Mảng đề tài chiến tranh cách mạng luôn nhận được sự quan tâm và có vị trí quan trọng đối với những người cầm bút và đông đảo bạn đọc.
Những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ thanh niên ngày này. Tuy nhiên, để phát triển mảng sách về đề tài này, theo nhiều nhà quản lý cần có những chiến lược cụ thể để thu hút các thế hệ nhà văn và bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ tuổi.
Sách về đề tài chiến tranh lưu giữ cảm xúc của thế hệ
Theo ông Dương Thanh Truyền – Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, dòng sách về đề tài chiến tranh luôn lưu giữ những cảm xúc của thế hệ. Ví dụ như nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Hồi ức lính… Tất cả đều là câu chuyện của một người, nhưng cái hay, cái đẹp, cái làm nên giá trị thực sự của những cuốn sách đó chính là cảm xúc của cả thế hệ. Đó là những cảm xúc có thật, không mua được bằng tiền, không chiếm đoạt được bằng quyền lực và không phải ai cũng có, thời nào cũng có.
Theo ông Dương Thanh Tuyền, chính văn học hay những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh đã giáo dục tinh thần yêu nước, nêu cao khát vọng cho thanh niên hôm nay. “Tôi luôn tin rằng thanh niên hôm nay vẫn một lòng yêu nước, vẫn luôn sẵn sàng tinh thần cống hiến cho đất nước… điều đó giúp cho chúng ta hướng thiện. Khi chúng ta đã sống được với cảm xúc thế hệ thì sẽ nuôi dưỡng cho mình sống tốt hơn, tử tế hơn”, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho hay.
Với mong muốn làm sách hướng đến thanh thiếu niên, đặc biệt là khơi dậy lòng yêu nước, thời gian qua, Nhà xuất bản Trẻ đã rất tâm huyết tổ chức xuất bản dòng sách về đề tài chiến tranh cách mạng. Bên cạnh những cuốn sách nói về chiến tranh của những nhà văn tên tuổi như Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bình Phương… Nhà xuất bản Trẻ còn tổ chức các bản thảo liên quan đến chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc.
Có những cuốn sách rất thú vị như cuốn “Hồi ức lính”, “Lính Hà”… Riêng về chiến tranh biên giới Tây Nam, Nhà xuất bản có làm một bộ 4 cuốn mang tên “Bốn mùa”. Các cuốn sách đó thuộc nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, truyện dài, ghi chép, hồi ức, bàn luận, nghiên cứu về chiến tranh… Mới đây, cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” đã được Nhà xuất bản Trẻ đeo đuổi và tìm cách để có thể phát triển đề tài.
Ông Dương Thanh Truyền cho rằng, để phát triển được văn học và sách thuộc đề tài chiến tranh cách mạng, cần phát triển mối quan hệ với các nhà văn, vận động khuyến khích các nhà văn sáng tác về đề tài này.
Chia sẻ thêm về dòng sách đề tài chiến tranh cách mạng, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết từ những năm đầu cuộc cách mạng cho đến các cuộc kháng chiến để giành độc lập, những ấn phẩm mang tính văn học vô cùng quan trọng. Một trong những thắng lợi lớn của chúng ta trong những năm tháng đấu tranh cho đến khi kết thúc chiến tranh năm 1975 là công tác tuyên truyền, trong đó văn học nói riêng đóng góp một vai trò vô cùng đặc biệt. Có những câu chuyện vô cùng xúc động về những cuốn sách đi vào chiến trường, trên chiến trường…
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết, thời gian gần đây ông có đưa lên Facebook một chương trường ca viết về những người lính. Cho đến tận bây giờ sau 50 năm kết thúc chiến tranh và những người tiếp cận nền văn học đương đại trên thế giới, nhưng những cảm xúc về chiến tranh vẫn vang dội. “Chính bản thân tôi đang thực hiện một cuốn sách viết về những người lính, những người bộ đội làng tôi. Bên cạch đó, là chân dung một người lính Mỹ mà tôi đã gặp, chứng kiến và tâm sự với họ. Tôi dựng lên cả hai chiến tuyến trong một tinh thần văn chương. Một bên là những người lính của làng quê tôi đã ra đi, đã chiến đấu có người trở về, có người đã hy sinh và một bên là những cựu binh Mỹ đã đến đây và cũng tiến hành cuộc chiến tranh và đã trở về Mỹ, tạo dựng một cách công bằng nhất”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Cần có một chiến lược xuất bản sách về đề tài chiến tranh
Có thể nói, mảng văn học và sách về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn phát triển từ những năm 1945, trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đặc biệt là sau năm Giải phóng năm 1975, mảng sách về đề tài này vẫn liên tục phát triển. Không chỉ những tác giả đã trải qua chiến tranh, mà cả những thế hệ sinh ra sau chiến tranh cũng cầm bút viết về đề tài này. “Bởi lẽ, chúng ta vẫn chưa thể nào lý giải trọn vẹn hết những vấn đề của chiến tranh, đặc biệt đối với Việt Nam, một dân tộc đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, thì cho đến bây giờ, văn học đề tài chiến tranh vẫn rất gần gũi, vẫn rất được quan tâm. Trong các cuốn tạp chí, những tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam hay những tờ báo khác thì những trang viết, những hồi ức, những ký ức, những khám phá mới về cuộc chiến tranh cách mạng nó vẫn được tiếp tục”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, cách đây vài năm, Nhà xuất bản Hội nhà văn đã xuất bản cuốn sách “Mười thế kỷ thơ viết về chiến tranh”, một số tác phẩm in trong cuốn sách này đã được một số Nhà xuất bản nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Colombia đã sử dụng và in lại. Đặc biệt, ở Colombia đã dành riêng Tạp chí “Ngọn lửa” để in trọn vẹn toàn bộ 100 bài thơ trong cuốn sách. Họ đặc biệt ấn tượng khi trong 100 bài thơ viết về chiến tranh ấy không nói về chết chóc, chỉ nói về khát vọng hòa bình và con đường những người dân Việt Nam đi đến hòa bình.
“Tôi nghĩ rằng, văn học cách mạng tại sao nó còn đến bây giờ, tại sao vẫn hấp dẫn người đọc, tại sao vẫn quyến rũ các thế hệ nhà văn khác nhau viết về nó, bởi nó chứa đựng một điều rất quan trọng là văn hóa về dân tộc đó, hay lý giải một lần nữa về sức mạnh của dân tộc đó trong lịch sử của mình”, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam bày tỏ.
Cũng theo Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, xã hội ngày càng phát triển, tính đa dạng của văn chương ngày càng mở rộng ra, nó bao gồm các thể loại. Ngày xưa chúng ta có văn xuôi, có thơ, các thể loại văn học cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhưng bây giờ mở rộng rất nhiều. Mỗi một con người, một thân phận, họ đều có thể viết, đôi khi chỉ là viết về căn phòng bé nhỏ riêng tư của họ, cho đến viết về một cộng đồng lớn… Đấy là bản chất của văn chương, nó đi vào những cái vi mô nhất, nhưng lại có thể chạm đến những cái vĩ mô nhất.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, mới đây, Nhà xuất bản Hội nhà văn đã có một chương trình làm việc với Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật Việt Nam liên quan đến nội dung tổng kết sách văn học viết về đất nước sau 50 năm thống nhất, trong đó có một phần văn học viết về chiến tranh cách mạng.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản thông qua các kênh thư viện, hệ thống xuất bản, hệ thống tư liệu để thống kê lại lượng sách nhà xuất bản đã cấp phép, đã in ấn về chiến tranh cách mạng. Thông qua đó khái quát nền văn học viết về cách mạng sau 50 năm thống nhất đất nước sẽ phát triển như thế nào, có diện mạo ra sao, tương lai đặt ra câu hỏi gì… Hiện Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang được trường Đại học Harvard trao đổi về một chương trình phỏng vấn lại những cựu binh Việt Nam trong thời đại này sau 50 năm kết thúc chiến tranh, họ mang theo ký ức gì đến tận bây giờ, họ đang nghĩ gì thêm về chiến tranh?…
“Những chương trình này, một là tổng kết văn học chiến tranh cách mạng sau 50 năm, hai là thực hiện dự án với một trường đại học lớn trên thế giới. Hai mảng đó rất lớn, sẽ cho chúng ta tư duy lại, hệ thống lại và hoạch định lại kế hoạch xuất bản cũng như sự sáng tạo về văn học chiến tranh”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, các nhà xuất bản hiện nay vẫn tiếp tục xuất bản các cuốn sách về chiến tranh, nhưng sách về đề tài này, tuy nhiên hầu như không có nhà xuất bản nào đặt nó như một chiến lược. Chúng ta vẫn có sách đặt hàng nhà nước về mảng đề tài này, nhưng việc đặt hàng này còn khá hời hợt.
“Tôi cho rằng, chúng ta nên có một chiến lược cụ thể giữa người đặt hàng với người nhận đặt hàng. Các cơ quan quản lý cần hoạch định và có một chiến lược rõ ràng cho sách viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Nếu chúng ta không nói cho người viết trẻ rằng văn học chiến tranh là gì, bản chất sâu thẳm tận cùng của chiến tranh là gì và chúng ta không đầu tư, không có chiến lược khích lệ nào nữa, thì dần dần người ta sẽ đi vào những đề tài dễ dàng hơn, thậm chí các nhà xuất bản cũng sẽ xuất bản những sách dễ dàng hơn để kinh doanh”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Nguồn: Báo Tin tức