Như trên đã đề cập, cả nước hiện có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài Quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo. Thế nhưng, với những kẻ luôn có cái nhìn thù địch với Việt Nam thì tất cả những con số trên chẳng có ý nghĩa gì cả. Trong con mắt của họ, nền báo chí Việt Nam hiện nay đều bị thao túng, quản lý chặt chẽ bởi chính quyền và không hề có tự do. Đối với chúng, tự do báo chí phải là báo chí được làm những gì tùy thích, nói gì thì nói, viết gì thì viết, không được ngăn trở!? Và sẵn với con mắt thù địch như vậy, hiển nhiên chẳng năm nào các cá nhân, tổ chức này đánh giá Việt Nam có tiến bộ trong tự do báo chí cả, luôn xếp chúng ta ở mức “tăm tối”.
Tỉ như ngày 18/12/2020, Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ) công bố danh sách 10 nước bị coi là kiểm duyệt báo chí nhiều nhất thế giới thì Việt Nam nằm ở vị trí thứ 7/10. Theo bảng xếp hạng của Tổ chức phóng viên không biên giới RSF thì năm 2020 Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia về tự do báo chí. Và với việc cuối năm 2020, Việt Nam bắt và đưa ra xét xử một loạt đối tượng từng có quá trình làm báo như Phạm Thị Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn… thì chính giới một số quốc gia và một số tổ chức đã lên tiếng theo hướng quan ngại, thất vọng về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Có thể kể đến như Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ thất vọng về việc Việt Nam xử lý các đối tượng trên; tổ chức Front line defenders lên án vụ bắt giữ và “vô cùng lo ngại về hành vie quấy rối đối với những người bảo vệ nhân quyền”. EU cho rằng các phiên tòa là một diễn biến tiêu cực với sự phát triển của xã hội dân sự, tự do báo chí…
Rõ ràng, có thể thấy là một số chính giới các nước và các tổ chức vẫn chưa bao giờ từ bỏ cái nhìn sai lệch, xuyên tạc về quyền tự do báo chí ở Việt Nam. Bất cứ một quốc gia nào cũng cần phải có sự quản lý đối với những lĩnh vực có ảnh hưởng tới đời sống xã hội, sao cho mỗi lĩnh vực đều đi đúng tôn chỉ, mục đích và bảo vệ người dân, phản ánh đúng, khách quan tình hình xã hội.
Việc đưa tin sai sự thật, gây hại cho đất nước, thậm chí là vi phạm pháp luật của các đối tượng trên là nhằm xuyên tạc, bôi đen về tình hình tự do báo chí của Việt Nam. Tuy nhiên, các đánh giá của một số cá nhân, chính giới và tổ chức trên đã lờ đi một sự thật là bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc đưa tin như vậy cũng đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, không có thứ tự do ngôn luận nào, tự do báo chí nào đồng nghĩa với sự thật bị bóp méo, coi thường pháp luật, xúc phạm cộng đồng.Việc cơ quan quản lý xử lý nghiêm các hành vi sai phạm để làm trong sạch môi trường báo chí là điều cần thiết và đáng hoan nghênh, nhưng một số tổ chức, cá nhân đã cố tình xuyên tạc rằng, Việt Nam đang truyền thông điệp về tiếp tục tăng cường kiểm duyệt, siết chặt tự do ngôn luận đối với cả báo chí lẫn bạn đọc.
Hệ thống báo chí và truyền thông ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Ðó là kết quả từ sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, từ sự trưởng thành và nỗ lực của các nhà báo, từ đòi hỏi của thực tế phát triển… Và sự phát triển này không chỉ để đáp ứng quyền tự do ngôn luận, thỏa mãn nhu cầu thông tin, mà còn tạo ra môi trường văn hóa để toàn dân có thể tiếp xúc, tiếp nhận, trau dồi tri thức, cùng hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ.
Trần Hoàng Chinh
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ