Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921 – 15/5/2021), trên cơ sở phê duyệt của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”.
Cuốn sách gồm 4 phần chính đề cập về những nội dung liên quan đến quê hương – tuổi thơ (1921 – 1940); rèn luyện trong đấu tranh cách mạng (1940 -1954); nhà ngoại giao tài ba, nhà lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo (1954 – 1998); nhân cách cao đẹp.
Với khoảng 300 bức ảnh chân thực, sinh động cùng phần bài viết, lời bình ngắn gọn, súc tích, cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch” đã khắc họa phần nào chân dung cuộc đời, sự nghiệp và con người đồng chí Nguyễn Cơ Thạch từ khi sinh ra và lớn lên, trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng tù đày, gian khổ, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, giữ những vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngoại giao.
Cuốn sách dày 212 trang, song ngữ Việt – Anh, khuôn khổ (23×25) cm, trình bày trang nhã, đẹp mắt là món quà tri ân những công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nhất là cán bộ ngoại giao.
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch sinh ngày 15/5/1921 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trải qua quá trình rèn luyện, trưởng thành trong đấu tranh cách mạng và lao tù, đồng chí đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, sâu sắc, luôn tìm tòi, sáng tạo để vượt lên nhiều khó khăn, thử thách. Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí đã ghi dấu ấn sâu đậm ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại.
Vốn không được đào tạo để trở thành nhà ngoại giao, năm 1956, khi lần đầu tiên được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Ấn Độ, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch vẫn là “người ngoại đạo”, chưa thể nói một từ tiếng Anh, mọi giao tiếp đều phải thông qua phiên dịch. Nhưng rất nhanh sau đó, đồng chí đã nói thông viết thạo tiếng Anh. Cho đến năm 1973, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã nổi tiếng trong giới ngoại giao quốc tế, khi thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong vai trò người thương thuyết của cố vấn Lê Đức Thọ suốt các vòng đàm phán ở Hiệp định Paris về kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng phải thốt lên rằng, ở Paris, Nguyễn Cơ Thạch là người khiến ông ta e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam, vì kỹ năng đàm phán xuất sắc.
Đất nước thống nhất, giai đoạn 1979 – 1991 là một trong những thời kỳ khó khăn nhất của ngoại giao Việt Nam khi nước ta bị rơi vào thế bao vây, cấm vận. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có nhiều đóng góp nổi bật trong việc tham mưu, kiến nghị Đảng và Nhà nước triển khai các giải pháp nhằm “giải vây”, đề ra chiến lược đối ngoại mới và chính sách kinh tế mới phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới của đất nước.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn thể hiện tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bản lĩnh, tất cả vì lợi ích quốc gia – dân tộc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng bào, gia đình, bạn bè Việt Nam, bạn bè quốc tế. Trong cuộc sống, đồng chí luôn thể hiện một nhân cách cao đẹp, giản dị, nhân văn, yêu thương sâu sắc gia đình và quê hương, đất nước.
Nguồn: Báo Tin tức