Trang chủ Luận bàn - Phản biện Gửi anh họ Đoàn: Thiện dục nhân kiến

Gửi anh họ Đoàn: Thiện dục nhân kiến

5
0

Bài chép từ Fb Công Nguyễn

GỬI ANH HỌ ĐOÀN: THIỆN DỤC NHÂN KIẾN

Gửi anh họ Đoàn: Thiện dục nhân kiến

Anh Đoàn quý! Lời đầu tiên, cho tôi được bày tỏ sự ngưỡng mộ đến anh, như hàng triệu người đang idol anh vậy. Bởi anh đang rong ruổi khắp miền, nhằm rắc gieo bao mầm lương dài rộng, và mong chờ ngày nảy lên những trái thiện cho đời. Đó là một nghĩa cử cao đẹp, mà ít người có thể thực hiện được vì rất nhiều yếu tố, lý do khác nhau.

Vâng! Tôi đang tụng ca anh đấy. Bởi tôi cũng đang nhìn về phía anh bằng đôi mắt bình thường, phàm tục như triệu đôi mắt khác. Và tất cả chúng tôi, cũng chỉ được vọng ngưỡng về anh một cách gián tiếp thông qua MXH hoặc từ ‘hơi nồi chõ’ nhà hàng xóm phả qua.

Tôi không thể ‘nằm vùng trong trí óc của anh, hoặc mang guốc dép loẹt quẹt trong bụng anh’. Tôi cũng không có điều kiện, hoặc thậm chí là không có tư cách đồng hành cùng anh. 

Vì vậy, sau một số thành quả đang toả hào quang quanh anh, tôi chưa thể trực tiếp thấy anh đã hành động cụ thể những gì? Nói cách khác cho gọn lại, tôi idol anh do từ những gì nghe được, thấy được qua MXH, như một ‘hiệu ứng đám đông’, còn thực hư như thế nào thì tôi chưa rõ.

Anh Đoàn mến! Trước khi đi vào những dòng đoạn ‘móc ruột, moi gan’ cùng nhau, chúng ta nên ngược dòng thời gian một chút đã. Ý tôi muốn nói đến khoảng thời gian trước cái ‘ngày định mệnh’ 16/01/2017.

Có lẽ cái thuở ấy, chỉ có khoảng trên dưới một ngàn người biết đến anh thôi nhỉ? Bởi theo thiển ý của tôi, với chức phận khá khiêm tốn như khoảng hơn 2.000 công bộc trên toàn quốc này có (phó chủ tịch cấp huyện), thì khó có thể vượt ra ngoài mức hàng ngàn người biết mặt, rõ danh?

Đặc biệt, ở đô thị trung tâm của trung tâm, người dân lại càng ít quan tâm hoặc không có cơ hội để biết ai là phó chủ tịch quận, ai là chủ tịch phường? Vì vậy, tuy phố đông là thế, nhưng với vị trí công tác của mình, tưởng chừng như anh lọt thỏm giữa bao người.

Và rồi cứ thế, anh hành xử bình thường như vạn cán bộ, công chức trên cái đất nước trăm triệu đồng bào này. Để đến một ngày, anh lẳng lặng nhận sổ hưu, về với ‘điền, viên’ tận hưởng những tháng ngày bình và dị. Nhưng, lối rẽ vô tình đã đưa anh đi rất xa, qua bao dặm đường thiên lý nắng lẫn mưa…

Anh Đoàn yêu! Sau tháng ngày định mệnh ấy, anh đã được cả triệu người biết đến như một ‘ngôi sao tiên phong’ trong việc giành lại những lối đi. Để rồi đến ngay chính anh cũng không thể ngờ được, sức lan toả của nó quá nhanh ra hầu khắp Thành phố lớn nhất nước. Thậm chí sức nóng từ hiệu ứng đã rát mặt nhiều đô thị trên toàn quốc, để những nơi này cũng xắn tay áo, xông xáo ra quân.

Thật tuyệt vời phải không anh? Phải công nhận là trong suốt mấy thập niên thời bình đã qua, hiếm có một cán bộ, công chức nào làm được điều này. Nó như một hiện tượng, một làn gió mới thổi vào đời sống chính trị vốn dĩ khô khan và không ưa sự ồn ào.

Nhưng cũng từ đó, cánh cửa quan trường của anh dần khép, cánh cửa ‘quan san, trường đoạn’ he hé trước mặt anh. Trong đó, có một cửa phụ mang tên ‘sâu bít’ đã ve vãn, mơn trớn, dụ dỗ anh tiến đến hào quang và ảo vọng. Thời điểm đó, tôi cùng muôn người và có thể có cả anh, đều không kịp nhận thấy nguy cơ này.

Ngày ấy, tuy đã ở cái tuổi ‘đầu ba đít đạt đỉnh’, mà tôi vẫn ngây ngô để mặc cho cảm xúc dâng trào bột phát, rồi làm thơ tặng anh! Riêng điều này tôi không hối tiếc, vì vào tại thời điểm đó, anh xứng đáng được được tôn vinh. Thậm chí, tôi còn phải cảm ơn anh, bởi vào buổi tuổi tứ tuần đang ‘hùng hổ lao tới’, nhưng từ việc làm đẹp đẽ của anh, đã giúp cho tôi thăng hoa cảm xúc trong trẻo đến lạ thường. Tuy nhiên, nếu anh dừng lại ở đó, thì đâu dẫn đến cớ sự như ngày hôm nay.

Anh Đoàn ơi! Ngày ấy, tại sao anh lại không khảng khái từ chức dứt khoát lấy một lần, mà lại lựa chọn màn thể hiện ‘làm mình, làm mẩy’ lạ lùng đến thế? Sao anh lại có thể ‘sáng nắng, chiều mưa, trưa ráo hoảnh’ như vậy cho đặng?

Anh có biết, anh đã ‘tự tay phá huỷ tượng đài của chính anh trong lòng tôi’ không nhỉ? Rất buồn và thất vọng. Để rồi từ đó, tôi cất công đi tìm hiểu về anh – về một bản ngã trần trụi.

Kể từ khi anh lập gia đình, đến bước đường quan lộ có biết bao quý nhân trợ giúp, anh còn nhớ hay quên? Anh đã hành xử với những ân tình đó như thế nào? Chuyện này, tôi không đủ khả năng để diễn đạt, nhưng tôi tin có người từ đủ đến dư sẽ lên tiếng trong một ngày không xa, nếu anh cứ mãi như vầy.

Trở lại ngày anh doạ ‘cởi áo từ quan’, sau những giận hờn với tổ chức, với đồng chí của mình, anh đã sáng nhận, chiều trả, đêm về… lập Facebook! Lối rẽ đã bắt đầu, một kế hoạch dài hạn được khởi tạo. Để rồi hôm nay nhiều người tỉnh táo đã thấy: Anh đang chọn cho mình một lối đi trên dây, do MXH ‘hoài thai, chửa đẻ’.

Anh có biết vì sao anh được ‘tôn quý’ như vậy không? Đơn giản vì đó là dân tuý, hoặc là vì ghét, vì ngứa mắt mà ‘khen cho chết’. Chuyện này tôi không ‘ăn đứng, dựng ngược’, mà đã có không ít tấm gương tày liếp rồi, liệu anh có nhớ hay không?

Thêm nữa, ban đầu anh tuyên bố tự mình làm từ thiện, không cần nhờ ai trợ giúp. Khi có trợ giúp anh lại tuyên bố chỉ trích tiền lãi ra làm từ thiện chứ không lạm vào gốc. Tuy nhiên, cuối cùng thì như thế nào? Anh đã ‘tiền hậu bất nhất’ trong một số lời nói, việc làm có tính quan trọng và nhạy cảm rồi anh ạ!

Tầng lớp bình dân, không quan tâm anh là ai, anh đúng sai gì? Họ cũng không thèm đoái hoài chuyện tổng nhận, tổng chi (mà có muốn cũng không thể làm được). Đơn giản vì có rụng rơi cũng không phải của họ, và thêm cái suy nghĩ ‘có còn hơn không’ của người Việt ta nó vậy. Nên anh đừng tưởng anh thành ‘thánh nhân’ đến nơi thật rồi. Anh hãy tạm lắng lại đôi bữa để nghe lời tâm can, phản biện đi anh.

Anh Đoàn thương! Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng trong cả tháng qua, là có nên nói gì về anh và với anh không? Bởi anh bây giờ ‘như một Đạo trưởng có cả hàng triệu đạo đồ cuồng nộ’. Còn về phía tôi, công việc không cần nổi tiếng, tôi không theo nghiệp viết, tôi không thuộc đội ngũ tuyên giáo, DLV, tôi là một người bình thường đến tầm thường.

Và tôi cũng nhận thức được, khi đụng đến idol của rất nhiều người, có thể sẽ gặp phải những phiền toái không đáng có. Tuy nhiên, lương tâm thôi thúc tôi ‘chạm tay, cào phím’. Tôi mong rằng, những ‘đạo đồ’ của anh không hỏi câu cũ rích: Mày đã làm được gì có ích cho cộng đồng và xã hội mà có quyền phê phán ngưởi tốt?

Thật ra, tôi đã và đang làm được rất nhiều đó, tỷ dụ như tôi làm công dân tốt, tự lao động chân chính, không phiền xã hội, không nhận từ thiện, không ăn bẩn, làm bậy. Xa hơn nữa, đôi khi có nhiều người chỉ ngồi yên không làm gì cũng là đã giúp ích cho nhân loại.

À mà anh Đoàn này! Còn một điều rất quan trọng mà người xưa đã nói: “Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện” (có nghĩa rằng: Làm việc thiện mà muốn người ta thấy thì điều thiện ấy không thật; Làm chuyện ác mà sợ người ta biết thì điều ác ấy sẽ lớn hơn).

Tôi đã âm thầm làm điều thiện theo khả năng nhỏ bé của mình, tôi không làm ‘trung gian từ thiện’, mà cái thuật ngữ trung gian được dân gian nôm na hoá nó bằng một từ ‘cò’. Tôi còn biết, có người làm từ thiện hàng chục tỷ nhưng họ không phô trương, lố bịch, không phiền đến ai. Và đậc biệt là họ không có ‘thánh chỉ phây’.

Ý tại ngôn ngoại’, dông dài với anh, người đọc cứ tưởng chừng nhạt toẹt và vớ vẩn. Nhưng, tôi viết tâm thư này chỉ mong nó sẽ đến được với một người (là anh) mà thôi. Vì vậy, tôi không quản được nhiều đến thế, tôi chỉ ước nó có một chút tác dụng đối với anh. Sau lưng, bãi bờ vẫn rộng lối lui anh à!

‘Thư bất tận ngôn’, tình cảm tôi dành cho anh luôn luôn lớn, tình người tôi thường trực sẵn có. Vì vậy, tôi đã chấp nhận dấn thân khi viết ra từ trái tim mình những điều như trên. Anh là người thông minh, anh tự biết nên làm gì cho trọn vẹn trước sau, trừ khi anh đang ấp ủ ‘một dụng ý khác’ to lớn, bài bản, dài hơi hơn.

Lời cuối thư với anh: Tôi mong là mình đã nghĩ sai, đã hiểu nhầm về anh. Bởi vì, thà tôi và một nhóm người nhỏ sai, vẫn hơn anh và một diện rộng người đang nhầm lẫn khái niệm thiện lương.

Chúc anh ‘chân cứng, dép tổ ong mềm’, trên những cung đường Tổ quốc Việt Nam mến yêu của chúng ta! Trân, kính thư.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20/4/2021

MỘT NGƯỜI ‘BÌNH THƯỜNG THÔI’

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây