Trang chủ Chính trị Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế

Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế

160
0

Với sự chuẩn bị chủ động, kỹ lượng, Việt Nam đã hòan thành xuất sắc trọng trách Chủ tịch HĐBA LHQ, để lại dấu ấn đậm nét là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm.

Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ.

Việt Nam vinh dự lần thứ hai làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ này. Với khát vọng xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh vượng, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tích cực đóng góp vào công việc của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an.

Đây là khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021 tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an, mang chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột.”

Lần thứ hai đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021, với sự chuẩn bị chủ động, kỹ lượng, Việt Nam đã hòan thành xuất sắc trọng trách trên, để lại dấu ấn đậm nét là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với khu vực và cộng đồng quốc tế.

Ba chủ đề ưu tiên

Trong tháng 4/2021, Việt Nam thúc đẩy và tổ chức các phiên thảo luận với 3 chủ đề: Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột; Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững; Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Tại các cuộc thảo luận, Việt Nam đã nêu lên được những ưu tiên xuyên suốt trong nhiệm kỳ tham gia Hội đồng Bảo an. Đây cũng là những vấn đề cụ thể được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao vừa bảo đảm phù hợp với các ưu tiên, lợi ích của Việt Nam vừa đáp ứng đúng và trúng những quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Để triển khai hiệu quả các chủ đề này, Việt Nam đã tổ chức ba phiên thảo luận với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ngày 19/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột.”

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì hai Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 8/4 với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và ngày 27/4 với chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.”

Các phiên họp đều diễn ra thành công, nhận được sự quan tâm của các nước với sự tham dự ở cấp rất cao, đồng thời thông qua được những văn kiện quan trọng để thúc đẩy những nội dung mà Việt Nam quan tâm.

Tại phiên thảo luận “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”, trên cương vị chủ trì Phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh, hòa bình chỉ bền vững khi những hậu quả của chiến tranh, xung đột, trong đó có hậu quả của bom mìn, được giải quyết.

Bộ trưởng cũng cho rằng vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Bộ trưởng cho rằng các chương trình, chính sách cần đặt người dân vào vị trí trung tâm. Hợp tác với các đối tác quốc tế cần được tăng cường, nhất là thông qua khắc phục hậu quả bom mìn để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Liên hợp quốc và đặc biệt là Hội đồng Bảo an cần tăng cường các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, bảo vệ thường dân và thúc đẩy hòa bình bền vững.

Chia sẻ tại Phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảm ơn Việt Nam đã đưa vấn đề quan trọng này vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an; hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia thành viên đã lồng ghép chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn vào các kế hoạch phát triển của quốc gia.

Ông Guterres kêu gọi tăng cường ý chí chính trị, hợp tác và cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn ngừa, đối phó với các mối đe dọa từ vật liệu nổ.

Nhân dịp này, Hội đồng Bảo an đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất đề cập riêng đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn.

Văn kiện có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom mìn với duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, khẳng định cam kết của Hội đồng Bảo an và đề cao sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế
Các đại biểu tham gia Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ.

Phiên thảo luận mở “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam ngay sau thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tại Phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo các nước thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá chủ đề mà Việt Nam lựa chọn cho phiên thảo luận là rất cần thiết, kịp thời.

Ông Guterres đánh giá phiên thảo luận đã diễn ra thực sự hiệu quả, qua đó khẳng định Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn ở Liên hợp quốc, nhất là ở Hội đồng Bảo an.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, chính sự gần gũi về địa lý, am hiểu địa bàn, có được lòng tin và uy tín với các bên liên quan trong xung đột khiến các tổ chức khu vực có thể hỗ trợ giải quyết xung đột rất tốt.

Các đại biểu ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực cũng như giữa các tổ chức khu vực với nhau để ngăn ngừa, giải quyết xung đột nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại, đồng thời cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức khu vực, tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.

Trước các tác động phức tạp của các vấn đề truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các đại biểu kêu gọi các tổ chức khu vực đóng vai trò trung tâm trong việc chống đại dịch đảm bảo việc tiếp cận công bằng với vaccine…

Trong bài phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin và đối thoại trong quan hệ quốc tế, đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức khu vực với Liên hợp quốc trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.

Cũng tại Phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì thông qua Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định sự gắn kết giữa Liên hợp quốc/Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột với xây dựng lòng tin và đối thoại là những thành tố thiết yếu.

Phiên thảo luận “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” theo hình thức trực tuyến là chủ đề thứ ba được Việt Nam đưa ra trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần này.

Là một nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh, Việt Nam có lợi ích và nhu cầu trong thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, cũng như sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn.

Việc Việt Nam tham gia tích cực và thúc đẩy sáng kiến về vấn đề này mang nhiều ý nghĩa lớn cho các nước thành viên Liên hợp quốc nói riêng, cho khu vực và quốc tế nói chung.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, bảo vệ người dân luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Hội đồng Bảo an; do đó cần nhấn mạnh tinh thần tuân thủ quy định của tất cả các bên liên quan trong xung đột, đó là việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam và khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và vai trò của Liên hợp quốc trong bảo vệ dân thường và các cơ sở thiết yếu trong bối cảnh xung đột.

Điều này được minh chứng bằng việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết về vấn đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống còn của người dân với 15/15 phiếu thuận.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, việc lựa chọn ba chủ đề ưu tiên trên thể hiện sự liên thông với chủ trương trọng tâm “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững” mà Việt Nam xác định là phương châm xuyên suốt của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.

Việt Nam muốn truyền tải thông điệp lan tỏa tới cộng đồng quốc tế về một đất nước yêu chuộng hòa bình, năng động, đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu chung

Thành công trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần thứ hai của Việt Nam đã để lại dấu ấn và thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam luôn mong muốn đóng góp cho công việc của Liên hợp quốc, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và phát triển trên thế giới.

Trong cương vị Chủ tịch, bên cạnh ba chủ đề ưu tiên được thúc đẩy, trong tháng 4/2021, Việt Nam đã điều hành các công việc định kỳ và đột xuất, trong đó có xây dựng và thông qua chương trình làm việc của tháng, chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của Hội đồng Bảo an, thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an, dưới sự điều hành của Việt Nam, tiếp tục duy trì một khối lượng công việc lớn với gần 30 cuộc họp cấp Đại sứ và hàng chục cuộc họp, tham vấn ở cấp làm việc để thảo luận về các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và thế giới như gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực; chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang…; đồng thời thông qua hơn 10 văn kiện khác nhau, trong đó có 4 Nghị quyết đều được thông qua bằng đồng thuận.

Bên cạnh việc điều hành các cuộc họp, Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, duy trì quan hệ phối hợp thường xuyên với báo chí sở tại và quốc tế, thay mặt Hội đồng Bảo an thông tin cho báo chí sau các cuộc họp, duyệt ký và cho lưu hành các tài liệu, văn bản quan trọng của Hội đồng Bảo an trên cương vị Chủ tịch.

Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, bày tỏ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề được Hội đồng Bảo an xem xét, thảo luận, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam ủng hộ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy ngăn ngừa xung đột, giảm căng thẳng, tìm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột; ủng hộ vai trò của Liên hợp quốc, các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.

Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân”.

Với sự chủ động, tích cực của ta trong việc chọn chủ đề, tổ chức và dẫn dắt thảo luận, các thành viên Liên hợp quốc cho rằng đây là những vấn đề “trúng” về nội dung, “đúng’ về thời điểm, cần được cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an quan tâm thúc đẩy hơn nữa thúc đẩy để tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng nền hòa bình bền vững.

Phát huy thành công đạt được của tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước tìm giải pháp duy trì môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Đây là mục tiêu chung và xuyên suốt từ nay đến hết năm 2021 của Việt Nam.

Trong quá trình đó, điều quan trọng nhất là làm sao cố gắng để Hội đồng Bảo an có sự đoàn kết, đồng thuận. Đối với các vấn đề phức tạp tại Hội đồng Bảo an.

Các quyết định của Hội đồng Bảo an phải được dựa trên nền tảng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau để Hội đồng Bảo an tiếp tục là cơ quan quan trọng nhất trong duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.

Với thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021, cùng kinh nghiệm, bài học và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến này, với thế và lực của đất nước, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và thường xuyên của Lãnh đạo Cấp cao, sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong 8 tháng còn lại của nhiệm kỳ 2020-2021.

Thu Phương


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây