“Việt Nam” là từ khoá được nhắc tới nhiều lần trong tuần qua khi cùng một thời điểm Việt Nam tham gia và chủ trì nhiều sự kiện quan trọng.
Đó là việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở tại HĐBA Liên Hợp Quốc; Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu cùng với hơn 40 nhà lãnh đạo quốc tế và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN. Ở mỗi sự kiện quan trọng này, Việt Nam đều thể hiện vai trò tích cực chủ động, đề xuất các sáng kiến mới cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức đang nổi lên.
Những thông điệp của Việt Nam
Việc lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên Thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” đã trở thành sự kiện điểm nhấn đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ lần thứ 2.
Thông điệp mà bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc truyền tải đến cộng đồng quốc tế trong phiên họp cấp cao này: Đó là chỉ có đối thoại và hợp tác, mới có thể giúp thế giới loại bỏ xung đột, chiến tranh và kiến tạo hoà bình. Những lời chúc mừng, những ý kiến đánh giá cao vai trò điều hành của Chủ tịch Việt Nam từ các nhà lãnh đạo toàn cầu, các đại biểu cho thấy sự tín nhiệm, sự tin cậy đối với Việt Nam, một thành viên quan trọng trong mái nhà chung LHQ.
Cùng với thành công của phiên Thảo luận mở Cấp cao HĐBA LHQ, thông điệp “Việt Nam quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phát thải bằng 0 và giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước” mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Khí hậu do nước Mỹ tổ chức, cũng đã nhận được sự hoan nghênh của đông đảo bạn bè quốc tế. Bởi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phát thải bằng 0 là xu thế tất yếu và là mệnh lệnh cấp bách để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C và là mục tiêu LHQ đang đề ra. Dù là nước đang phát triển nhưng Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu này.
Một điểm nhấn quan trọng khác thể hiện rõ dấu ấn Việt Nam trong tuần là thành công của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN. Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị ASEAN, Liên Hợp Quốc cùng Việt Nam và các đối tác khác ủng hộ và hỗ trợ nỗ lực của ASEAN trong tiếp cận và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho Myanmar.
Là nước Chủ tịch ASEAN 2020 và hiện là đại diện ASEAN duy nhất tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng tập trung vào thúc đẩy triển khai các định hướng hợp tác mà ASEAN đã thống nhất trong năm 2020, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của ASEAN trong giai đoạn hiện nay, nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống người dân, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, kể cả trên các vùng biển, để phục hồi và phát triển kinh tế.
Chia sẻ ý kiến của lãnh đạo các nước ASEAN về tình hình Myanmar và vai trò của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trên cương vị Ủy viên không thường trực và hiện đang là Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021, Việt Nam đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm ra giải pháp phù hợp cho tình hình Myanmar. Qua đó, đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn của LHQ cùng Việt Nam vận động các đối tác ủng hộ và hỗ trợ nỗ lực của ASEAN trong tiếp cận và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho Myanmar.
Một Việt Nam năng động trên diễn đàn quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực diễn biến phức tạp, dịch bệnh hoành hành, có thể nói 3 sự kiện quan trọng mà các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự đã thể hiện một vai trò mới, tích cực, năng động và dẫn dắt của Việt Nam phối hợp cùng cộng đồng quốc tế giaỉ quyết các thách thức toàn cầu.
Đây là lý do các nhà lãnh đạo cấp cao các chính phủ gửi lời chúc mừng Việt Nam và bày tỏ mong muốn thông qua Việt Nam, hợp tác chặt chẽ hơn svới ASEAN. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas Greenfield đã nói xin cảm ơn sự dẫn dắt của Việt Nam trong tháng chủ tịch Hội đồng Bảo an. Còn theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc sau phiên thảo luận, bản thân Tổng Thư ký, Ban Thư ký, các nước thành viên Hội đồng Bảo an, cũng như các nước không phải là thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá rất cao vai trò Chủ tịch của Việt Nam, từ việc chọn chủ đề, công tác chuẩn bị, đặc biệt là phong thái và điều hành của Chủ tịch nước.
Việc các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao vai trò và sự chủ động của Việt Nam cùng chung tay với các thành viên khác giải quyết các thách thức là một ví dụ khác. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 24/4, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã bày tỏ mong muốn Việt Nam hỗ trợ và đóng góp nhiều hơn nữa cho ASEAN hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực của Ban Thư ký ASEAN, khuyến khích sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Chương trình cử cán bộ tham gia thực tập tại Ban Thư ký ASEAN.
Dư luận báo chí khu vực cũng đã dành nhiều lời khen ngợi các thông điệp mà Thủ tướng Phạm minh Chính gửi tới hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN tại Indonesia. Kênh truyền hình “BeritaSatu” (Indonesia) dẫn lời “Tổng thống Jokowi gọi Việt Nam là bạn của Indonesia”.
Ở một góc nhìn khác, 3 hoạt động điểm nhấn trong tuần mà Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên các diễn đàn đa phương toàn cầu chính là cơ hội để Việt Nam gửi thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta tới cộng đồng quốc tế về những định hướng, tầm nhìn và khát vọng phát triển của đất nước do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.
Việc Việt Nam chủ trì Phiên họp mở cấp cao của HĐBA LHQ, việc Việt Nam được mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu toàn cầu do Tổng thống Joe Biden tổ chức; việc Việt Nam đưa ra những thông điệp quan trọng tại hội nghị cấp cao đặc biệt của ASEAN… một lần nữa thể hiện uy tín, vị thế của Việt Nam; phát huy vai trò, đóng góp có trách nhiệm cho các vấn đề về hòa bình, an ninh thuộc quan tâm chung của khu vực và quốc tế.
Qua đó, giúp thể hiện sự gắn kết giữa vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN với trọng trách Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021.
Hồ Điệp/ VOV
Nguồn: Cánh cò