Trang chủ Chính trị Ngày 18/4/1975, Tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Thuận

Ngày 18/4/1975, Tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Thuận

161
0

Bình Thuận là tỉnh cực Nam của Nam Trung bộ, giáp với Ninh Thuận từ phía Bắc, Long Khánh từ phía Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận chia làm hai tỉnh là Bình Thuận và Bình Tuy. Tại thị xã Phan Thiết – tỉnh lỵ Bình Thuận – quân đội ngụy quyền Sài Gòn xây dựng hệ thống cứ điểm quân sự mạnh nằm trong tuyến phòng thủ Phan Rang – Phan Thiết – Xuân Lộc. Sau khi Phan Rang thất thủ, Phan Thiết trở thành chốt chặn tiền tiêu của chính quyền Sài Gòn từ hướng Đông.

Ngày 18/4/1975, Tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Thuận
Đoàn quân giải phóng trên quốc lộ I từ Nha Trang tiến về giải phóng miền Nam. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Đêm 17 rạng ngày 18-4- 1975, phối hợp với các lực lượng tại chỗ, các đơn vị Quân đoàn 2 giải phóng 4 quận lỵ: Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao và Hòa Đa. Chiều và đêm 18- 4-1975, Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 và các đơn vị binh chủng phối hợp với Trung đoàn 812 của Quân khu 6 và Tiểu đoàn 15 tỉnh Bình Thuận tiến công các mục tiêu then chốt, các cơ quan đầu não chỉ huy địch. Khoảng 20 giờ ngày 18- 4, Lữ đoàn 203 của Quân đoàn 2 và lực lượng tại chỗ đã vượt qua cầu Phú Long tiến vào Phan Thiết. Suốt ngày 18-4, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Bình Thuận cho pháo 105, ĐKB, H12 pháo kích mạnh mẽ vào tiểu khu Bình Thuận, Căng Ê-xê-pic, Lầu Ông Hoàng gây sát thương cho địch, tạo ra nhiều đám cháy nổ lớn, khiến cho địch phải hoang mang rối loạn; góp phần tích cực cho đại quân tiến vào Phan Thiết. 22 giờ 30 phút ngày 18-3-1975, thị xã Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận được hoàn toàn giải phóng.

Tại Xuân Lộc, Quân đoàn 2 ào ạt đánh qua tỉnh Bình Tuy, tiến về phía Xuân Lộc. Tại đây, các trận đánh diễn ra ác liệt. Sư đoàn 341 chiếm được trung tâm thông tin, Ty cảnh sát, bến xe… Sư đoàn 7 tiến công hướng đông thị xã. Bộ Tư lệnh Miền và Quân đoàn 4 quyết định chuyển cách đánh, đánh các đơn vị địch đến phản kích ở vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, cắt đường số 2 đi Bà Rịa. Sư đoàn 6 của Quân khu 7, Trung đoàn 95 tiến công Chi khu Túc Trưng, Kiên Tân, diệt Trung đoàn 52, đánh lui Lữ đoàn 3 kỵ binh, chiếm ngã ba Dầu Giây. Đường số 1 từ Biên Hòa đi Xuân Lộc bị cắt đứt, thị xã Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây cô lập. Sau khi biết tin phòng tuyến Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân đã bị quân giải phóng đánh chiếm, tướng ngụy Lê Minh Ðảo đề nghị rút bỏ Xuân Lộc.

Ngày 18-4-1975, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng và Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Thủ Dầu Một ra lời kêu gọi: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các cấp, các ngành, các vùng hãy phát huy cao độ vai trò tiên phong gương mẫu, kiên cường, bất khuất đạp bằng mọi gian khổ hy sinh quyết cùng đồng bào liên tục tấn công đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành toàn bộ chính quyền trong tỉnh về tay nhân dân”. Cả thị xã và các nơi trong tỉnh sục sôi khí thế cách mạng tiến công với quyết tâm cao nhất “giành chính quyền về tay nhân dân”.

Liên tục từ ngày 18 đến 25-4-1975, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh phân công cán bộ xuống các đơn vị tập trung của tỉnh, huyện, trực tiếp giao nhiệm vụ chiến dịch cho cơ quan, đơn vị, đồng thời phối hợp các ngành kiểm tra công tác chuẩn bị mọi mặt của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến dịch đề ra.

Thời cơ quân sự, chính trị để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn – Gia Định đã chín muồi

* Ngày 18-4-1975, Bộ Chính trị điện khẩn cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thời cơ quân sự, chính trị để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn – Gia Định đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể để chậm. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc thắng. Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định toàn thắng.

* Thực hiện ý định chiến dịch của Quân đoàn 1, ngay trong đêm 18-4, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 320B vượt rừng bí mật cơ động lực lượng vào các vị trí mới thuộc địa phận chiến khu Ð. Cùng thời gian này, để bảo đảm cho bộ binh cơ giới của Quân đoàn 1 cơ động vào phía nam sông Bé, Lữ đoàn Công binh 299 đã triển khai thi công ngầm Bến Bầu qua sông Bé, với khối lượng đào đắp hơn 2.000m3. Bên cạnh đó, đơn vị còn sửa chữa, mở rộng và nâng cấp nhiều tuyến đường vừa bảo đảm tiến độ vừa phải giữ bí mật để bảo đảm mở đường nhanh cho các lực lượng vào vị trí tập kết đúng thời gian.

Ngày 18/4/1975, Tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Thuận
Bộ đội Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 làm chủ chi khu quân sự Bình Thuận

* Ngày 18-4, Quân khu 9 nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho Quân khu: từ 26-4, phải khống chế được hoàn toàn sân bay Trà Nóc, giải phóng và chiếm được hoàn toàn một đến hai đoạn trên lộ 4. Khi đòn chiến lược của miền bắt đầu thì chớp thời cơ giải phóng thành phố Cần Thơ.

* Ngày 18-4-1975, Tổng thống Mỹ G.Ford ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Việt Nam và đến ngày 23-4 thì tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ”.

T/h


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây