Trang chủ Luận bàn - Phản biện ‘Cà cuống chết đến ức còn cay’

‘Cà cuống chết đến ức còn cay’

228
0

30/4 đã là ngày đánh dấu sự thống nhất đất nước, kết thúc của cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, đưa giang sơn thu về một mối. Thế nhưng, cứ đến dịp quân và dân ta tổ chức kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các tổ chức phản động, những kẻ lưu vong, hận thù dân tộc lại kêu gào: “Ngày Quốc hận” và xuyên tạc về vấn đề hòa hợp dân tộc.

‘Cà cuống chết đến ức còn cay’
Trang Nhật ký yêu nước lại tiếp thêm hận thù dân tộc khi tiếp tục truyền tải những bài viết mang tính chất xuyên tạc, kích động

Luận điệu cũ rích về cái gọi là “ngày quốc hận”

Sau 46 năm, Việt Nam – Hoa Kỳ từ hai bên chiến tuyến đã bình thường hóa quan hệ (từ 1995) và tới nay đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Khi nhìn lại thực tế lịch sử, một số thông tin hải ngoại đã bóp méo sự thực, cho rằng chúng ta không thể hòa hợp dân tộc, còn hố sâu ngăn cách.

Mới đây, trang Nhật ký yêu nước lại cổ súy cho một số đối tượng có tư tưởng thù địch khi đăng bài viết có tiêu đề “Nghĩ về nỗi sợ hãi và hòa giải dân tộc” từ tài khoản của đối tượng Thái Hạo. Theo đó, Thái Hạo viết rằng, cuộc chiến tranh Nam – Bắc đã đi qua gần nửa kỷ mà mặc cảm còn đè nặng thành những lễ kỷ niệm, thành những khúc hoan ca, thành “ngày quốc hận”, thành những trận chiến bất tận trên mạng xã hội.

Từ đó, đối tượng này đưa ra luận điệu “trên trời” là có một cái gì rất dễ đổ vỡ trong các mối quan hệ Việt. Nói người Việt phải “bất hòa với nhau từ lâu xa trong quá khứ chứ không phải từ 54 hay 75?”, “Bất hòa từ trong gia đình đến họ tộc, làng xóm”; “bất hòa từ trong nhà ra đồng lúa, từ tông tộc đến xã hội”… Hình như nỗi sợ hãi mới chính là “bản sắc” của nòi giống? Mặc cảm nghèo hèn, mặc cảm nhược tiểu, mặc cảm dốt nát…đè nặng lên dân tộc suốt trường kỳ lịch sử?

Lộng ngôn hơn, chủ tài khoản mạng xã hội có tên Thái Hạo còn phán rằng: “Phải chăng, chúng ta là một dân tộc “dũng cảm” như lời tụng ca? Đây là tiếng chuông báo điểm sự suy tàn tột độ của một xã hội.”

Ấy thế là, Thái Hạo tự đưa ra giải pháp để hàn gắn sự bất hòa của dân tộc như: Muốn hàn gắn dân tộc, trước hết cần tự hàn gắn những vết thương do mặc cảm gây nên. Và bên cạnh tất cả những điều ấy, có lẽ chúng ta cần một nỗi đau chung thay cho niềm tự hào? Trên tinh thần đó, sự hòa giải không phải chỉ là câu chuyện Nam – Bắc, mà căn bản hơn là câu chuyện của con người với con người, nhìn như lịch sử của cả một cộng đồng trong suốt chiều dài văn hóa của nó.

Có điều, đối với cá nhân những người con yêu nước, có tinh thần tự tôn dân tộc… thì những luận điệu như Thái Hạo cùng những đối tượng thù địch cùng chung hệ tư tưởng nói trên chỉ là một cái thứ tư tưởng thù hằn, hận thù dân tộc, xuyên tạc, phủ nhận bản chất tốt đẹp của chế độ.

Cái luận điệu đó y như của những kẻ tay sai bán nước năm xưa trốn chạy ra nước ngoài, sống lưu vong ở các nước cấu kết, hô hào dựng lên hội này, nhóm nọ, tổ chức kia rêu rao, gào thét rằng 30/4 là “ngày quốc hận” vậy.

Cần nhận thức rõ về vấn đề hòa hợp dân tộc ở Việt Nam

30/4 đã là ngày đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, đưa giang sơn thu về một mối.

Ngay những người “phía bên kia”, từ người lính Mỹ trực tiếp tham chiến cho đến các quan chức Mỹ, những “đạo diễn” của cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam đã phải thừa nhận: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản Việt Nam…” (Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ).

Còn, Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong cuốn hồi ký, tựa đề “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995 đã thẳng thắn thừa nhận 11 sai lầm mà Hoa Kỳ đã phạm phải trong cuộc chiến tranh này. Ông viết: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”…

Rõ ràng, từ những thừa nhận đó không khác gì người Mỹ chính thức công nhận chiến thắng 30/4 là thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần dân tộc quật cường. Khát vọng hòa bình của một dân tộc yêu nước chưa bao giờ khuất phục trước đế quốc, ngoại bang xâm lược, niềm tự hào của tộc Việt Nam, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới.

Trái ngược với khí thế hào hùng, hân hoan, niềm vui bất tận của quân và Nhân dân cả nước trong ngày đại thắng; cảnh tượng tướng tá, binh lính chế độ Việt Nam Cộng hòa giẫm đạp lên nhau, cuống cuồng bu bám càng máy bay, tô tô…của “quan thầy” cố chạy sang nước Mỹ. Cảnh tượng hỗn loạn, bệ rạc này được nhiều thước phim, hình ảnh ghi lại. Đặc biệt, thời khắc lịch sử ấy đã được nhà văn Nguyễn Trí Huân phản ánh chân thực trong Tiểu thuyết “Năm 1975 họ đã sống như thế” (NXB Quân đội nhân dân, 1979)…

Cuộc chiến đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, những người lính ở hai bên chiến tuyến đã có cách nhìn khác trước và mang tính thiện chí, hướng theo dòng chảy thời đại. Với những người Việt ra đi sau năm 1975, tinh thần hướng quốc, hướng về đất Mẹ là cội nguồn giúp từng bước xóa bỏ những định kiến, hận thù…

Thực tiễn cũng cho thấy, Việt Nam sau 46 năm, từ khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất đất nước, nhân dân đã đoàn kết, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam độc lập, phát triển bền vững. Và cho đến nay, những thành tựu đã đạt được về kinh tế, về xã hội – trong đó có sự trở về của hàng ngàn kiều bào Việt Nam được đất nước dang tay đón nhận – đã và đang là minh chứng cho tình yêu Tổ quốc và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, vấn đề hòa hiếu, hòa hợp dân tộc chính là truyền thống nhân nghĩa, nhân văn có từ lâu đời của dân tộc ta. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời kỳ nào cũng nảy nòi những kẻ ăn ở hai lòng, gặp thế gian nan thì trở cờ theo giặc. Nhưng không thể vì một vài thiểu số, mà có thể quy kết rằng cho cả một dân tộc “bất hòa”. Và ngay cả đối với những con người từng quay lưng với đồng bào, thì dựa nền tảng nhân nghĩa “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại” luôn giúp dân tộc ta có cách hành xử độ lượng, bao dung với đối tượng này khi họ nhận thấy được sai lầm của mình.

Nói về tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, người viết xin viện dẫn lời trong thư chúc Tết kiều bào đầu năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế”.

Vậy thì, cớ chi, những Thái Hạo và những người cùng hệ tư tưởng “ôm mộng chế độ cũ” lại không biết ăn năn, sám hối mà cứ muốn xảo trá “đổi trắng thay đen”? Cố tình xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, gieo rắc hận thù, làm lung lạc tinh thần hòa hiếu hòa hợp dân tộc của người Việt Nam.

Như vậy há chẳng phải, họ chính là những đối tượng, tổ chức luôn đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Đã không biết “quay đầu là bờ” mà còn tiếp tục tru tréo những luận điệu cũ, phi lý. Càng đáng lên án khi những trang mạng mang danh ‘Nhật ký yêu nước’ lại tiếp sức cho những luận điệu đó.

Thật đúng là “cà cuống chết đến đít còn cay”!

Sông Trà

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây