Các thế lực thù địch, phản động liên tục nhắc lại nhiều lần, xuyên tạc việc bầu cử ở nước ta chỉ là hình thức, không minh bạch, không dân chủ nhằm phá hoại cuộc bầu cử.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng, diễn ra ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kết thúc thành công rất tốt đẹp.
Tổ chức thành công cuộc bầu cử sẽ tiếp tục góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay.
Thế nhưng, đi ngược lại với mong muốn đó, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị lại tỏ thái độ hằn học, chống đối và xem đây là thời cơ để chống phá.
Bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, đánh giá phiến diện, một chiều, quy chụp, các đối tượng xấu đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử. Mà một những nội dung chống phá chính là xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử.
Trắng trợn hơn là đưa ra những yêu sách đòi Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Đó là những đòi hỏi hết sức phi lý.
Vài tháng trước kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, những luận điệu hết sức phản động lại lan truyền trên không gian mạng.
Bằng cách lấp liếm những quy định đã được thể chế hóa thành hiến pháp và pháp luật, lập lờ câu chữ, những tổ chức phản động như Việt Tân cùng với một vài trang mạng vốn thiếu thiện chí với Việt Nam trắng trợn xuyên tạc vai trò lãnh đạo công tác bầu cử của Đảng, trong đó có bản chất của việc Đảng giới thiệu người ra ứng cử.
Đây là những lập luận cố tình đánh tráo khái niệm và quy chụp một cách xằng bậy về tính đại diện với lập trường chính trị của đại biểu Quốc hội.
Với suy diễn vô căn cứ này, các thế lực thù địch âm mưu chia cách mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng. Để rồi đưa ra những đòi hỏi quốc hội độc lập với Đảng, phá hoại cơ cấu đại biểu Quốc hội mà chính là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân trong định chế lập pháp quyền lực cao nhất cả nước.
Lợi dụng dân chủ để phá hoại bầu cử
Một trong những nội dung nữa mà các đối tượng xấu tập trung công kích, xuyên tạc là tính dân chủ trong bầu cử. Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối điều hành đã xuất hiện những lời lôi kéo cử tri “tẩy chay” cuộc bầu cử.
Họ bịa đặt, vu cáo rằng ở Việt Nam làm gì có dân chủ trong bầu cử, ứng cử, có chăng chỉ là hình thức; kết quả bầu cử đã được sắp đặt trước, nên có đi bầu cũng như không. Đáng trách là hùa theo những giọng điệu của các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài, thì ngay trong chính nội bộ ta đã xuất hiện một số nhân vật cơ hội, bất mãn chính trị lên mạng xã hội viết bài, phát tán những nội dung xuyên tạc, cổ xúy cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ, kích động nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử theo kiểu “không biết không bầu”.
Thực ra, việc lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam không còn mới. Tuy nhiên, những thủ đoạn, mưu mô và cách thức hoạt động của họ lại ngày càng thâm độc, tinh vi dưới vỏ bọc “thư ngỏ”; “những lời tâm huyết với Đảng”; “góp ý, kiến nghị”… nhưng đã gài vào đó các quan điểm xuyên tạc, sai trái. Sâu xa hơn thì đó là thủ đoạn dọn đường cho sự hình thành tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.
Đây là facebook của 1 nhân vật tự ứng cử Đại biểu Quốc hội vừa bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu lấy tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.
Trong tháng 2 vừa rồi, tài khoản này bình luận nhiều về quá trình lựa chọn đại biểu Quốc hội của Việt Nam. Cho rằng quyền lựa chọn, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội nằm trong tay các cấp ủy Đảng, nên không có dân chủ.
Hoặc cho rằng, Quốc hội cần có người ngoài Đảng vào chỉ là để trang trí, tránh tiếng độc quyền cho Đảng. Với tất cả những luận điệu trên, tài khoản facebook này kêu gọi người dân không biết thì không bầu.
Các thế lực phản động còn trắng trợn cho rằng: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội dự kiến vào ngày 23/5 tới đây, là chỉ gây tốn kém tiền của.
Đây là những thủ đoạn không hề mới, thậm chí từ cách đây 15 năm, tổ chức phản động Việt Tân đã kêu gọi người dân bỏ trống hoàn toàn phiếu bầu, hoặc gạch chéo hủy bỏ cả phiếu bầu.
Chỉ riêng tổ chức phản động Việt Tân đã lập mới 300 tài khoản, duy trì 1 nghìn tài khoản trên các mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các thông tin tiêu cực.
Chiêu trò đột lốt “tự ứng cử” của một số phần tử phản động, chống phá
Từ chủ trương, chính sách của Đảng đến Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều khuyến khích người có đức, có tài tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để góp sức xây dựng đất nước.
Nhưng chính tinh thần dân chủ này cũng bị những phần tử chống đối lợi dụng để chống phá cuộc bầu cử. Dù biết rất rõ mình không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến pháp; gương mẫu chấp hành pháp luật, thậm chí có những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng vẫn đi tự ứng cử.
Vậy mục đích sâu xa là gì? Đó là nhằm đánh bóng tên tuổi, làm nhiễu loạn cuộc bầu cử.
Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lên mạng xã hội rêu rao rằng: chỉ có những người theo Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử. Rồi bịa đặt, xuyên tạc rằng hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ là “nơi đấu tố”, lên án, loại bỏ người tự ứng cử.
Họ tung ra những bảng thu thập chữ ký ảo trên mạng xã hội ủng hộ họ nhưng lại rất sợ đứng trước hội nghị cử tri nơi cư trú – nơi tập hợp những cử tri thật, gần họ nhất, hiểu họ nhất và có những nhận xét cực kỳ chính xác, khách quan về họ.
Cuối tháng 3, Công an Thành phố Hà Nội đã bắt tạm giam Lê Trọng Hùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cũng trong tháng 3, và cũng với tội danh tương tự, đối tượng Trần Quốc Khánh đã bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt tạm giam.
Hành vi vi phạm pháp luật của Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh đã rất rõ ràng. Nhưng một số phần tử phản động trong và ngoài nước, nhân cớ này đã lên tiếng cho rằng, Hùng và Khánh bị bắt là vì lý do “tự ứng cử Đại biểu Quốc hội”.
Trong 3 năm qua, Trần Quốc Khánh liên tục dùng Facebook để đăng tải các bài viết, hoặc livestream xuyên tạc, nói xấu chính quyền. Còn Lê Trọng Hùng thì tự đóng vai là một nhà dân chủ, bình luận một cách méo mó các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Dù biết mình không đủ tiêu chuẩn để làm Đại biểu Quốc hội, nhưng Hùng và Khánh vẫn tuyên bố tự ứng cử. Ngay sau khi 2 đối tượng này bị bắt, các thế lực thù địch tìm mọi cách để xuyên tạc, hướng lái dư luận hiểu theo hướng những người tự ứng cử bị gây khó dễ.
Nếu theo như suy diễn của các thế lực thù địch, chẳng lẽ cả tất cả người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa 15 đều bị gây khó dễ, hoặc bị bắt ?
Thực tế đã chứng minh, ở các kỳ quốc hội, nhiều đại biểu tự ứng cử đã trúng cử và có đóng góp tích cực cho hoạt động của Quốc hội, xứng đáng làm đại biểu của nhân dân.
Đừng để bị kẻ xấu lôi kéo mà từ bỏ quyền bầu cử thiêng liêng
Các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị nhắc đi nhắc lại nhiều lần xuyên tạc việc bầu cử ở nước ta chỉ là hình thức, không minh bạch, không dân chủ.
Thế nhưng, họ đã cố tình quên rằng tính dân chủ trong bầu cử đã được nước ta quan tâm từ cách đây 3/4 thế kỷ. Đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 bầu Quốc hội khóa đầu tiên. Dù diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn khi ở miền Nam, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược, miền Bắc bộn bề tàn tích chiến tranh và những âm mưu chống phá của kẻ thù nhưng cuộc Tổng Tuyển cử vẫn diễn ra thành công với gần 90% cử tri cả nước đi bầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi người dân đi bầu cử
Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.
Thấm nhuần tư tưởng có tính nguyên tắc của Bác Hồ, kể từ Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử.
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Khóa I đến nay, nước ta đã tổ chức thành công 14 cuộc bầu cử ĐBQH và hàng chục cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Không chỉ hoàn thiện quy định của pháp luật về bầu cử qua từng thời kỳ, Quốc hội cũng luôn quan tâm đến chất lượng đại biểu, tỷ lệ đại diện, đặc biệt là cơ cấu, thành phần. Bởi bảo đảm được một cơ cấu hợp lý cũng chính là bảo đảm chất lượng hoạt động của Quốc hội – cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân. Với một cơ cấu đại biểu hợp lý, thì các tầng lớp nhân dân khác nhau đều được đại diện và có được tiếng nói ở Quốc hội.
Đây là điều kiện tiên quyết để Quốc hội thấu hiểu và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đó là cũng là những minh chứng sinh động, thuyết phục để thêm khẳng định rằng, những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động vẫn rêu rao là hoàn toàn phi lý, xuyên tạc.
Không chỉ thành phần đa dạng, mà chất lượng của đại biểu của Quốc hội khóa tới cũng được nâng lên. Trong dự kiến cơ cấu Quốc hội khóa này, tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ tăng tới 40%. Chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, Quốc hội khóa tới sẽ ngày càng đại diện hiệu quả hơn cho quyền và lợi ích của nhân dân.
Hơn 75 năm đồng hành cùng với đất nước, với dân tộc, số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội đều có những thay đổi gắn với trọng trách nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Nhưng xuyên suốt, cơ cấu đại biểu của Quốc hội không ngừng được đổi mới, không chỉ là đại diện cao nhất cho quyền và lợi ích của mọi giai tầng trong xã hội, mà còn lăng kính phản chiếu sự phát triển đổi thay của đất nước qua từng thời kỳ.
Từ nay đến ngày chính thức diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cơ quan chức năng nhận định, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc và gia tăng các hoạt động chống phá. Vì vậy, cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử.
Nhưng một điều rất quan trọng nữa là chúng ta phải cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, chủ động đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Đừng để bị kẻ xấu lôi kéo mà từ bỏ quyền bầu cử thiêng liêng. Hãy trực tiếp đi bỏ phiếu bầu người đại diện cho mình vào ngày 23/5 tới đây. Đó cũng là nghĩa vụ, là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
Ban thời sự (VTV.VN)