Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thế nào mới gọi là Quốc hội vì dân?

Thế nào mới gọi là Quốc hội vì dân?

188
0

Càng đến gần ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị càng đẩy mạnh các hoạt động xuyên tạc về công tác bầu cử Quốc hội cũng như hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Thế nào mới gọi là Quốc hội vì dân?

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Với mục đích bôi lem, chống phá chế độ, chống phá Nhà nước, thời gian qua, các đối tượng xấu liên tục đưa ra các thông tin, luận điệu, nhận định, đánh giá phiến diện, chủ quan, một chiều, sai trái về hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Bằng việc thổi phồng các tồn tại, hạn chế; tô vẽ, xuyên tạc, vu khống các mặt công tác; trích dẫn nhận định của các các đối tượng chống phá … cố tình tạo ra một bức tranh đầy tiêu cực, u ám về Quốc hội của Việt Nam.

Những luận điệu xuyên tạc

Gần đây, Đài Á châu tự do – RFA đăng tải bài viết có tiêu đề “Đến khi nào Quốc hội Việt Nam mới thực sự của dân, do dân và vì dân?”. Vẫn theo kiểu đưa ra những thông tin sai lệch, phiến diện từ  việc phỏng vấn, trích dẫn lời bình luận của các đối tượng chống phá như Trần Bang, Nguyễn Lân Thắng… Từ đó xuyên tạc, “người dân là những lao động để kiếm ra tiền đóng thuế, hy sinh bảo vệ đất nước, làm ra tài sản cho nhà nước, đóng thuế cho nhà nước và đảng cộng sản tiêu”, “Không có quyền tự do thành lập đảng, không có tự do thành lập báo chí, không được tự do tư tưởng, tự do học thuật, không được cạnh tranh ứng cử, hầu hết những người ứng cử đều bị bắt”…

Với những luận điệu, thông tin sai trái như trên, RFA đang cố tình thực hiện “chiến tranh tâm lý”, kích động sự hoài nghi, khiến cho quần chúng nhân dân hiểu lầm, hiểu sai hoạt động của Quốc hội. Từ đó tạo kẽ hở để các thế lực thù địch, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị truyền bá những nhận thức sai lầm đánh lừa người dân. Mục đích của các đối tượng là khiến cho người dân mất niềm tin vào chế độ hiện nay, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản, thành lập đa nguyên, đa đảng.

Không thể phủ nhận tính dân chủ của Quốc hội Việt Nam

Thực tế chứng minh tính dân chủ trong Quốc hội Việt Nam ngày càng được phát huy một cách mạnh mẽ. Trước hết, tính dân chủ thể hiện ngay trong về công tác bầu cử, thành lập Quốc hội. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội. Dĩ nhiên, những người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, đặc biệt là phải trung thành trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội…

Các đối tượng luôn lấy cớ rằng việc “Đảng cử dân bầu”, khi bầu cử Quốc hội và Đảng cố tình “bắt giam những người tự ứng cử” là thiếu dân chủ. Tuy nhiên, những kẻ này lại chỉ nói một mà không nói hai. Không phải bao giờ những người được giới thiệu ứng cử cũng sẽ trúng cử. Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, có 15 đại biểu thuộc diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử để trở thành ĐBQH. Như vậy để thấy, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn ra những người đủ uy tín, đủ năng lực đại diện cho quyền lực của nhân dân ở Quốc hội. Đối với luận điệu rằng Việt Nam cố tình “bắt giam những người tự ứng cử”, đây rõ ràng là một sự xuyên tạc trắng trợn. Cần phải thấy, những kẻ bị bắt giam đều là các các đối tượng chống phá vô cùng nguy hiểm. Những kẻ này lợi dụng danh nghĩa tự ứng cử đại biểu Quốc hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá chế độ. Việc họ bị bắt giam xuất phát từ chính các hành vi vi phạm pháp luật hình sự chứ không phải vì lý do “tự ứng cử” như luận điệu được đưa ra.

Về hoạt động của Quốc hội, có thể thấy tính dân chủ được phát huy một cách mạnh mẽ. Hoạt động của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước. Thời gian qua, hầu hết các phiên họp của Quốc hội đều được truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi. Đồng thời, các hoạt động nghị trường cũng được báo chí đưa tin một cách nhanh chóng, rõ nét. Với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, Quốc hội đã hoạt động một cách hiệu lực, hiệu quả. Mọi vấn đề đưa ra nghị trường đều được Quốc hội thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, thẳng thắn, khách quan. Đặc biệt, hoạt động chất vấn và trả lời chất diễn ra sôi nổi, với những ý kiến tranh luận thẳng thắn, đánh đúng và trúng vào những vấn đề được người dân quan tâm, qua đó kịp thời giải đáp các thắc mắc của người dân. Cùng với đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.

Những luận điệu vu khống, xuyên tạc về tính dân chủ trong Quốc hội chỉ là cái bẫy để đánh lừa người dân. Vì vậy, mọi người cần hết sức chú ý, không để mắc mưu của các “con buôn dân chủ”.

Bảo An

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây