Trong tháng đầu tiên sau nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ đối mặt nhiều thách thức, nhất là làn sóng Covid-19 quay trở lại.
“Yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành chỉ đạo tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp để xảy ra lây nhiễm dịch trong cộng đồng trên địa bàn thì tùy mức độ sẽ bị xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định”, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết liệt chỉ đạo trong cuộc họp hôm 26/4 của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Khi đó, dịch Covid-19 quay trở lại mới chỉ là nguy cơ nhưng chỉ một ngày sau – 27/4, ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên đã xuất hiện sau hơn một tháng, mở màn cho chuỗi lây nhiễm từ đó đến nay.
“Dịch Covid-19 tái bùng phát chính là thử thách lớn đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính, để chứng minh bản lĩnh, tài năng của người đứng đầu Chính phủ trong vận hành bộ máy, tìm kiếm các mối quan hệ và nguồn lực để giải quyết vấn đề”, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đánh giá.
Quán triệt cách tiếp cận mới trong chống dịch
Ngày 8/5 – tròn một tháng Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận nhiệm vụ điều hành Chính phủ. Chỉ sau 20 ngày ông nhậm chức, đại dịch Covid-19 – mối đe dọa của toàn cầu, tái bùng phát ở Việt Nam.
Theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau luôn khó khăn, phức tạp hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, xử lý khó khăn hơn và gây tác động xấu hơn. Thực tế hiện nay, số ca nhiễm mới, ca tử vong trên thế giới tiếp tục tăng; việc nhập cảnh, cư trú trái phép có xu hướng tăng lên trong thời gian qua.
Trong khi đó, tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác xuất hiện ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân; công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly (khi về địa phương) còn bất cập; biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, khó phát hiện, diễn biến phức tạp.
Ngày 24/4, trước khi dịch tái bùng phát 3 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 54 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nêu rõ nguy cơ dịch bùng phát trong nước là thường trực. Hai ngày sau, ông chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ quán triệt nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống dịch.
Từ đó đến nay, Thủ tướng liên tiếp chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo tăng cường, chấn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kể cả các cuộc họp khẩn, trong ngày nghỉ lễ. Hai công điện cũng được người đứng đầu Chính phủ ban hành nhằm tăng cường, chấn chỉnh công tác này.
Biểu dương, đề nghị khen thưởng kịp thời những nơi phản ứng nhanh, chủ động có biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Thủ tướng cũng đồng thời thẳng thắn phê bình, nhắc nhở 8 địa phương và yêu cầu chấn chỉnh.
“Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, Thủ tướng quán triệt.
Cũng vì tính chất nghiêm trọng của cuộc chiến “chống giặc dịch”, Thủ tướng ngay trong cuộc họp Chính phủ đã ra lời kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu cao nhất là phải bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, người dân. Bên cạnh đó, phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.
“Nếu không phát triển kinh tế, xã hội thì lấy nguồn lực đâu để phòng chống dịch. Nếu không phát triển kinh tế, xã hội tốt thì không ổn định được chính trị, bảo vệ thành công cuộc bầu của ĐBQH và đại biểu HĐND ngày 23/5 tới”, ông nhấn mạnh.
Với sự quyết đoán của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới trong chống dịch. Và “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”, chính là cách tiếp cận mới đó.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý chống 2 khuynh hướng: Một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan.
“Phải là người có trí tuệ, bản lĩnh mới dám mạnh mẽ quyết định đổi mới cách tiếp cận trong chống dịch lâu nay, đó là chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, mà là chủ động tấn công”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đánh giá.
Từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, khi dịch Covid-19 bùng phát, đại biểu Lê Thanh Vân đã nhận định đại dịch này có thể diễn biến khôn lường, các biến chủng còn phức tạp, đe dọa đến trật tự quản lý không chỉ của một quốc gia và cả thế giới, buộc con người phải thay đổi phương thức quản lý xã hội.
Theo ông Vân, từ chỗ phải thay đổi cách quản lý để phù hợp với thay đổi của thực tế, chúng ta phải chuyển sang quản lý sự thay đổi, tức là làm chủ mọi tình huống. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lựa chọn hướng đi này.
Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội cho rằng trong tháng đầu tiên sau nhậm chức, Thủ tướng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn mang tính hệ thống như thể chế, chính sách pháp luật, chất lượng cán bộ.
“Những khó khăn này không phải ai trên cương vị Thủ tướng cũng một sớm một chiều khắc phục được. Đó là khó khăn mang tính lâu dài”, ông Vân nói. Đặc biệt, dịch Covid-19 trở lại với tác động, tàn phá mạnh mẽ hơn, đe dọa ở cấp độ cao hơn đã dẫn đến ngưng trệ nhiều mối quan hệ kinh tế xã hội, khiến cho những dự kiến ban đầu chưa triển khai được.
Từ góc độ của một nhà quan sát, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nhìn nhận việc dịch Covid-19 tái bùng phát là thách thức vô cùng to lớn.
“Làn sóng dịch Covid-19 lần này lớn hơn, lan rộng hơn và có những biến thể nguy hiểm hơn rất nhiều. Trong khi đó, sức chống chọi của nền kinh tế, của nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo, đang ngày càng suy cạn”, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá đây là áp lực lớn trong điều hành với người đứng đầu Chính phủ.
Cũng theo ông, việc chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép lần này chắc chắn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Đẩy mạnh phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân Ngoài nhiệm vụ chống dịch, công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực kinh tế – xã hội cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính vận hành suôn sẻ trong tháng đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Để làm quen và nắm bắt công việc trong hệ thống, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần lượt làm việc với từng bộ, ngành, lắng nghe thông tin và tìm cách tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt. Ngân hàng Nhà nước, các bộ: TN&MT, GTVT, KH&ĐT, Tài chính, GD&ĐT là những đơn vị đầu tiên được Thủ tướng làm việc.
Nêu rõ từng nhiệm vụ và giải pháp cho từng đơn vị, song có một thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt xuyên suốt, đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
Thông điệp này còn được thể hiện rõ trong quyết định số 593 ngày 22/4 về phân công công tác của Thủ tướng và 5 phó thủ tướng với nội dung “Thủ tướng không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, công việc đã phân công cho phó thủ tướng”.
Bên cạnh đó, “các phó thủ tướng thay mặt Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện, mọi mặt trước Thủ tướng, trước Chính phủ và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan được phân công theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, quy định này cho thấy ngay khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã thể hiện rất rõ tinh thần phân cấp, phân quyền, Chính phủ “không làm thay”.
“Đó là một thông điệp rất quan trọng. Mọi sự ôm đồm đều dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả và khó xác lập chế độ trách nhiệm. Rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm là mô thức quản trị hiện đại và hiệu quả”, ông Dũng nêu quan điểm.
Thủ tướng đã bắt đúng “điểm lỗi” của hệ thống Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đánh giá ngay trong tháng đầu tiên điều hành Chính phủ, Thủ tướng đã cho thấy phong cách và lề lối làm việc mạnh mẽ, xác lập được trật tự quản lý điều hành khoa học, minh bạch.
“Nguyên lý của một bộ máy là mỗi cá nhân cần làm đúng chức năng thì bộ máy mới thông suốt, hiệu quả được. Bộ máy tắc nghẽn là do sự chây ỳ, do năng lực, phẩm chất cán bộ yếu kém, khiến cả hệ thống ngưng trệ”, ông Vân phân tích. Theo ông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bắt được đúng “điểm lỗi” của hệ thống, đó là xác định vai trò, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện các nhiệm vụ.
Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng chỉ có cá thể hóa trách nhiệm cá nhân mới có thể xem xét và đánh giá năng lực của cán bộ, để từ đó bố trí, sắp xếp phù hợp hoặc loại ra khỏi bộ máy.
Nhắc đến việc trước đây chủ trương phân cấp, phân quyền đã có song địa phương vẫn đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng, ông Vân cho rằng nguyên nhân do chế tài xử lý trách nhiệm chưa kiên quyết, còn nể nang, bao che, né tránh.
“Phải có chế tài mới chấn chỉnh được hệ thống. Cấp dưới không dám làm hay ngại khổ, ngại khó thì xử lý ngay, nhẹ thì xử hành chính, nặng thì hình sự”, ông Vân nói và dẫn chứng câu chuyện khi Thủ tướng phê bình đích danh nơi lơ là chống dịch, lãnh đạo địa phương đã nhận trách nhiệm, xem xét và xử lý ngay.
Chung góc nhìn, đại biểu Quốc hội Vũ Trong Kim lưu ý cấp nào, cá nhân nào có quyền hạn gì cần được phân rõ để rành mạch trong thực hiện.
“Quyền hạn gắn với trách nhiệm nên phải cá thể hóa trách nhiệm từng cá nhân, tránh tình trạng khi không làm việc hay làm việc có sai sót lại đổ lỗi cho tập thể”, ông Kim nói. Ông cho rằng phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm chỉ có thể thực hiện được thông qua quy chế cụ thể và kèm theo một loạt cơ chế vận hành.
Về vai trò của Thủ tướng, ông Kim nhấn mạnh khi phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm, Thủ tướng vẫn cần đôn đốc, kiểm tra và giám sát đối với những việc lớn.
Theo ông, Thủ tướng là người quan sát, người đánh giá, tổng kết để kiến tạo chủ trương, chính sách mới, phục vụ cho sự phát triển trong các công việc chung. Trong rất nhiều ưu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp này vì chúng ta vừa qua tổ chức thực hiện chưa tốt, giải quyết được cơ chế vận hành để thực hiện định hướng đó.
“Cá nhân người đứng đầu cơ quan hành pháp có trách nhiệm rất lớn, nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào việc vận hành cơ chế có đồng bộ hay không nữa”, ông Kim chia sẻ.
Hoài Thu
Nguồn: Cánh cò