Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính được thừa hưởng nhiều di sản nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt về cải cách thể chế, để hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển ở tầm cao.
Nền tảng di sản
Phát biểu lần cuối cùng trước Quốc hội trong vai trò là người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhớ lại một kỷ niệm ông nêu khi nhậm chức.
Lúc đó, Thủ tướng nêu một thực trạng: Quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ đứng thứ 48 trên thế giới, không tương xứng với quy mô dân số đứng thứ 14.
Bảng xếp hạng này đã thay đổi sau 5 năm trong nhiệm kỳ Chính phủ. Theo IMF, GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia 336,5 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN và đứng thứ 37 thế giới.
Ông nói: “Năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam tăng khoảng 1,4 lần so với của năm 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm… Chúng ta rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc, vượt qua 11 quốc gia, đứng thứ 37 thế giới”.
Ông Phúc gửi gắm: “Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045”.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã để lại một số thành tựu kinh tế, trong đó nổi bật ở 3 lĩnh vực.
Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm nợ công xuống mức thấp, tăng xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ, tạo dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai là cải cách thể chế kinh tế, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chính phủ điện tử. Chính phủ đã xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con, đơn giản hóa một nửa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Thứ ba là hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, vừa mở ra thị trường mới, vừa tạo áp lực để tiếp tục cải cách trong nước.
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đồng tình và bổ sung: “Những nền tảng này đã tạo nên những năng lượng mới tích cực cho người dân, doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Vị thế của Việt Nam đã có bước tiến tích cực rất đáng kể trên trường quốc tế”.
Bên cạnh đó, di sản của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để lại cho nhiệm kỳ sau là thành tích chống dịch khá thành công, giúp nền kinh tế không bị phong tỏa quá nhiều lần. Nhờ đó, triển vọng phát triển kinh tế của đất nước khá hứa hẹn qua hàng loạt đánh giá của các định chế tài chính quốc tế.
Ví dụ, ngân hàng Standard Chartered nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam ổn định và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021; Fitch dự báo GDP có thể tăng trưởng tới 7,5% trong năm 2021; tổ chức Euromonitor còn dự báo tăng trưởng lên đến 11% trong năm nay.
Các thách thức phát triển
Những nền tảng kinh tế và vị thế đất nước ngày nay, muốn nói gì thì nói, phải là kết quả của biết bao nỗ lực của nhiều thế hệ đi trước trong đấu tranh giữa cái cũ và mới, giữa cái đổi mới và lạc hậu trong suốt hành trình dài kể từ khi bắt đầu Đổi mới và mở cửa cách đây 35 năm.
Trong hành trình đó, nền kinh tế đến nay vẫn ở giai đoạn chuyển đổi với nhiều khiếm khuyết, lạc hậu cần nhận diện để khắc phục, vươn lên. Chẳng hạn, tốc độ phát triển kinh tế, dù cao bậc nhất thế giới, đang chững lại.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, từ 7,34%/năm giai đoạn 1991-2000 xuống còn 6,82%/năm giai đoạn 2001-2010, và ước 5,9% giai đoạn 2011-2020 thấp xa so với mục tiêu bình quân phải tăng từ 7-8%/năm của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.
Tốc độ tăng trưởng Việt Nam thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ phát triển. Tính từ năm 1990 đến nay, Việt Nam mới chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân 8,21%/năm có 5 năm trong giai đoạn 1991-1995. Các nước khác trong giai đoạn có trình độ tương đương của Việt Nam hiện nay đều duy trì được tốc độ tăng trưởng rất cao trong một thời gian tương đối dài.
Ví dụ, Hàn Quốc tăng trưởng GDP trung bình đạt 9,58%/năm trong 30 năm (1960-1990), có 14 năm tăng trưởng trên 10%; cao nhất đạt 14,8% (năm 1973); quy mô kinh tế theo giá USD cố định năm 2010 tăng 15,4 lần, theo giá hiện hành tăng hơn 70 lần. Trung Quốc trong 30 năm cải cách và phát triển (1977-2007), tăng trưởng GDP bình quân là 10,02%/năm; mức tăng trưởng cao nhất (năm 1984) là 15,14%; có 15 năm tăng trưởng GDP đạt hơn 10%.
Như vậy, so với thành tích tăng trưởng trong quá khứ của chính chúng ta cũng như các nước láng giềng, tăng trưởng hơn một chục năm nay đều kém xa, thụt lùi.
Để minh họa rõ nét thách thức tăng trưởng, xin nêu một thực tế là chỉ trong vòng 30 năm, một số quốc gia trong khu vực đã vươn lên thành nước công nghiệp phát triển và có GDP đầu người ở mức cao.
Ví dụ, GDP/đầu người của Hàn Quốc là 100 USD vào năm 1960, đến năm 1990 tăng lên 6.516 USD, tức tăng gấp hơn 65 lần trong 30 năm. Đến năm 2020, GDP của họ đã là hơn 31.000 USD/người.
Cũng tính cho khoảng 30 năm, GDP đầu người của nước ta chỉ tăng từ khoảng 100 USD năm 1990 lên 2.750 USD năm 2020, tăng gấp hơn 27 lần. Dù mức tăng trưởng duy trì cao, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất hiện hữu.
Nút thắt và bệ phóng
Nghị quyết Đại hội Đảng 13 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 5.000 USD đến năm 2025.
Mục tiêu tăng trưởng như vậy là thấp hơn so với 7-8% của giai đoạn trước, nhưng vẫn rất thách thức trong bối cảnh Covid hoành hành, kinh tế thế giới bất định và nền kinh tế đang đối diện với nhiều nút thắt mang tính cơ cấu không tháo gỡ nổi trong nhiều năm.
Tham khảo thêm
TS Trần Đình Thiên góp ý: “Vấn đề trọng tâm nhất trong xây dựng thể chế cho phát triển cấu trúc mới, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập mà chúng ta đang còn ‘nợ’”.
Ông Thiên nhận xét, 5 thị trường nhân tố sản xuất (đất đai, lao động, năng lượng, khoa học công nghệ, hàng hóa) cần phát triển thực chất và khu vực kinh tế tư nhân phải phát triển lành mạnh để thúc đẩy nền kinh tế thị trường.
Theo ông, trong 5 loại thị trường, chỉ có thị trường tiêu dùng phát triển theo quy luật thị trường, còn tất cả các thị trường khác rất méo mó.
Cần đặt câu hỏi tại sao thị trường tư liệu sản xuất khó phát triển, trong khi thị trường tiêu dùng lại phát triển dễ dàng?
Nhận thức về phát triển thị trường kém, cơ chế phân bổ nguồn lực không tuân theo nguyên tắc thị trường, cơ chế xin cho còn phổ biến, tư duy kế hoạch tập trung làm các thị trường vận hành thiếu đồng bộ, ông nói.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, điểm yếu cốt tử của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn lực rất thấp, đặc biệt là hiệu quả đầu tư.
Ông Nguyễn Đình Cung tính toán, với mức đầu tư thuộc loại cao, bằng khoảng 1/3 GDP, nếu hiệu quả đầu tư (ICOR) của Việt Nam đạt tương đương Hàn Quốc giai đoạn 1961-2000 (ICOR = 4), hay của Nhật Bản giai đoạn 1955-1973 (ICOR = 3), thì nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 8,5 11%, thay vì trung bình khoảng 5,9%/năm trong thời kỳ 2011-2020.
Điều đáng lưu ý là, xu hướng tăng trưởng đang giảm dần khá rõ nét. Giai đoạn 1991-2000 tăng trưởng bình quân đạt 7,58%; giai đoạn 2001-2010 đạt 6,8%, 2011-2020 ước đạt khoảng 6,4% (nếu không có dịch Covid-19), và nay chỉ còn khoảng 5,9% mà thôi. Nhìn chung, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn ở mức thấp và chưa có cải thiện đáng kể.
“Thay đổi căn bản thể chế về cách thức phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội được xác định là một trọng tâm cải cách để tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, ông Cung nói.
Theo ông, các chủ trương, giải pháp lớn nói trên bao gồm hoàn thiện thể chế về thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố hiệu quả sử dụng nguồn lực; thực hiện phân bố nguồn lực theo nguyên tắc thị trường vào những ngành, lĩnh vực và vùng có hiệu quả cao, có tác động lan tỏa; khắc phục tư tưởng bao cấp, xin cho, ỷ lại của các cấp, các ngành, địa phương và trong xã hội.
Trong khi đó, ông Võ Trí Thành nhắc lại 6 quan điểm phát triển đã nêu trong Báo cáo Việt Nam 2035 do WB hỗ trợ như là các nhiệm vụ phát triển đất nước tới đây.
Đó là hiện đại hóa kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; tạo dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.
“Đến thời điểm này, không thể chần chừ, do dự với các cải cách trên được nữa”, ông nói.
Những nút thắt phát triển trên, nếu được Chính phủ nhiệm kỳ này tháo gỡ, sẽ biến thành bệ phóng cho cả nền kinh tế.
Tư Giang/ VNN
Nguồn: Cánh cò