Ngoài 15 thành viên đại diện cho Bộ LĐ-TB-XH, người sử dụng lao động, người lao động, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ bổ sung thêm 2 thành viên mới là chuyên gia độc lập.
Đây là điểm mới trong quyết định thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG) vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Theo quyết định, HĐTLQG gồm 17 thành viên, do ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, làm chủ tịch; 3 phó chủ tịch gồm: ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Đặc biệt, trong quyết định này, Thủ tướng bổ sung thêm 2 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế – xã hội.
Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên hội đồng.
Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên HĐTLQG làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; nhiệm kỳ bổ nhiệm thành viên không quá 5 năm.
Theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, HĐTLQG có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu; xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động; rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ; hằng năm, tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ)…
Bên cạnh đó, HĐTLQG còn tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã theo quy định của bộ luật Lao động.
Từ năm 2013 đến nay, HĐTLQG đã khuyến nghị Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng và được Chính phủ cơ bản thống nhất. Theo đó, năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%; năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%; và năm 2020 tăng bình quân 5,5%.
Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, HĐTLQG đã khuyến nghị Chính phủ giữ nguyên như năm 2020, chưa tăng lương tối thiểu vùng.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò