Đọc bài “Tư duy số: Không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối” của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, tôi thấy vấn đề mà GS đưa ra rất đáng quan tâm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
GS Đặng Hùng Võ được phong tặng Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vì công trạng thiết lập toàn bộ dữ liệu địa lý của Việt Nam dưới dạng thông tin số. Và ông đề xuất cần có một tư duy số. Trong bài báo, quan điểm về tư duy số của ông diễn giải việc chuyển từ định tính sang định lượng, ông nói:
“Các chỉ số như vậy là căn cứ xác đáng để mỗi quốc gia tự đánh giá mình đang ở mức nào trong từng lĩnh vực, rồi từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh phù hợp. Đây chính là bản chất của “tư duy số”. Tư duy con người cũng phải thay đổi từ định tính sang định lượng. Đó là sự chuyển đổi số của tư duy”.
Một người có tư duy số hiểu được sức mạnh của công nghệ trong việc dân chủ hóa, mở rộng quy mô và tăng tốc mọi hình thức tương tác và hành động trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số
Phát biểu được cho là của lý thuyết gia về quản trị Peter Drucker: Cái gì đo được mới quản trị được. Điều này cũng phản ánh trong quan điểm của trường phái định lượng trong việc thiết lập các bộ chỉ tiêu, KPI. Việc ưa thích định lượng thay vì định tính đã có trước kỷ nguyên chuyển đổi số.
Tất nhiên, cũng cần lưu ý thêm quan điểm của Ridgway viết năm 1956 về những hệ lụy của phương pháp định lượng: “Không phải mọi thứ đều có thể đo lường được và không phải thứ gì đo được cũng đều quan trọng. Chỉ nhấn mạnh về đo và đề cao nó là một thiên kiến”.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là “tư duy số” trong phát biểu của GS Võ. Nếu chỉ được diễn giải qua các bộ chỉ số đo, tôi e là khá đơn giản và chưa thấu đáo.
Các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến như Big Data, Data Analytics, IoT cho phép dùng các thiết bị cảm biến IoT để thu thập dữ liệu từ tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, thể thao đến công việc, di chuyển, môi trường độ ẩm, không khí, nhiệt độ, áp suất.
Chúng ta thu được một khối lượng khổng lồ dữ liệu và nhờ vào sức mạnh gia tăng của máy tính cũng như thuật toán AI để ra quyết định. Với cách tư duy này, chúng ta tìm cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến Big Data, IoT và AI trong các hoạt động của con người chứ không phải là thiết lập bộ chỉ số.
Mặt khác, các ứng dụng công nghệ AI sử dụng Big Data nhằm đưa ra các dự đoán, hoặc chỉ dẫn như các khuyến nghị về tính cách tiêu dùng, nhịp độ sinh học, thói quen… Những dự đoán và khuyến nghị này có những chỉ dẫn về định tính.
GS Võ cũng viết: “Cách đây ít tuần, một anh bạn làm việc tại Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có kể với tôi rằng cấp trên có xuống Cục làm việc về chuyển đổi số. Cục trưởng đã trả lời rằng chuyển đổi công nghệ số ở đây đã hoàn thành từ năm 2000. Cuộc làm việc kết thúc sớm. Nghe chuyện, tôi cũng vui lây”.
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thành Chuyển đổi số từ năm 2000? Cục có tính chất đạt đến mức độ thứ 5 theo như cách phân loại của Tony Salhanha, tác giả cuốn sách “Vì sao chuyển đổi số thất bại” không? Nếu như một tổ chức chưa đến mức độ 5 thì vẫn chưa thể xem là chuyển đổi số thành công được. Chưa kể nhiều quan điểm cho rằng chuyển đổi số là tiến trình liên tục không có sự kết thúc.
Theo tôi, Cục mới chỉ có bước số hóa thông tin địa lý thôi. Khoảng cách giữa số hóa và chuyển đổi số còn xa. Nếu chỉ hài lòng với việc số hóa và xem là xong, tôi e là quan điểm này không thỏa đáng.
Có tư duy số là có khả năng và thái độ cần thiết để đối mặt với nó một cách bình tĩnh, không hoảng sợ
Tuy nhiên, với nguyên lý Hanlon, suy đoán có lợi cho đối tượng tìm hiểu, tôi nghĩ rằng GS Võ có thể đã không thể trình bày hết, rõ ràng ý mình trong một bài báo ngắn.
Tại sao cần một tư duy số?
Bối cảnh công nghệ đang tiến bộ nhanh chóng theo quy luật hàm mũ với các công nghệ số tiên tới mới như truyền thông xã hội, dữ liệu lớn, điện toán di động, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy… đang phá vỡ phá vỡ trật tự thế giới cũ tạo nên một khối tượng dữ liệu mà đa số là số khổng lồ. Các công nghệ này tạo ra các động lực thúc đẩy và làm “đứt gãy” các cấu trúc xã hội, thế giới cũ, tạo nên một sự dịch chuyển vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.
Thuật ngữ “chuyển đổi số” là trên môi của mọi người. Tuy nhiên, các tổ chức đang vấp phải nhiều rào cản khi cố gắng đưa ra một chiến lược tổng thể và kế hoạch thực hiện có tính đến những thay đổi lớn được báo trước bởi các động lực công nghệ này.
Chỉ cần nhìn xung quanh, chúng ta sẽ tìm thấy các mô hình hoạt động và kinh doanh truyền thống nhường chỗ cho các mô hình sáng tạo, linh hoạt và kết nối của thế kỷ 21 như AirBnB, Uber, Alibaba và nhiều mô hình khác nữa sắp xuất hiện chỉ chờ đột phá các cách kinh doanh đã biết, thậm chí theo những cách mà chúng ta chưa thể hình dung.
Loại dịch chuyển này làm rung chuyển chính những nền tảng mà chúng ta đang vận hành. Cho nên, như một quan điểm của tôi, chuyển đổi số thực chất là công cuộc chuyển đổi tư duy, “đổi mới lần 2”.
Đối phó với “sự gián đoạn lớn” này đòi hỏi một tư duy số, không phải chỉ là sự hiểu biết về công nghệ hoặc khả năng sử dụng Facebook, Twitter và Instagram. Nó bao gồm một tập hợp các phương pháp tiếp cận, hành vi và thái độ cho phép các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp nhìn thấy các khả năng của kỷ nguyên kỹ thuật số, sử dụng khả năng và tận dựng động lực mà nó đem lại, để hoàn thành sứ mệnh cá nhân một cách sâu sắc và chuyên nghiệp hơn, đồng thời thiết kế ra một môi trường xã hội việc lấy con người làm trung tâm.
Một người có tư duy số hiểu được sức mạnh của công nghệ trong việc dân chủ hóa, mở rộng quy mô và tăng tốc mọi hình thức tương tác và hành động trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số. Có tư duy số là khả năng nắm bắt được phổ tác động này cũng như các khả năng và thái độ cần thiết để đối mặt với nó một cách bình tĩnh, không hoảng sợ.
Vài đặc trưng của tư duy số
Tôi không có tham vọng và không có khả năng trình bày đầy đủ những vấn đề về tư duy số. Chỉ xin nêu ra đây vài đặc trưng và xin mời các cao nhân góp ý thêm, ngõ hầu hoàn thiện khung tham chiếu của mình về đề tài quan trọng này.
Người có tư duy số đồng thời là người có tư duy phát triển
Carol Dweck đã phân biệt giữa tư duy cố định và tư duy tăng trưởng. Những người có tư duy cố định tin rằng trí thông minh là tĩnh, không thể phát triển nữa sau giai đoạn trưởng thành. Điều này khiến họ khó học hỏi nhanh nhẹn hoặc thích nghi với một thế giới thay đổi nhanh chóng.
Trong khi đó, những người có tư duy phát triển có khả năng tận dụng mọi cơ hội để thu hút các nguồn lực mà họ cần để hoạt động tốt hơn. Họ thường là những người tình nguyện cung cấp thông tin, đặt câu hỏi và thử những cách làm mới. Họ có nhiều khả năng sẽ nỗ lực hơn nữa để học những điều mới và có khả năng phục hồi giúp họ vượt qua thử thách. Tư duy phát triển hỗ trợ cho tư duy số nảy nở trong một thế giới VUCA đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và đa nghĩa.
Trong thời đại công nghệ đột phá, chúng ta phải có khả năng nhìn thấy trước và thay đổi trước khi phát sinh nhu cầu thay đổi
Có cách tiếp cận linh hoạt
Linh hoạt không chỉ là thích ứng với sự thay đổi. Trong thời đại công nghệ đột phá, chúng ta phải có khả năng nhìn thấy trước và thay đổi trước khi phát sinh nhu cầu thay đổi.
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, điều này có nghĩa là bạn phải thoải mái với công nghệ, coi thay đổi là cơ hội và chấp nhận những cách làm việc mới mà không cảm thấy bị đe dọa.
Chấp nhận sự đa dạng
Sự đa dạng về nhận thức là điều giúp chúng ta có ý nghĩa khi đối mặt với sự phức tạp. Những người có suy nghĩ giống nhau không có khả năng đưa ra những ý tưởng đổi mới khi đối mặt với thách thức mới. Nó đòi hỏi những người có mô hình tinh thần khác nhau và thế giới quan khác nhau để cùng nhau thực hiện một cách hiệu quả.
Một tư duy số về cơ bản có nghĩa là vượt ra ngoài những điều đang có trong khung nhận thức, tham gia vào các cuộc đối thoại với những quan điểm khác nhau, và nắm lấy những ý tưởng khác nhau ngay cả khi chúng hoàn toàn khác nhau.
Người cộng tác
Hợp tác dường như là một đòi hỏi của thời đại.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp và thay đổi bị chi phối bởi những thử thách mới lạ và không lường trước được. Đổi mới và tạo ra giá trị trong bối cảnh này đòi hỏi sự hợp tác của những cá nhân đa dạng về mặt nhận thức, những người có nhiều kinh nghiệm và cách nhìn khác nhau. Hợp tác là cách duy nhất để có ý nghĩa trong một thế giới phức tạp và xác định các phương thức hoạt động mới có hiệu quả.
5 mức độ chuyển đổi số của một tổ chức theo Tony Salhanha:
Mức độ 1 hay còn gọi là nền tảng của chuyển đổi số liên quan tới khâu tự động hóa các hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ xử lý đơn hàng bằng hệ thống SAP hoặc Salesforce thay cho sử dụng Excel như trước.
2- Tách lập: Một số lãnh đạo của doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được tiềm năng đột phá của chuyển đổi số nên đứng ra bảo lãnh cho các nỗ lực này. Chẳng hạn, giám đốc tiếp thị thấy được tiềm năng của việc sử dụng online để bán hàng.
3- Đồng bộ bán phần: Giai đoạn lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy nhu cầu cần có một chiến lược tổng thể đơn nhất cho chuyển đổi số. Đó là điều Jeff Immelt thực hiện khi ông tuyên bố GE sẽ trở thành doanh nghiệp số.
4- Đồng bộ toàn phần: Doanh nghiệp đã chuyển đổi toàn bộ sang một mô hình kinh doanh số mới. GE không hoàn thiện được bước này và đã phải trả giá bằng việc cổ phiếu bị hạ giá.
5- Living DNA: Công ty không những chuyển đổi mô hình kinh doanh, mà còn thay đổi cả văn hóa doanh nghiệp. Chuyển đổi số trở thành một động cơ chuyển đổi vĩnh cửu, liên tục đổi mới các hoạt động của doanh nghiệp. Netflix là một ví dụ.
Đào Trung Thành
Nguồn: Tuần Việt Nam