Những ai theo dõi USCIRF lâu nay thì đều không lạ gì tổ chức nay. Có thể nói, đây là “cá mè một lứa” cùng với những “phóng viên không biên giới”, “theo dõi nhân quyền”, “Ân xá quốc tế”… USCIRF được thành lập năm 1998 theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (IRFA) nhằm giám sát quyền phổ quát về tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở ngoại quốc. USCIRF sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để giám sát các vi phạm tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở ngoại quốc và đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho tổng thống, ngoại trưởng, và Quốc hội. USCIRF là một tổ chức độc lập riêng biệt và khác với Bộ Ngoại giao. USCIRF thường xuyên ra các Báo cáo thường niên (Annual report) nhằm “phản ánh kết quả công việc một năm của những nhân viên trong ủy ban và đội ngũ chuyên nghiệp trong việc ghi nhận các vi phạm trên thực tế và đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy
Cái gọi là “báo cáo thường niên” về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới của USCIRF thực chất không bao quát được toàn bộ tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, cả về mặt địa lý lẫn về mặt thực tế diễn ra trong lĩnh vực tôn giáo. Về mặt địa lý, báo cáo này dường như chỉ tập trung vào một vài quốc gia mà nếu nêu tên, sẽ chẳng ai ngạc nhiên và bất ngờ: Cu Ba, Nga, Việt Nam, Syria, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran; toàn là những nước mà đã hoặc đang “đối đầu” Mỹ hoặc theo chủ nghĩa xã hội. Và nếu như “Ân xá quốc tế” sáng tạo ra thuật ngữ “tù nhân lương tâm”, thì USCIRF sáng tạo ra cái gọi là “Các quốc gia cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo” – CPCs như tôi đã nói ở trên. Ngoài ra, USCIRF còn có “các quốc gia cần được Bộ Ngoại giao Mỹ theo dõi” với mức độ thấp hơn CPCs.
Trở lại với bản báo cáo thường niên, sự không mới của báo cáo này còn nằm ở chỗ nó hầu như chẳng khác gì so với năm 2020 cả. Cụ thể thì danh sách CPCs năm nay giống hệt năm ngoái, vẫn gồm 14 nước quen thuộc. Về Việt Nam, các đánh giá cũng không mới luôn, hằng năm mô típ đánh giá vẫn là “mặc dù có những tiến bộ về thực hiện quyền tự do tôn giáo” (mà chẳng nêu lên tiến bộ thế nào) là “chính quyền tiếp tục đàn áp quyền tự do”… kèm một loạt cái gọi là dẫn chứng kiểu như “chúng tôi nhận được báo cáo rằng…”
Có thể thấy, việc USCIRF tiếp tục đưa ra những thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, phản ánh sai lệch tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là sự bịa đặt trắng trợn. Bản chất của sự việc còn đi cùng sự hà hơi, hậu thuẫn, tiếp sức cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật núp dưới vỏ bọc “đấu tranh cho tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền”để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những nội dung USCIRF đưa ra về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, chỉ là những luận điệu phiến diện cần bị phê phán.
Báo CAND mới đây đã đưa ra một loạt bằng chứng, nhân chứng phủ nhận các cáo buộc vô căn cứ của USCIRF, xin trích dẫn:
“Trong khi đó, thực tế cho thấy, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có chính sách bảo đảm phát triển tự do, công bằng, bình đẳng đối với các tôn giáo. Như ở Mường Nhé, mảnh đất ở cực Tây của Tổ quốc thuộc tỉnh Điện Biên – nơi mà hơn 10 năm trước được biết đến với vụ bạo động, đòi thành lập “Vương quốc Mông” bất thành…, việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con rất thuận lợi.
Nếu như trước đây, thời gian sinh hoạt tập trung của các điểm nhóm Tin lành phải từ 20-25 năm trở lên thì nay, chỉ cần 5 năm sinh hoạt liên tục, thường xuyên, cộng thêm một số điều kiện khác là đã được đăng ký. Thậm chí, Mường Nhé còn là một trong những huyện thành công nhất ở Điện Biên trong việc cấp phép cho các điểm nhóm Tin lành.
Nói về việc này, ông Giàng Hồng Sinh, người phụ trách trực tiếp giảng đạo ở điểm nhóm Tin lành thuộc bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết, bà con rất phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước khi được cùng nhau tề tựu, sinh hoạt tôn giao tại căn nhà gỗ khang trang hơn 150m2. Mỗi buổi sinh hoạt, bà con đến rất đông đủ để nghe giảng về lòng yêu kính Chúa, yêu thương con người, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật.
Còn ở tỉnh Gia Lai, đặc biệt là huyện Đak Đoa, nơi có đông đồng bào thiểu số theo tôn giáo và từng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến Tin lành Degar, sinh hoạt tôn giáo của bà con cũng luôn được quan tâm, tạo điều kiện. Chính vì thế mà nơi đây đã chứng kiến rất nhiều người từng sa chân, lỡ bước nghe theo lời của những kẻ xấu xúi giục nhưng sau đó tỉnh ngộ, quay trở về quê hương làm ăn sinh sống.
Ông Y Bome (người Ba Na, 65 tuổi) ở làng Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa là một nhân chứng sống. Hoạt động cho Fulro từ trước năm 1975, sau khi Gia Lai được giải phóng, ông Y Bome đã bị bắt đưa đi cải tạo nhưng lại trốn trại và tiếp tục hoạt động Fulro cho đến năm 1999 thì nhận sự chỉ đạo từ đối tượng Ksor Kơk ở Mỹ, kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức biểu tình tại Pleiku với số lượng rất đông. Sau sự kiện ngày 2/2/2001, ông bị bắt với tội danh “Phá rối an ninh”. Theo tài liệu của cơ quan chức năng, các tổ chức phản động đã dựng nhân vật này thành “Tỉnh trưởng Gia Lai” của cái gọi là “Nhà nước Degar tự trị”.
Ngày 6/3/2012, sau hơn 11 năm chấp hành án phạt, ông Y Bome trở về quê hương, quyết tâm gây dựng lại cuộc sống. Giờ đây, khi nói về những trải nghiệm cay đắng đó, ông Y Bome vẫn hối hận, chỉ mong sao ngày càng có nhiều người hiểu được và tránh xa những suy nghĩ lệch lạc sai trái mà những kẻ xấu dụ dỗ để không lầm đường, lạc lối.
“Các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nếu 54 dân tộc, ai cũng muốn xé đất nước ra để thành lập nhà nước riêng thì làm sao có đất để ở. Tranh giành nhau đất đai thôi cũng sẽ bất ổn, đất nước không thể phát triển. Tốt hơn hết là đừng nghe những điều họ nói”, ông Y Bome tâm sự.”
Blog Loa Phường mới đây đưa ra dẫn chứng báo cáo này không hề tôn trọng sự thật. Một ví dụ điển hình là cách phúc trình của USCIRF ghi nhận vụ tranh chấp khu đất “vườn rau Lộc Hưng”, kết thúc vào năm 2019. Về vụ việc này, phúc trình viết: “Nhà chức trách còn xung công đất đai thuộc về Giáo Hội Công Giáo ở Vườn Rau Lộc Hưng, thành phố Hồ Chí Minh”. Nhưng trong thực tế, nhóm người đòi quyền sử dụng khu đất “vườn rau Lộc Hưng” không phải là Giáo hội Công giáo, mà là 134 hộ dân Công giáo sống trong khu đất này. Suốt nhiều năm, những hộ này đã dựng hàng rào để biến khu đất thành một nơi nội bất xuất, ngoại bất nhập, đồng thời mở cửa đón nhiều gương mặt chống Nhà nước Việt Nam vào sinh sống, hoạt động bên trong khu đất. Viện lý do trước năm 1975, đây là khu đất thuộc về Giáo hội Công giáo, họ đòi Nhà nước cấp cho họ quyền sử dụng đất ở, để được đền bù với mức giá cao hơn mức đền bù cho đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương đề nghị. Trong khi đó, bản thân Giáo hội Công giáo không hề lên tiếng khẳng định rằng mình có quyền sử dụng khu đất.
Khi khu đất “vườn rau Lộc Hưng” bị giải phóng mặt bằng, các hộ dân tại đây và giới chống đối đã tuyên truyền rằng Nhà nước Việt Nam cướp đất của dân, khiến dân không có chỗ ở. Đây là một lời nói dối khác, vì cả 134 hộ dân vừa kể đều có nhà ở ngoài “vườn rau Lộc Hưng”. Không lâu sau khi lu loa về việc bị cướp đất, cô Phạm Thanh Nghiên, một gương mặt chống Cộng nổi bật trong vụ việc này, cũng đã nhanh chóng ổn định chỗ ở mới. Như vậy, khi bộ máy tuyên truyền của phương Tây đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, họ đã đưa tin theo lối thiên vị và che đi khá nhiều sự thật.
Trong bộ máy này, các nhóm tôn giáo cực đoan có nhu cầu chống chế độ đã liên minh với một nước Mỹ có nhu cầu gây sức ép lên Nhà nước Việt Nam khi thương lượng lợi ích chính trị, thương mại. Những người đọc báo cần nhìn rõ liên minh lợi ích này, cùng sự thiên vị của nó khi đưa tin trên truyền thông, để có thể hiểu vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam một cách khách quan và toàn diện.
Chỉ chừng đó cho thấy, chúng ta có nên tin báo cáo nhảm nhí này hay không?
Trần Hoàng Chinh
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ