“Chủ tịch nước là trung tâm đoàn kết dân tộc. Hình ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.
Chiều 25/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng.
Nhắc đến bối cảnh nhiệm kỳ có nhiều khó khăn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng những khó khăn đó đã góp phần để lại nhiều dấu ấn với người dân trong hoạt động của Chủ tịch nước, Chính phủ và Quốc hội.
Đổi mới ở Quốc hội và Chính phủ
Đánh giá về nhiệm kỳ Chủ tịch nước, ông Hiểu ghi nhận Chủ tịch nước “đã thể hiện xuất sắc vai trò của nguyên thủ quốc gia, là biểu tượng, trung tâm của đoàn kết dân tộc, biểu tượng niềm tin cho nhân dân”.
“Hình ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu, người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng”, ông Hiểu nói.
Ông cho rằng những yếu tố đó tạo nên tình cảm, sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong xã hội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đất nước đạt được nhiều kết quả trong nhiệm kỳ vừa qua.
Nhắc đến ấn tượng nhiệm kỳ Chủ tịch nước, ông Hiểu đánh giá đó là việc Chủ tịch nước đã giải quyết được nhiều mối quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước lớn, các tổ chức quốc tế, giúp tình hình đất nước ổn định. Trong đó có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp đều được giải quyết linh hoạt, hài hoà, hiệu quả, lấy lợi ích dân tộc lên trên hết.
Với Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đánh giá đây là nhiệm kỳ giàu tính tranh luận; những vấn đề quan trọng của đời sống, sự bức xúc của cử tri đã trở thành sức nóng trong nghị trường.
Về nhiệm kỳ Chính phủ, ông Hiểu nhận thấy công tác điều hành đã có sự đổi mới, quyết liệt, tạo sự chuyển động cơ bản của cả hệ thống. Chính phủ có sự sâu sát, quan tâm, lắng nghe doanh nghiệp, người dân và các quyết sách đã quan tâm tới thực tiễn. Chính phủ cũng xử lý được nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn đời sống.
“Xã hội càng phát triển sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã rất nhanh nhạy, từ việc tiếp cận, xử lý, đưa ra các giải pháp”, ông Hiểu nói và dẫn chứng câu chuyện từ đại dịch Covid-19.
Cần đánh giá sâu về tác phong của đại biểu Quốc hội
Góp ý vào nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, đại biểu Thào Xuân Sùng (Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam) lưu ý công tác giám sát qua hoạt động của từng đại biểu “chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước”.
“Trên cương vị công tác của mình, các đại biểu phải nắm chắc tình hình mỗi vùng của đất nước, của nơi mình ứng cử. Như vậy mới nâng cao hoạt động chất lượng của Quốc hội”, ông Sùng nhấn mạnh.
Theo ông, Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự các cơ quan Nhà nước nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá sâu về tác phong của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu có chức vụ cao. Các đại biểu Quốc hội giữ chức vụ cao nên dành thời gian xuống với địa phương để nắm bắt tình hình và có sự động viên, chia sẻ cần thiết.
Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng thì cho rằng Quốc hội không xuê xoa mà cần tạo áp lực cần thiết, đủ độ để Chính phủ điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động.
“Quốc hội tạo dấu ấn dân chủ, nhân văn. Thông qua hoạt động của Quốc hội, các vấn đề quan trọng của đất nước được giải quyết. Quốc hội có những quyết định không theo tiền lệ, đó là điểm mới, sáng tạo”, ông Nhưỡng ghi nhận.
Song, ông góp ý công tác giải trình các vấn đề còn hình thức, việc giám sát của đoàn và cá nhân đại biểu Quốc hội hiệu quả chưa cao, đặc biệt, một số đại biểu rất ngại đụng chạm đế vấn đề của địa phương.
“Làm thế nào để giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu? Nếu khoá XV làm được, tôi cho là vĩ đại”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò