Địa đạo xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) dài 11km, được xây dựng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địa đạo Nam Hồng là nơi che giấu nhiều cán bộ xã, huyện nằm vùng, nơi hoạt động bí mật của du kích và được coi là hệ thống địa đạo đầu tiên trong lịch sử các cuộc kháng chiến của nước ta.
Video về địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp trong lòng Hà Nội:
Cả địa đạo dài khoảng hơn 11km giờ chỉ còn giữ được khoảng 200 mét, chạy qua lòng đất của một số gia đình. Trong số hàng chục cửa hầm lên xuống địa đạo, hiện chỉ còn hai cửa hầm, trong đó, một cửa nằm ở nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm nằm ở góc nhà cụ Phạm Văn Dộc.
Ngôi nhà cụ Phạm Thị Lai, nơi lưu giữ một trong hai cửa hầm còn sót lại đến ngày nay.
Địa đạo được đào bí mật dưới gầm giường, bờ ao, bờ lũy. Lối xuống địa đạo qua cửa hầm dưới gầm giường nhà bà Lai khá nhỏ, chỉ đủ cho một người lớn đi. Có một chiếc thang sắt gắn vào vách hầm để lên xuống. Hầm nằm sâu dưới mặt đất hơn 1 mét, bom nổ bên trên không làm sập được; chiều cao hầm từ 60 – 80 cm, rộng khoảng 50 cm. Bên dưới địa đạo là một đoạn tường được xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm. Một đoạn địa đạo khác, hiện được chính quyền và cơ quan chức năng đặt những tấm bê tông cốt thép lớn ở hai bên và trên đỉnh với mục đích chống sập.
Năm 2000, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đầu tư khôi phục 200m địa đạo, 100m giao thông hào, hầm bí mật, bàn chông, cạm bẫy, cổng làng, hộp thư…Địa đạo này hiện nay ít người đến nên rất ẩm thấp.Địa đạo tại nhà cụ Phạm Văn Dộc khá cao, một người lớn có thể đi khom được.Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên địch, làm bị thương 153 tên, 135 tên phải quy hàng.Bên ngoài bức tường nhà cụ Dộc vẫn còn tấm bia đá ghi dòng chữ: “Nơi đây, đồng chí Trần Xuyên, Chính trị viên thôn – đội du kích đã hy sinh sau gần 1 ngày cùng đồng đội đánh trả 1 tiểu đoàn địch vây càn”.
Nguồn: Báo Tin tức