Do lần đầu giới thiệu đương kim Thủ tướng để bầu Chủ tịch nước, quy trình nhân sự có thay đổi so với thông lệ. Theo đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng trước khi bầu Chủ tịch nước.
Ngày 29/3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV bước sang tuần làm việc thứ hai với nội dung chủ yếu là công tác nhân sự, kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo.
Theo chương trình nghị sự đã được Quốc hội thông qua, việc kiện toàn chức danh lãnh đạo Nhà nước sẽ bắt đầu từ ngày 30/3 với chức danh được kiện toàn là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau khi miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu nhân sự cho chức danh này.
Việc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia được tiến hành trong sáng 31/3 bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi công bố kết quả bầu, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ trước Quốc hội.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm một số phó chủ tịch Quốc hội, trình một số nhân sự dự kiến để bầu các phó chủ tịch Quốc hội trong sáng 1/4.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Đây là một điểm khác so với quy trình nhân sự thông thường.
Như ở kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII, Quốc hội lần lượt miễn nhiệm – bầu từng chức danh: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng. Nhưng do đây là lần đầu tiên nhân sự được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước là Thủ tướng đương nhiệm, nên phải miễn nhiệm Thủ tướng trước rồi mới bầu Chủ tịch nước.
“Không thể có chuyện bầu Thủ tướng làm Chủ tịch nước, rồi Chủ tịch nước mới lại đi miễn nhiệm chức Thủ tướng của chính mình”, Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh giải thích.
Quy trình miễn nhiệm Thủ tướng được thực hiện đến sáng 2/4. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước trong chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, thứ 2 ngày 5/4, Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tân Chủ tịch nước cũng sẽ thực hiện nghi lễ tuyên thệ ngay sau đó.
Tiếp đến, tân Chủ tịch nước trình danh sách nhân sự đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng. Chiều 5/4, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng. Tân Thủ tướng tuyên thệ sau đó.
Sau quy trình này, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Phó chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước vào sáng ngày 6/4.
Sau đó, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy trình bầu diễn ra chiều cùng ngày.
Sáng 7/4, các đại biểu sẽ bầu Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Thủ tướng cũng trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên Chính phủ.
Ngoài ra, Quốc hội cũng tiến hành miễn nhiệm một số phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Trong ngày làm việc cuối cùng (8/4), Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên Chính phủ trong phiên làm việc buổi sáng.
Sau đó, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia trình danh sách một số phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia để Quốc hội phê chuẩn vào chiều cùng ngày. Cuối cùng, Quốc hội sẽ phê chuẩn phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Hoài Thu
Nguồn: Cánh cò