3 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân ở Hà Nam

3 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân ở Hà Nam

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định việc phát hiện ca mắc Covid-19 ở Hà Nam trước kỳ nghỉ lễ là điểm sáng giúp ngành y tế nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

3 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân ở Hà Nam

Một ngày trước khi người lao động Việt Nam bắt đầu 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Hà Nam phát hiện ca mắc Covid-19 là thanh niên 28 tuổi, đã hoàn thành cách ly tập trung sau khi trở về từ Nhật Bản.

Chiều cùng ngày, 4 ca dương tính trong cùng gia đình được phát hiện. Tối muộn, các F1 và F2 ở TP.HCM, Hà Nội, Hưng Yên lần lượt được ghi nhận. Chùm ca bệnh này chấm dứt chuỗi 34 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng tại Việt Nam.

Lổ hổng lớn từ khu cách ly

Chia sẻ với PV ngay sau khi Bộ Y tế công bố 45 ca mắc Covid-19, trong đó có 6 ca nhiễm trong cộng đồng và 39 bệnh nhân nhập cảnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết ông hết sức bất ngờ.

“Điều mà chúng ta lo lắng lại xảy ra và đúng vào ngày người dân Việt Nam nghỉ lễ. Tuy nhiên, so với đợt bùng phát ở Hải Dương hay Đà Nẵng, tình hình vẫn có hy vọng không căng thẳng như vậy”, ông nói.

Chuyên gia này lý giải nếu bệnh nhân Covid-19 chỉ điểm ở Hà Nam không có triệu chứng ho, sốt và không thông báo với trung tâm y tế địa phương, có lẽ đến nay, chúng ta vẫn chưa biết có sự lây nhiễm SARS-CoV-2 âm thầm trong cộng đồng.

“Chúng ta may mắn khi ca F0 ở Hà Nam có triệu chứng và được phát hiện trước nghỉ kỳ nghỉ lễ. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng và được phát hiện dương tính sau kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày, ngành y tế chắc chắn sẽ vất vả vì người mang virus đã tỏa đi khắp nơi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

3 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân ở Hà Nam
Lực lượng y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân tại khu hẻm ở quận Bình Tân, nơi bệnh nhân Covid-19 liên quan ca Hà Nam từng đến.

Bác sĩ Khanh cho biết đến nay, sau hơn một năm SARS-CoV-2 xuất hiện và gây đại dịch khắp thế giới, bản chất lây nhiễm của chúng không thay đổi dù có hàng loạt biến chủng. Hai con đường chính là đường hô hấp thông qua tiếp xúc giọt bắn từ người mang virus. Con đường thứ 2 là tiếp xúc virus bám trên các bề mặt hoặc lơ lửng trong không gian kín.

Còn trong cộng đồng tại Việt Nam, bác sĩ Khanh nhấn mạnh virus chỉ xâm nhập qua 2 con đường chính là nhập cảnh trái phép và lây nhiễm từ khu cách ly.

“Nhập cảnh trái phép hay nhập lậu là điều mà ai trong chúng ta cũng lo lắng. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở các nước láng giềng, người dân tìm mọi cách để về nước. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta tập trung quá nhiều về việc kiểm soát nhập lậu mà không quan tâm nguy cơ quan trọng không kém ngay trong khu cách ly”, ông nói.

Chuyên gia này cho biết thời gian gần đây, một số ca mắc Covid-19 do lây nhiễm tại khu cách ly được ghi nhận nhiều. Nguyên nhân có thể là khu cách ly tại khách sạn không phải là môi trường cách ly y tế chuyên môn. Nhân viên phục vụ chưa có kinh nghiệm phòng, tránh bệnh truyền nhiễm và sau thời gian dài không ghi nhận trường hợp bất thường từ khu cách ly, người dân có phần chủ quan.

“Chúng ta cần nghiêm túc xem lại quy trình cách ly người nhập cảnh. Dù được cách ly ngay khi về nước, những người này tiềm ẩn nguy cơ rất cao nếu quản lý không tốt”, bác sĩ Khanh nhận định.

3 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân ở Hà Nam
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và các lãnh đạo tỉnh khảo sát tâm dịch ở Hà Nam chiều 29/4.

Giả thiết nguồn lây của bệnh nhân ở Hà Nam

Phân tích nguồn lây nhiễm của bệnh nhân 2899 ở Hà Nam, bác sĩ Khanh đưa ra 3 giả thiết:

– Bệnh nhân không được lấy mẫu xét nghiệm vào đúng ngày thứ 14

Theo quy định cách ly hiện tại của Bộ Y tế, người cách ly cần được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào hôm đầu tiên, ngày thứ 7 và 14. Trường hợp có xét nghiệm 3 lần âm tính có thể ra khỏi khu cách ly sau ngày thứ 14 (từ ngày 15).

Trong các chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch cùng Bộ Y tế, bác sĩ Khanh nhận thấy nhiều địa phương gặp sai sót trong việc tính toán một ngày cách ly y tế. “Đối với người làm dịch tễ, một ngày không phải qua đêm mà phải tròn 24 giờ”, ông nhấn mạnh.

Nếu xảy ra trường hợp bệnh nhân ở Hà Nam được lấy mẫu xét nghiệm trước thời gian quy định và nhận kết quả vào ngày thứ 14, theo bác sĩ Khanh, đây là sai sót lớn.

Chuyên gia này nhấn mạnh thêm cho đến nay, chưa có nghiên cứu, công bố nào cho thấy virus SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh trên 14 ngày. Do đó, chúng ta chưa đủ bằng chứng cho thấy bệnh nhân Hà Nam có thời gian ủ bệnh trên 14 ngày.

– Bệnh nhân tiếp xúc ca F0 trong quá trình cách ly tập trung

Một giả thiết khác được đặt ra là bệnh nhân ở Hà Nam bị lây nhiễm SARS-CoV-2 ngay trong khu cách ly, tuy nhiên đến khi rời khỏi mới phát bệnh.

Theo quy định của Bộ Y tế, trường hợp người đang cách ly tiếp xúc F0 trong khu cách ly, buộc phải cách ly thêm 14 ngày tính từ giờ tiếp xúc cuối cùng với ca F0. Đà Nẵng cũng cần xem xét kỹ tình huống có hay không việc bệnh nhân ở Hà Nam tiếp xúc F0 trong thời gian cách ly.

3 giả thiết về nguồn lây của bệnh nhân ở Hà Nam
TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm cho người dân liên quan bệnh nhân Covid-19 vừa được phát hiện tại quận Bình Tân.

– Bệnh nhân bị lây nhiễm ngoài cộng đồng

Sau thời gian cách ly, bệnh nhân di chuyển về nhà bằng xe khách, gặp gỡ nhiều người. Do đó, chuyên gia không loại trừ khả năng bệnh nhân vô tình tiếp xúc nguồn lây virus trên đường về nhà, thậm chí người này không phải F0 mà bị lây nhiễm tại địa phương sau khi hoàn tất cách ly.

“Chúng ta cần rà soát quy trình cách ly để tìm hiểu nguồn lây nhiễm chính xác là trong khu cách ly, nhiễm trên đường về nhà hay trong cộng đồng ở Hà Nam, nơi gia đình bệnh nhân sinh sống. Tôi cho rằng nên rà soát, xét nghiệm thần tốc F1 và vá lỗ hổng càng sớm càng tốt”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh đến thời điểm này, chúng ta có thể không cần quan tâm nhiều đến biến chủng SARS-CoV-2. Theo ông, việc giải trình tự gene và xác định biến chủng là để cơ quan y tế nhận định mức độ lây lan, độc lực mạnh hay bình thường, chủng cũ hay chủng mới xuất hiện, qua đó có những điều chỉnh phục vụ cho công cuộc chống dịch của Việt Nam.

“Biến chủng mới xuất hiện thì sớm hay muộn cũng sẽ đi khắp nơi trên thế giới. Do đó, nghiên cứu, giải trình tự gene là câu chuyện này của các nhà dịch tễ học. Dù là biến chủng nào, một khi phát tán trong cộng đồng, giải pháp phòng tránh hiệu quả nhất vẫn là 5K và vaccine”, bác sĩ Khanh nói.

Bích Huệ


Nguồn: Cánh cò

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *