Phiên tòa xét sử sơ thẩm đối với bị cáo Cấn Thị Thêu, sinh năm 1962 và con trai là Trịnh Bá Tư, sinh năm 1989 đã kết thúc. Hai đối tượng này bị xét xử về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Căn cứ vào những tài liệu chứng cứ và các tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt các bị cáo Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư mỗi người 8 năm tù giam cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” được quy định tại điểm a, b khoản 1, Điều 117-Bộ luật Hình sự năm 2015. Sau khi mãn hạn tù, hai bị cáo tiếp tục chịu sự quản thúc trong thời gian 3 năm từ phía cơ quan pháp luật địa phương.
Hai bị can trong phiên sơ thẩm
Đặc biệt, bị cáo Cấn Thị Thêu đã có 2 tiền án. Cụ thể, ngày 25/11/2014, bị cáo Thêu bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 15 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và ngày 30/11/2016, bị cáo tiếp tục bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 1 năm 8 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng,” đến nay chưa được xóa án tích.
Ngoài ra, bị cáo Cấn Thị Thêu còn có 1 tiền sự. Ngày 6/4/2016, Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) xử phạt vi phạm hành chính 1 triệu đồng đối với Cấn Thị Thêu về hành vi “Gây rối trật tự công cộng,” hiện đối tượng vẫn chưa nộp số tiền này.
Theo hồ sơ vụ án, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn nên trong khoảng thời gian từ ngày 9/1 đến 14/1/2020, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân phát trực tiếp 8 video có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Trịnh Bá Tư là người sử dụng điện thoại di động, sử dụng tài khoản Facebook của mình trực tiếp nói, phát 1 video; sử dụng tài khoản Facebook của mẹ là Cấn Thị Thêu trực tiếp nói và phát 5 video.
Ngoài ra, còn có 2 video do Trịnh Bá Tư dùng điện thoại để quay, mớm lời cho Cấn Thị Thêu nói. Các video trên đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Đặc biệt, các video bịa đặt của Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu đã được nhiều đối tượng có tư tưởng chống chế độ, chống Nhà nước theo dõi, bình luận, bôi nhọ. Ngoài ra, các đối tượng này còn đăng, phát cả những video chứa nội dung kêu gọi, kích động nhân dân chống chính quyền; đưa thông tin xuyên tạc về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, các ngành; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Quá trình khám xét nơi ở của các bị cáo, cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu. Các tài liệu này được cơ quan chức năng xác định đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, bịa đặt nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Với hành vi vi phạm như trên và căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, tại phiên tòa xét xử sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Bá Tư 8 năm tù; bị cáo Cấn Thị Thêu 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Khoản 1, Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Sau khi mãn hạn tù, các bị cáo phải chịu sự quản thúc trong thời gian 3 năm.
Đây là bản án đúng người, đúng tội nhưng cũng cho thấy sự nhân văn của Nhà nước Việt Nam. Với nhiều người quan tâm đến hai đối tượng trên còn cho nhận định bản án còn nhẹ so với hành vi của các đối tượng, nhất là với Cấn Thị Thêu, một đối tượng có 2 tiền án, tiền sự. Nhưng pháp luật luôn công bằng và cũng sẽ thật nhân văn với những người biết hối cải, biết quay đầu là bờ. Cho nên, theo như cơ quan điều tra cho biết, suốt quá trình điều tra, cơ bản mẹ con bà Cấn Thị Thêu có thái độ thành khẩn, ăn năn và hợp tác khá tốt. Đây cũng chính là yếu tố qua trọng để các đối tượng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ