Trang chủ Đấu trường dân chủ Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo trong phòng, chống...

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam

239
0

Song song với việc phòng, chống dịch bệnh, chính quyền các cấp ở Việt Nam luôn quan tâm đảm bảo cho mọi người dân được hưởng đầy đủ quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thế nhưng, một số người đã rêu rao rằng, Nhà nước Việt Nam đã lợi dụng việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để hạn chế các hoạt động tôn giáo, cấm đoán việc thực hiện quyền tự do tôn giáo của các chức sắc, tín đồ. Vì thế, đấu tranh vạch rõ ý đồ xấu xa của họ là cần thiết.

Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; mọi chủ trương, đường lối của Nhà nước Việt Nam đều lấy người dân làm trung tâm, để đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian qua, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã gặp phải những khó khăn, thách thức hết sức to lớn; nền kinh tế bị suy giảm, thương mại bị đình trệ, hệ thống y tế phải gồng mình chống dịch, số người lao động bị mất hoặc giảm việc làm tăng cao, v.v. Việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người bị tác động mạnh, nhất là quyền được sống, bảo đảm sức khỏe và các quyền khác trên các lĩnh vực xã hội. Nhưng với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc” để thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. Đồng thời, giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân. Vì vậy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, đảm bảo cho mọi người dân trong đó có các chức sắc, tín đồ tôn giáo được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của mình. Điều đó được các tầng lớp nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bạn bè quốc tế đã khẳng định: Việt Nam vừa là  “ngọn hải đăng” trong chống dịch COVID-19 và là  “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19 và thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Trang tin Business Insider (Mỹ) mới đây cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Viện Lowy (Australia) cho thấy, Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về hiệu quả chống dịch; trong đó, việc truy vết đang được thực hiện tốt khiến Việt Nam khó có nguy cơ phải đối mặt với kịch bản bị phong tỏa trên diện rộng. Business Insider còn khẳng định: “Không một quốc gia nào với quy mô dân số tương tự như Việt Nam lại có thể kiềm chế được virus theo cách mà Việt Nam đã từng làm”. Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam cũng khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng “rất nhanh chóng và mạnh mẽ” trước đại dịch COVID-19. Đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park đã khẳng định: “Việt Nam cũng làm tất cả những gì tốt nhất để dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng hơn”, “Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng đảm bảo rằng người dân được bảo vệ khỏi COVID-19 và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh”, v.v. Hãng tin Sputnik (Nga) thì khẳng định: Bí quyết căn bản để phòng, chống dịch bệnh thành công là: “Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đề ra chiến lược quốc gia về đấu tranh chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện chính xác chiến lược đó”. Có được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, nổi bật là:

Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã hành động quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm quyền con người; trong đó, có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Ngay từ khi dịch COVID-19 khởi phát ở Trung Quốc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, nước ta đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có các chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Cùng với toàn xã hội, những người đứng đầu các tôn giáo đã đồng hành cùng các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các tín đồ, chức sắc trong việc tự bảo vệ sức khỏe của bản thân trước mối nguy hiểm từ dịch bệnh COVID-19 và thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khai báo y tế; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng khi không cần thiết; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; tạm ngừng các sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người; cung cấp những thông tin chính xác của những người tham gia các hoạt động thực hành tôn giáo ở tổ chức mình cho nhà chức trách để kịp thời thông tin và tiến hành các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe của các tín đồ và cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chủ động theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến dịch bệnh và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế và quy định của chính quyền các địa phương. Nhiều tôn giáo đã chủ động thực hiện các sinh hoạt tôn giáo trực tuyến trên các mạng xã hội để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tín đồ và người dân nhưng không làm ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh. Mặc dù việc thực hiện nghi lễ tôn giáo trực tuyến chưa phải là hình thức phổ biến nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, hình thức này hoàn toàn phù hợp và tiện ích. Các chức sắc, tín đồ và nhân dân vẫn tham dự nghi lễ tâm linh trong không khí trang nghiêm, thành kính và có thể gửi gắm trọn vẹn niềm tin tâm linh của mình. Nhiều tổ chức tôn giáo còn tạm dừng các sinh hoạt tôn giáo truyền thống, không tổ chức các lễ hội tôn giáo như thông lệ hằng năm, như: Lễ Phục sinh của đạo Công giáo và đạo Tin lành; Lễ Phật đản và các lễ hội Xuân Yên Tử, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội chùa Hương,… của Phật giáo để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Có thể khẳng định, với tinh thần đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, cùng với nhân dân trong cả nước, chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã, đang tích cực chung tay, góp sức để đẩy lùi dịch COVID-19; đồng thời, tham gia phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự với tinh thần quyết tâm, tự nguyện cao nhất.  

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam

Các tôn giáo đã đóng góp nguồn lực to lớn cùng với toàn xã hội đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 ở nước ta. Không chỉ tích cực chung tay thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, phát huy tinh thần Thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, tín đồ, chức sắc các tôn giáo còn thể hiện tinh thần nhập thế bằng cách tích cực vận động, quyên góp tiền và vật chất với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để giúp đỡ người dân nghèo hoặc bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, sáng kiến hay, như: “siêu thị 0 đồng”, cây ATM gạo của Phật giáo, “Bếp yêu thương” của Đạo Công giáo,… giúp đỡ bà con nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước1. Các tổ chức tôn giáo còn tổ chức các nhóm tình nguyện viên làm công tác tuyên truyền và hướng dẫn phòng, chống dịch; khuyến khích các cơ sở thờ tự tổ chức phát khẩu trang miễn phí, sắp xếp xà phòng, chỗ rửa tay cho nhân dân và du khách đến hành lễ; hướng dẫn chức sắc, tín đồ và nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về y tế của các cơ quan chức năng, không tham gia các sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.   

Trước thực tế hiển nhiên như vậy, song vẫn có một số chức sắc, tín đồ tôn giáo lại cố tình không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh, một số người xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh là để hạn chế hoạt động tôn giáo. Một số chức sắc, tín đồ đã tổ chức hành lễ tập trung đông người dù trước đó chính quyền địa phương đã gặp gỡ để tuyên truyền, vận động. Thậm chí, có người còn có hành vi thách thức, phản đối chính quyền, vận động người dân tiếp tục tham gia các sinh hoạt tôn giáo bất chấp các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, điển hình như hành vi của một số chức sắc, tín đồ ở Giáo phận Vinh vừa qua. Lợi dụng vấn đề này, các tổ chức, cá nhân phản động bên ngoài thông qua các blog, facebook và một số trang web,… đã “tát nước theo mưa”, cho rằng chính quyền đã lợi dụng việc phòng, chống dịch bệnh để cấm các hoạt động của các tôn giáo, cản trở việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của các chức sắc, tín đồ và người dân.

Điều 18, Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 (ICCPR) đã khẳng định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Điều này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật nước ta. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện trên thực tế, đặc biệt là trong thời gian cả nước tích cực vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh như trên đã đề cập, không hề có chuyện, Đảng, Nhà nước Việt Nam lợi dụng việc phòng, chống dịch bệnh này để hạn chế hoạt động tôn giáo, cấm đoán việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của các chức sắc, tín đồ như các thế lực bên ngoài và cả một số đối tượng trong tôn giáo ở trong nước đã rêu rao, xuyên tạc. 

Với những thành tựu đã đạt được trong việc đảm bảo quyền tự do cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, các cá nhân, tổ chức ở trong nước và bên ngoài có lời nói, hành vi phản ánh ngược lại thực tế nêu trên sẽ nhận thức và phản ánh đúng tình hình này, không còn bị ngộ nhận hay còn tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do tín ngưỡng tôn giáo trong nước như thời gian qua.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
____________

[1] – Đại đức Thích Minh Hậu, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Bù Gia Mập, trụ trì chùa Đức Hạnh (Bù Gia Mập, Bình Phước) tổ chức máy ATM rút gạo tự động, các gian hàng 0 đồng nhằm hỗ trợ cho 1.400 hộ nghèo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây