình kinh doanh bánh và ẩm thực ổn định, chắc tôi không quay lại làm nghề lữ hành nữa”, chị Huệ chia sẻ.
Chị Bùi Thị Thảo, Giám đốc doanh nghiệp du lịch Thảo Phương (Hà Nội) cho biết: Để tiết kiệm chi phí, tôi cũng đã cắt giảm đến nửa quân số. Trong gần 2 năm qua, có 4 lần dịch COVID-19 lây lan cộng đồng thì đều vào mùa cao điểm du lịch nên thất thu khá lớn. Ngay như tháng 5 này, đang mùa cao điểm du lịch nhưng do khách đồng loạt hủy chương trình nên thời gian này chủ yếu, chúng tôi chủ yếu giải quyết thủ tục bảo vệ quyền lợi cho khách.
“Trao đổi với những bạn bè từng làm trong nghề du lịch trước đây, hầu hết bạn bè làm công việc điều hành chuyển sang nghề môi giới bất động sản, tư vấn bảo hiểm nhân thọ… Hướng dẫn viên thì người sang làm bảo vệ, người làm xe ôm, ship đồ hoặc bán hàng online. Thực tế sống bằng nghề dịch vụ du lịch rất ít”, chị Thảo chia sẻ.
Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên (HDV) du lịch cho biết: Do dịch COVID-19 nên không còn du lịch quốc tế nên 90% số HDV phân khúc thị trường này “thất nghiệp”. Bên cạnh đó, du lịch nội địa thời gian qua liên tục bị ảnh hưởng do dịch lan trong cộng đồng đúng thời kỳ cao điểm. Do đó, Hội đã gửi bản đề xuất gồm nhiều giải pháp để Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) trình Chính phủ hỗ trợ giúp đỡ các HDV. Trong đó kêu gọi các đơn vị, cơ quan khác có nhu cầu sử dụng lao động thì cân nhắc đến việc tạm thời sử dụng một phần các HDV làm thời vụ, để họ có thu nhập trang trải cuộc sống.
Hỗ trợ nghề cho người lao động
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng hết sức trầm trọng. Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động, công suất buồng phòng các khách sạn chỉ đạt 10-15%; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa.
Còn báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19. Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA) cho biết: Thống kê từ các Hiệp hội du lịch địa phương cho thấy số người làm trong lĩnh vực du lịch được nhận gói hỗ trợ của Nhà nước rất ít do thủ tục chứng minh không có việc làm trong thời gian có dịch rườm rà.
Tính đến cuối năm 20219, cả nước có trên 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động của các nước. Tuy nhiên, do lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi, khiến nhiều nhân sự vững tay nghề có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành mới.
Điều đáng lo ngại là khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, ngành du lịch lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để “tái thiết”. “Các hiệp hội động viên các doanh nghiệp cố gắng giữ lực lượng cốt cán để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp du lịch triển khai đào tạo nhân lực (trực tuyến) và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam kiến nghị
Trong năm 2021, VITA sẽ triển khai hoạt động đào tạo theo thỏa thuận hợp tác đã ký với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Nguồn: Báo Tin tức