Trang chủ Luận bàn - Phản biện H&M, hành động của chúng ta và vị thế quốc gia

H&M, hành động của chúng ta và vị thế quốc gia

212
0

Làn sóng tẩy chay các sản phẩm H&M tràn ngập trên mạng xã hội, ngay khi có thông tin H&M ủng hộ “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Chỉ sau 1 giờ kêu gọi tẩy chay, các cửa hàng H&M tại Việt Nam đều vắng tanh. Trên trang fanpage Facebook chính thức của H&M tại Việt Nam, các bài đăng của hãng đều nhận được hàng chục nghìn lượt phẫn nộ và bình luận phản đối. Có thể thấy tinh thần yêu nước của người Việt Nam thể hiện cao độ trong sự kiện này.

H&M, hành động của chúng ta và vị thế quốc gia
Trung Quốc rất nham hiểm khi lợi dụng H&M để đạt mục đích chính trị.

Tuy nhiên, nếu tinh thần yêu nước chỉ dừng ở việc tẩy chay sản phẩm nào đó vì có chứa “đường lưỡi bò” thì có phải chiến lược khôn ngoan và giải quyết tận gốc vấn đề, hay chỉ là thể hiện những bức xúc nhất thời?

Một thực tế bất di, bất dịch đó là Trung Quốc mãi mãi sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà, gặm nhấm biến vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trở thành chủ quyền của Trung Quốc. Các chiêu thức, thủ đoạn Trung Quốc thực hiện trong thời gian qua, từ khiêu khích trên vùng biển của Việt Nam, sử dụng tàu quân sự ngụy trang dân sự gây hấn, cho đến tuyên truyền văn hóa phẩm gắn với cái gọi là “đường lưỡi bò” được thực hiện ra rả hàng ngày. Đến ngay cả một số chính khách của quốc gia Mỹ, Đức mặc dù lên án, không ủng hộ cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nhưng có lần nhầm lẫn “chết người” khi sử dụng bảng đồ có “đường lưỡi bò”. Điều đó cho thấy sự len lõi của Trung Quốc vào tất cả mọi ngõ ngách để tuyên truyền cho điều sai trái.

Câu chuyện muôn thuở với Việt Nam, nếu đã xác định Trung Quốc không từ bỏ tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà, thì người Việt Nam cũng cần xác định: đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển đảo cần chiến lược lâu dài, bằng biện pháp pháp lý, thực hiện hàng ngày và tẩy chay sản phẩm nào đó có “đường lưỡi bò” chỉ là nhất thời.

Vì sao gọi là nhất thời? Bởi đã có rất nhiều sản phẩm có thương hiệu tuyên truyền cho chủ quyền trái phép của Trung Quốc, không riêng gì thương hiệu thời trang H&M, mà hàng loạt tên tuổi lớn của quốc phải kể đến như: Zara, Chanel, Gucci, Uniqlo, Merc, BMW – chẳng lẽ người Việt tẩy chay đồng loạt? Rồi hàng loạt các công ty – doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình “nhập hàng” từ Trung Quốc đã “bỏ quên” khâu kiểm duyệt, để “đường lưỡi bò” ngang nhiên hiện diện vào phim hoạt hình, sách giáo khoa, bảng đồ địa cầu, chẳng lẽ người Việt cũng tẩy chay luôn các công ty này? Nếu ai cho rằng, việc tẩy chay hết các sản phẩm có “đường lưỡi bò” là yêu nước, thì cần phải làm triệt để, đầu tiên hãy xem lại chính bản thân có đã và đang sử dụng hàng của Tabao hay không?

Karl Marx có một câu một câu nói rất nổi tiếng rằng: “Nếu lợi nhuận lên tới 300%, thì có phải treo cổ, các nhà tư bản cũng sẽ làm”. Câu nói này dường như luôn đúng ngay cả trong chuyện chính trị – đằng sau những thương vụ kinh tế của tập đoàn lớn. Không nói gì xa xôi, gần gũi nhất với người Việt là mạng xã hội lớn nhất hành tinh từng vi phạm đăng tải hình ảnh bản đồ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông chủ tập đoàn này ra mặt “nịnh” lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí nhờ ông Tập Cận Bình đặt tên cho con, và lan tỏa hình ảnh ông chạy bộ ở Bắc Kinh. Trước hành vi này, nếu như vì tinh thần yêu nước, theo lý người Việt phải tẩy chay, không dùng mạng xã hội này? Nhưng thực tế lại đang phản ánh ngược lại – điều đó nói gì điều gì?

H&M, hành động của chúng ta và vị thế quốc gia
Chủ quyền quốc gia nhìn từ biển cả. Trong ảnh: Hạ đặt chân đế giàn khoan Sao vàng – Đại nguyệt như đóng cột mốc chủ quyền khổng lồ của Việt Nam trên biển.

Khi thực hiện bài viết này, cá nhân người viết tâm đắc với câu nói: “Mỗi dân tộc khi tham gia vào dòng chảy toàn cầu đều phải khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Mỗi người Việt định vị được bản thân như thế nào trước cuộc đời, thì nước Việt Nam định hình trước thế giới như thế”. Đấu tranh chống lại thông tin xấu độc liên quan đến chủ quyền quốc gia, cần sự đấu tranh lâu dài, cần hành động nhất quán và đồng bộ của người Việt không chỉ đang sinh sống tại Việt Nam, mà đang làm việc ở toàn cầu. Vai trò pháp lý chính là chiếc chìa khóa vàng để hướng đến bảo vệ chủ quyền, đòi lại những vùng biển mà Trung Quốc đang chiếm giữ bất hợp pháp, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế Việt Nam, sự chủ động của người Việt khi tạo ra những sản phẩm ngang tầm thế giới, tạo ra những thương hiệu có chỗ đứng toàn cầu – đó chính là nguồn năng lượng vững chãi, là những chiếc cọc thép bảo vệ vững chắc cho chủ quyền quốc gia, biên cương lãnh thổ.

Và cuối cùng, thông điệp người viết muốn nhắn nhủ, đơn giản chỉ là: Vài ngày nữa, phong trào tẩy chay H&M rồi sẽ lắng xuống, có khi “chìm xuồng” và bị lãng quên theo nhiều cách. Nhưng có một điều, người Việt không thể quên và không được phép quên, đó là: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam, đó là tự tôn dân tộc, không phải vì “tẩy chay” mới làm.

Hải Yến 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây