Trang chủ Luận bàn - Phản biện Quốc hội khóa cũ có phải là người bầu lãnh đạo khóa...

Quốc hội khóa cũ có phải là người bầu lãnh đạo khóa mới?

183
0

Việc kiện toàn một số chức danh Nhà nước, đặc biệt là vị trí Chủ tịch Quốc hội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị ráo riết tung ra các thông tin sai lệch trên thế giới mạng xã hội làm hoang mang dư luận.

Quốc hội khóa cũ có phải là người bầu lãnh đạo khóa mới?
Luận điệu xuyên tạc của Việt Tân.

Xung quanh việc kiện toàn công tác nhân sự của Quốc hội khóa XIV, nhiều đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị là đưa ra các nhận xét, đánh giá, bình luận sai trái, chủ quan, phiến diện nhằm công kích hoạt động của Quốc hội Việt Nam và tấn công vai trò lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, một số trang báo nước ngoài có cái nhìn lệch lạc, phiến diện với Việt Nam như BBC, VOA, RFA, RFI v.v… cũng a dua cùng các đối tượng cơ hội chính trị trong nước để lan truyền các bài viết có nội dung không trung thực về vấn đề trên.

Trên facebook tên Thach Vu, người này viết: “Chủ tịch Quốc hội không được phép ngồi cho đến hết nhiệm kỳ của mình (mãn nhiệm) mà luôn bị lôi cổ xuống (miễn nhiệm) dù chỉ còn 2 tháng nữa. Chủ tịch Quốc hội mới được bầu vào CUỐI nhiệm kỳ cũ, bởi những đại biểu chỉ còn 2 tháng nữa là hết trách nhiệm Đảng biết trước Chủ tịch Quốc hội mới CHẮC CHẮN sẽ được dân bầu vào làm đại biểu QH dù 2 tháng nữa cuộc bỏ phiếu mới diễn ra”. Sau đó, bài viết đã được Việt Tân cùng một số con buôn chính trị khác tiếp tay lan truyền gây nhiễu loạn thông tin.

Đỗ Ngà, một “con buôn chính trị” khét tiếng với khả năng xuyên tạc không giới hạn rêu rao cho rằng: “Với kịch bản chắp vá kiểu “’râu ông cắm cằm bà’, ĐCS đã cho Quốc hội khóa 14 bầu Chủ tịch Quốc hội khóa 15… Quốc hội khóa trước lại bầu ra Chủ tịch nước và Thủ tướng cho khóa sau”.

Hay trang mạng Chân trời mới media lại đăng tải bài viết của Trân Văn (một “ngòi bút máu” tại VOA Tiếng Việt) với luận điệu vô cùng kệch cỡm: “Quốc hội Việt Nam khóa 14 vừa có tân Chủ tịch và ba tân Phó Chủ tịch… Tuy nhiên sự kiện thuộc loại… cổ lai hi đó vẫn chưa khôi hài và đáng ngán bằng việc tân Chủ tịch và ba tân Phó Chủ tịch vừa đắc cử ở Quốc hội khóa này (2016 – 2021) chắc chắn sẽ là… Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của… Quốc hội khóa sau (2021 – 2026)”.

Các đối tượng này đang cố tình tạo ra sự lầm tưởng cho quần chúng nhân dân rằng Quốc hội khóa cũ bầu ra lãnh đạo cho Quốc hội khóa mới; Quốc hội khóa XV do người dân bầu ra trong tháng 5 tới đây sẽ không có bất kỳ vai trò, vị trí nào đối với công tác nhân sự. Từ đây, các “loa làng dân chủ” quy chụp công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước ta là không hợp Hiến, có sự “chia chác” quyền lực, “xếp ghế” giữa các phe nhóm.

Đối với việc kiện toàn một số chức danh chủ chốt tại Hội nghị 11, Quốc hội XIV cần hiểu rõ như sau:

Thứ nhất, việc kiện toàn nhân sự là hoàn toàn hợp Hiến, hợp pháp. Trong các quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội được quy định tại Điều 70 của Hiến pháp có nội dung: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ…”. Vì vậy, việc miễn nhiệm đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và bầu ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch quốc hội là hoàn toàn đúng quy định. Sau Đại hội XIII của Đảng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một số lãnh đạo cấp cao khác không tham gia Bộ Chính trị. Vì vậy, việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo là để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng đối với các hoạt động của đất nước.

Thứ hai, không có việc Quốc hội khóa trước bầu lãnh đạo cho Quốc hội khóa sau. Việc kiện toàn nhân sự hiện tại là phục vụ Quốc hội khóa XIV. Nhiệm kỳ của Quốc hội là 5 năm, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Do đó, việc kiện toàn nhân sự hiện tại là phục vụ cho giai đoạn 2016 – 2021. Sau khi Quốc hội XV được bầu ra, Quốc hội khóa mới sẽ bầu ra Chủ tịch Quốc hội cũng như các nhân sự giai đoạn 2021 – 2026 thuộc thẩm quyền bầu, phê chuẩn của mình theo đúng quy định của Hiến pháp. Do đó, nếu các cán bộ, lãnh đạo đã được kiện toàn tại Hội nghị 11, Quốc hội khóa XIV không là đại biểu Quốc hội (đối với các chức danh yêu cầu phải là đại biểu Quốc hội) hoặc không được Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn thì cũng chấm dứt nhiệm vụ, được phân công công tác khác.

Thứ ba, công tác nhân sự nước ta được thực hiện chặt chẽ, khách quan, dân chủ, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Hiểu sâu sắc nhất về việc nếu muốn củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng thì chính Đảng phải tự nâng cao năng lực của bản thân. Các nhân sự được tin tưởng giao phó các trọng trách quan trọng đều đã được sàng lọc, thử thách trong một thời gian dài, có năng lực, uy tín và khả năng quản lý, lãnh đạo. Tất cả các hoạt động trong công tác nhân sự đều vì mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.

Mỗi người dùng mạng xã hội phải hết sức cẩn trọng trước các thông tin độc hại đang được các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị rêu rao. Nếu nhẹ dạ, cả tin, người dùng mạng xã hội sẽ rất dễ bị mắc bẫy thông tin, trở thành quân cờ bị các đối tượng xấu “dắt mũi”, tiếp tay cho các sai phạm.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây