Những câu chuyện đầy ý nghĩa về Bác, về tư tưởng và tầm nhìn uyên bác cũng như phong cách sống giản dị, thấm đẫm tình người của Bác đối với những số phận khốn khổ nhất trong xã hội đã được chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với nhà thơ Trần Đăng Khoa nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2021) do Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý chủ trì sự kiện với sự tham gia của toàn thể cán bộ nhân viên phái đoàn, các cơ quan đại diện bên cạnh LHQ và nhiều sứ quán Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.
Sau nhiều năm nghiên cứu và sáng tác về Bác, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết ông rất ấn tượng với cách dùng người tài tình, kỳ diệu của Bác, mà ví dụ đặc sắc nhất chính là khi Bác chọn và phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cấp bậc cao nhất trong quân đội. Tại thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là thầy giáo dạy sử và chưa hề được đào tạo qua trường lớp về các chiến lược cầm quân.
Nhà thơ kể lại rằng trước những chiến thắng vang dội của quân đội Việt Nam dưới tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà báo Mỹ Lady Borton đã từng hỏi Bác về tiêu chí khi đề bạt Tướng Giáp, một câu hỏi tưởng chừng như rất hóc búa đã được Người hóa giải thành câu trả lời thật giản dị và tự nhiên: “Chúng tôi đánh giặc theo kiểu du kích thì chúng tôi phong hàm cũng theo lối du kích. Tướng Giáp của chúng tôi đã thắng tất cả các vị tướng của Pháp thì ông ấy phải là Đại tướng.”
Trần Đăng Khoa khẳng định Bác là đề tài lớn trong sáng tác văn học, nghệ thuật, kể cả trong tiểu thuyết cũng như âm nhạc và hầu hết các tác phẩm khi “chạm” tới Bác đều rất hay và rất sâu sắc. Theo ông, người sáng tác được nhiều tác phẩm thơ để đời về Bác nhất và cho người nghe cảm nhận được một bức tranh toàn cảnh về Bác nhất chính là nhà thơ Tố Hữu. Tuy nhiên, có lẽ bài thơ hay nhất về Bác lại thuộc về tác giả Việt Phương, đó là bài “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương”. Trần Đăng Khoa cũng cho rằng nhà thơ nước ngoài viết thơ về Bác hay nhất là cố nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez.
Với riêng nhà thơ Trần Đăng Khoa, một trong những sáng tác đầu tiên của ông khi còn là cậu bé 8 tuổi học lớp 2 chính là bài “Ảnh Bác” về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giọng thơ trong sáng, giản dị, trẻ con hồn nhiên của ông đã thực sự chinh phục hàng triệu độc giả trên khắp đất nước ngay sau khi được đăng tải trên báo thời đó.
Nhà thơ cũng chia sẻ những kỷ niệm về một quãng tuổi thơ đáng yêu của ông và các bạn cùng trang lứa gắn với hình ảnh Bác Hồ gần gũi đến mức “làm được việc gì tốt cũng viết thư kể với Bác Hồ, bố mẹ mắng oan cũng… viết thư cho Bác”. Và có lẽ chính vì vậy mà tập thơ của Trần Đăng Khoa thời đó với vô số lỗi chính tả được tác giả, khi đó là cậu bé 10 tuổi, gửi qua bưu điện với niềm tin ngây thơ sẽ tới tay Bác, đã tới tay Bác thật và được Bác đọc. Đó cũng là tập thơ duy nhất của Trần Đăng Khoa còn lưu được bản thảo gốc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến nay.
Nhưng có lẽ với cá nhân Trần Đăng Khoa, bài thơ ông sáng tác đúng vào ngày Bác mất khi ông đang điều trị tại viện để lại trong ông niềm xúc động không thể nào quên. Quả thật, khi ông đọc lại những vần thơ đó, tất cả các cán bộ đang có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến đều thấy cay nơi khóe mắt, cảm nhận được cảm giác đau đớn, mất mát của nhà thơ khi Bác ra đi vào thời điểm đó.
Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ rằng với những người thuộc thế hệ sinh ra trong thập niên 60 của thế kỷ trước như ông, những bài thơ về Bác của nhiều tác giả, đặc biệt của Trần Đăng Khoa, luôn mang lại những xúc cảm đẹp nhất và không thể quên, bất chấp thời gian. Đại sứ cũng chia sẻ rằng tại LHQ, nơi có 193 nước thành viên trên khắp thế giới, có thể nói không ai là không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại nhiều nước có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến cũng chia sẻ những cảm nhận của chính mình về tư tưởng của Bác, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại cũng như những giai thoại hết sức đời thường về Người mà các Đại sứ có dịp được đọc hoặc nghe kể lại từ những nhân chứng lịch sử.
Những câu chuyện về cuộc đời của Bác là động lực lớn lao để rất nhiều con cháu nước Việt, đặc biệt là các cán bộ đang làm nhiệm vụ đại diện cho Tổ quốc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới có thêm động lực không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hợp tác với thế giới.
Nguồn: Báo Tin tức