Trang chủ Chính trị Ưu tiên của nữ Bộ trưởng Nội vụ, tân Bộ trưởng Tài...

Ưu tiên của nữ Bộ trưởng Nội vụ, tân Bộ trưởng Tài chính là gì?

133
0

Bộ trưởng Nội vụ tập trung xây dựng thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, tính giản biên chế, còn Bộ trưởng Tài chính ưu tiên siết chặt kỷ luật ngân sách, giải quyết vấn đề nợ công.

Nhận được tín nhiệm từ đại biểu và được Quốc hội phê chuẩn giữ cương vị tư lệnh ngành hôm 8/4, nhiều bộ trưởng đề ra chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ưu tiên của riêng mình.

Họ cam kết tiếp tục hoàn thiện công việc dang dở của người tiền nhiệm và phát huy tốt hơn thành quả nhiệm kỳ qua.

Tiếp tục tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức Đây là nhiệm vụ được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập khi chia sẻ với Zing. Bà là nữ Bộ trưởng đầu tiên sau 75 năm thành lập ngành nội vụ.

Nữ Bộ trưởng cho biết bà bắt đầu nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng vì nền tảng của khóa vừa rồi xây dựng rất tốt và vững chắc. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Nội vụ tập trung 4 nhiệm vụ.

Thứ nhất, ngành nội vụ xây dựng thể chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động và minh bạch, phục vụ người dân tốt hơn. Đó là nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với đó, Bộ sẽ quan tâm, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn và điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển.

Ưu tiên của nữ Bộ trưởng Nội vụ, tân Bộ trưởng Tài chính là gì?
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ưu tiên trong tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Hoàng Hà.

Hai là tập trung cao cho vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy, nhất là đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trong hệ thống chính trị. Theo bà Trà, đây là một trong những nhiệm vụ rất nặng nề, cần được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn nữa với mục tiêu tinh gọn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.

Ba là quan tâm thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm và nâng cao chất lượng. Cùng với cơ cấu, phải tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công vụ.

“Bộ Nội vụ sẽ có giải pháp để đội ngũ cán bộ công chức phát huy được trách nhiệm, năng lực, thực hiện tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp nhưng tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy hết lòng, hết sức phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là tập trung xây dựng nền văn hóa công vụ”, tân Bộ trưởng Nội vụ nói.

Nhiệm vụ thứ tư là quan tâm thực hiện thúc đẩy phân cấp, phân quyền; tăng thanh tra, kiểm tra để nâng chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực của ngành; trong đó vừa kiểm tra, thanh tra, vừa quản lý chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới của đất nước, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Riêng vấn đề xây dựng chế độ tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức có thể sống được bằng lương thì không chỉ Bộ Nội vụ hay lãnh đạo Bộ, mà là trăn trở chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, bà Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận.

Theo bà, việc này đã được đề cập trong Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương nhưng vừa qua, do tác động của nhiều yếu tố, cụ thể do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc tăng lương phải tạm dừng đến sau năm 2022. Song, mục tiêu xuyên suốt là sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức.

Siết chặt kỷ luật, giảm bội chi và nợ côngTân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ việc được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính “là vinh dự lớn, nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề”.

Ông đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện chiến lược ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung phát triển kinh tế, giảm bội chi ngân sách và giảm nợ công; đồng thời, đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Ưu tiên của nữ Bộ trưởng Nội vụ, tân Bộ trưởng Tài chính là gì?
Tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ tập trung siết chặt kỷ cương ngân sách, giảm bội chi và nợ công. Ảnh: Thuận Thắng.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh nhiệm vụ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề thu chi ngân sách, khai thác những khoản thu tiềm năng; tránh thất thu ngân sách.

Để giải quyết vấn đề nợ công, tân Bộ trưởng cho rằng phải tập trung sử dụng nguồn vay một cách có hiệu quả nhất bằng cách thúc đẩy tiến độ xây dựng của các công trình và nhanh chóng đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả, tạo ra sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần phải tiết kiệm chi, tức là chi một cách hiệu quả.

Nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là tiếp tục giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước; công khai, minh bạch, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tháo gỡ nút thắt nền kinh tế, tăng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính là cơ quan đa ngành, đa nghề với rất nhiều lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp, do đó, ông Hồ Đức Phớc cho rằng các chính sách tài chính vừa phải đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vừa phải vì sự phát triển của đất nước, vì dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính cùng với Chính phủ cũng sẽ tập trung khơi dậy và huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội để xây dựng nguồn lực tài chính quốc gia ngày càng phát triển”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Hoài Thu


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây