Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đừng lấy cái mác ‘kinh tế tư nhân’ để phủi sạch công...

Đừng lấy cái mác ‘kinh tế tư nhân’ để phủi sạch công sức của Nhà nước

187
0

Xét trên cả khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, có thể khẳng định rằng, kinh tế nhà nước (KTNN) vẫn là lực lượng vật chất quan trọng hàng đầu để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Đừng lấy cái mác ‘kinh tế tư nhân’ để phủi sạch công sức của Nhà nước
Bạch Hoàn công kích, “dìm” kinh tế nhà nước

Được thời “dìm” kinh tế nhà nước

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh quan điểm thúc đẩy kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thế là đối tượng Bạch Hoàn vừa có bài cho đăng trên tài khoản cá nhân Facebook của mình rằng “KTNN thất bại, làm quốc gia khốn khổ”. Theo Bạch hoàn, thì phát triển KTTN là đúng. Nhưng tôi cho rằng, KTTN không thể chỉ dừng lại ở vai trò là “động lực quan trọng” cho sự phát triển, mà phải là trụ cột của nền kinh tế.

Ai cũng phải thừa nhận rằng, vai trò chủ đạo của thành phần KTNN chưa được phát huy một cách đầy đủ, còn nhiều nhiệm vụ chưa được thực hiện hiệu quả ở một bộ phận doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Thực tế cho thấy, nhiều DNNN đã sử dụng chính sách “kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực”, tham gia thành lập các ngân hàng, công ty tài chính, đầu tư bất động sản và chứng khoán, ít đầu tư vào lĩnh vực chính của mình. Trình độ kỹ thuật, công nghệ lạc hậu đã và đang là lực cản lớn đối với quá trình nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của không ít DNNN. Một số đơn vị hoạt động mang tính độc quyền còn cao, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường; sử dụng vốn nhà nước nhiều nhưng hiệu quả chưa tương xứng, làm tăng nợ nhà nước; một bộ phận DNNN còn chưa gắn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, một bộ phận DNNN còn bị “tai tiếng” bởi những vụ án tham nhũng kinh tế lớn, phức tạp thời gian vừa qua.

Đó chính là cơ sở để đối tượng này công kích KTNN. Bạch Hoàn dẫn chứng ra những hợp tác xã, những nông lâm trường quốc doanh và rêu rao rằng nền KTNN “đã không thể mang đến cơm no áo ấm cho quốc dân, những tập đoàn công nghiệp Vinashin, Vinalines… được tập trung nguồn lực trở thành quả đấm thép, nhưng lại thành ‘đấm xịt’.”

Nhưng nếu nói như Bạch Hoàn rằng “KTNN là một sự thất bại không thể chối cãi” là hoàn toàn sai lệch, phiến diện, mù quáng. Nói đúng hơn, Bạch Hoàn chỉ cố tình “nhìn một mà không nhìn hai”, bởi nhiều DNNN hiện vẫn đứng vững trên thị trường, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nắm các ngành kinh tế then chốt, đóng góp lớn cho ngân sách.

Càng không thể phủ nhận có những thời điểm KTNN đóng vai trò quan trọng để phát triển đất nước, khi mà khối tư nhân không nhiều người có vốn, có trình độ để tự phát triển trên một môi trường có “hạ tầng” kinh tế thấp kém. Góp phần thúc đẩy, tạo cơ chế tốt để thúc đẩy phát triển KTTN.

Kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò dẫn dắt

KTNN ở đây được hiểu là tất cả các tổ chức kinh tế trong đó nhà nước làm chủ đại diện toàn bộ hoặc phần lớn vốn sở hữu, giữ quyền thành lập và điều hành hoạt động. DNNN và nhiều đơn vị sự nghiệp khác là các tổ chức điển hình của KTNN.

Để tránh sự nhầm lẫn trong nhận thức giữa vai trò chủ đạo của thành phần KTNN với vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, Đảng đã khẳng định, thành phần KTNN không lãnh đạo các thành phần kinh tế khác mà “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.

Về cơ bản, vai trò chủ đạo của KTNN thể hiện trên một số phương diện chủ yếu sau: Một là, thể hiện ở trình độ công nghệ, trình độ quản lý, hiệu quả kinh tế – xã hội và năng lực cạnh tranh. Hai là, KTNN đóng vai trò hàng đầu trong việc khắc phục, hạn chế những bất cập của cơ chế thị trường. Ba là, KTNN độc quyền những lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia. Bốn là, KTNN là “công cụ” để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa…

Mặt khác, dù đã khẳng định được vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp vào GDP ngày càng tăng, song năng lực nội tại của các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN ở nước ta nhìn chung còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tập trung chủ yếu ở khâu gia công lắp ráp, mang lại giá trị gia tăng thấp, doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn ít. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc khu vực này tham gia liên kết với các doanh nghiệp FDI cũng như chuỗi liên kết sản xuất còn rất khiêm tốn.

Tức là, sự cần thiết của KTNN, DNNN thực ra không cần phải bàn cãi khi ở bất cứ đâu, không phải lúc nào khu vực KTTN cũng bảo đảm được cho nền kinh tế luôn khỏe mạnh. KTNN đóng vai “chính diện” và “gương mẫu” để làm đối trọng và dẫn dắt những thành phần kinh tế khác đi theo quỹ đạo chính là phục vụ lợi ích chung cho số đông và cho toàn xã hội, khắc phục được một khiếm khuyết chính của kinh tế tư bản chủ nghĩa là chỉ đáp ứng nhu cầu của người có tiền và bỏ qua nhu cầu của người nghèo hoặc những đối tượng thiệt thòi khác, chạy theo hiệu quả kinh tế là chính.

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung dù có lúc “bức xúc” với việc tài sản nhà nước, tài sản của dân trong DNNN bị thất thoát, lãng phí cũng phải thừa nhận: “DNNN đã, đang là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế trong thời gian tới. Bởi, có những lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn và không thể tham gia kinh doanh”.

Việc cần thiết lúc này là Chính phủ phải tiếp tục cơ cấu lại DNNN theo các tầng nấc, áp đặt DNNN hoạt động theo kinh tế thị trường; đổi mới quản trị và đẩy nhanh hơn cổ phần hoá, thoái vốn DNNN. Nhà nước chỉ làm những lĩnh vực mà tư nhân không làm. Cái gì tư nhân làm thì nhà nước không làm để tạo sự công bằng trong cạnh tranh.

Một thực tế đáng ghi nhận ở đây là từ 12.000 DNNN những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đến nay số lượng DNNN với 100% vốn nhà nước chỉ còn khoảng 500 đã là một sự chuyển đổi không hề nhỏ. Nếu thực hiện được mục tiêu còn 100 DNNN thì sự chuyển đổi này lại càng lớn.

Có thể nói, với những chủ trương, chính sách quyết liệt những năm qua, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực KTTN được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng. Vai trò chủ đạo của khu vực KTNN trong thời gian tới sẽ ngày càng được tập trung vào các nội dung và mục tiêu: ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô…

Xét trên cả khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, có thể khẳng định rằng, KTNN vẫn là lực lượng vật chất quan trọng hàng đầu để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây