Cứ tưởng rằng chỉ có những người chiến binh như trên các kênh HBO được huấn luyện vô cùng khắc nghiệt thì mới có thể chống chọi được vùng đất nghèo khổ, lạc hậu, nắng như đổ lửa, bụi bay ngập trời, cả nước chỉ có chưa đầy 65 km đường nhựa như Nam Sudan. Ấy thế mà, nơi ấy một bệnh viện dã chiến đã được mọc lên tồn tại suốt 3 năm trời, nổi bật với lá cờ đỏ sao vàng phía trước cùng vườn rau xanh ngát bao quanh.
Đó là căn cứ địa đóng quân của các y bác sĩ Việt Nam trong quân phục Lực lượng gìn giữ hòa bình – Mũ nồi xanh! Có lẽ cho đến thời điểm này, không ai có thể ngờ được ở một nơi tưởng như chỉ còn thấy sự khô cằn và chết chóc ấy, bỗng nhiên xuất hiện những tín hiệu tuyệt vời của sự hồi sinh, của sự sống. Những kỳ tích đó, đến từ sự cố gắng, nỗ lực không hề biết mệt mỏi, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, địa hình, chiến tranh, xung đột sắc tộc, đói nghèo của những người lính dù không hẳn đều xuất thân từ quân đội nhưng vẫn mang trong mình phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ. Là thế hệ con cháu thực hiện ước mơ của Bác Hồ từ những năm 1945, 1946, rằng Việt Nam sẽ tham gia vào nhiệm vụ chung với thế giới trong việc đảm bảo sự ổn định về chính trị, hòa bình, phát triển kinh tế, hạn chế xung đột, bảo vệ đời sống cho người dân.
Và từ tôn chỉ cao cả ấy, bất chấp tình cảnh 13 triệu dân tại Nam Sudan luôn sống trong đói nghèo, bệnh tật và đối mặt với xung đột sắc tộc, nội chiến kéo dài, bất chấp sự khác biệt về thời tiết, địa hình, địa lý, ngôn ngữ, phong tục…., bệnh viện dã chiến đầu tiên là cấp 2 số 1 (2.1) của Việt Nam tại Nam Sudan đã ra đời vào tháng 11/2018. Đến tháng 11/2019, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường thay thế Bệnh viện 2.1. Và chiều qua, Bệnh viện dã chiến 2.3 của chúng ta đã lên đường, tiếp nối nhiệm vụ quốc tế. Nhìn những gương mặt đa phần trẻ măng, háo hức trước chuyến bay dài của 63 y, bác sĩ giờ trở thành binh lính của quốc tế tại Nam Sudan ít ai biết vô vàn khắc nghiệt và hiểm nguy họ và đồng đội đã, đang và sẽ phải đối đầu.
Bên cạnh đó, các chiến sĩ phải học các kỹ năng xử lý khi bị thổ dân bản địa tấn công, rồi cách tự cứu mình trong cơn đói khát ở sa mạc, câu chuyện về giới tính trong phái bộ với địa phương như lạm dụng tình dục, chống bạo hành. Chưa kể nỗi nhớ nhà, thèm miếng ăn Việt, mong ngóng con cái, gia đình luôn thường trực… Ấy thế mà vượt lên tất cả, quân y Việt Nam không chỉ trụ vững, tạo được ấn tượng tốt với người bản xứ và còn được đồng nghiệp nhiều nước nể phục.
Một khái niệm thú vị được xây dựng từ đây là ngoại giao bằng rau xanh. Bởi không chỉ riêng người Việt, người gốc Á mà cả phương Tây cũng rất thích rau xanh Việt Nam. Từ luống đất đầy cát và sỏi đá, những giàn mướp, bí, bầu, hoa mười giờ, thược dược nở rộ.
Bà Trưởng Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc mỗi lần tiếp khách đều chọn bệnh viện dã chiến của chúng ta. Bà ấy mê tít các món rau nộm, nem, phở, bánh cuốn. Khách đến thăm đều rất thích vườn rau xanh và món ăn của chúng ta.
Nhiều nhà ngoại giao đã phải thốt lên rằng, họ từng xem thước phim về sự chiến đấu của bộ đội Việt Nam, nhưng khi tận mắt thấy nhân viên bệnh viện dã chiến trồng rau, đàn hát, giao tiếp, họ nhận ra không phải bộ đội nào trên thế giới cũng làm được mọi thứ như thế. Đây là chính sức mạnh của Việt Nam.
Điều quan trọng hơn cả, việc Liên Hợp Quốc chấp nhận cho chúng ta xây dựng bệnh viện dã chiến nghĩa là thế giới đã công nhận y tế Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với tiếng nói và địa vị của Việt Nam đã gia tăng lên rất nhiều trên trường quốc tế. Ít ai biết rằng, đây cũng là một cách gián tiếp vô cùng hiệu quả để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc trước những kẻ lăm le, hung hãn ngoài xa kia.
Thu An
Nguồn: Cánh cò