Hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội đều bảo đảm kê khai tài sản theo đúng quy định, tuy nhiên cũng có một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin.
Sáng 22-3, tại Nhà Quốc hội (QH) đã diễn ra phiên họp thứ tư Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG). Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch HĐBCQG, chủ trì phiên họp.
Ứng viên thực hiện nghiêm kê khai tài sản
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng HĐBCQG, cho biết thống kê sơ bộ, đến thời điểm này đã nhận được 1.136 hồ sơ của người ứng cử đại biểu (ĐB) QH khóa XV và 7.495 hồ sơ của người ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh.
Đến hết ngày 19-3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và người ứng cử ĐB HĐND các cấp.
Như vậy, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số người ứng cử ĐBQH là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu; 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu; 76 người tự ứng cử, đạt tỉ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số ĐBQH được bầu…
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử”.
Cạnh đó, theo ông Phúc, trong quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần ĐBQH và ĐB HĐND các cấp, chú ý thành phần ĐB là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội.
“Nhìn chung, hồ sơ của những người ứng cử ĐBQH đều bảo đảm kê khai tài sản theo đúng quy định, tuy nhiên cũng có một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ đã được hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định” – ông Phúc cho biết.
Sẽ có nơi bầu cử sớm
Theo Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tới đây, để chuẩn bị tốt cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba cần lưu ý việc lập danh sách người ứng cử phải đảm bảo tính chính xác, tránh sự nhầm lẫn về tên tuổi, chức vụ, trình độ, quá trình công tác…
“MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình triển khai trong toàn quốc; hướng dẫn, giải đáp về công tác bầu cử; hướng dẫn và thực hiện quy trình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; theo dõi việc xác minh các vụ việc do cử tri nêu đối với công tác bầu cử; đồng thời triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại các địa phương và tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương” – ông Trần Thanh Mẫn cho hay.
Chủ tịch QH, Chủ tịch HĐBCQG Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Công tác tổ chức bầu cử trong phạm vi cả nước đã và đang được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Năm đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ QH và HĐBCQG đi đến các địa phương và nhận thấy: Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức ở các địa phương này đã trách nhiệm, thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, theo đúng quy định của trung ương.
Bà cũng yêu cầu phải có đối sách phòng chống các hoạt động xuyên tạc, phá hoại bầu cử, gây rối an ninh trật tự; quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, công khai, minh bạch.
Về bầu cử sớm (trước ngày 23-5) tại một số địa phương, bà Ngân đề nghị Văn phòng HĐBCQG thông báo cho các địa phương có nhu cầu để đăng ký, trình HĐBCQG xem xét, quyết định.
Đặc biệt, Chủ tịch QH giao Văn phòng HĐBCQG xin ý kiến các cơ quan có liên quan để hướng dẫn chi tiết việc công bố bản kê khai tài sản của ứng cử viên bảo đảm đúng quy định của hiến pháp và pháp luật.
Tại phiên họp, HĐBCQG đã thảo luận và quyết định thông qua: Nghị quyết hướng dẫn xử lý trường hợp khuyết người ứng cử ĐB HĐND vì lý do bất khả kháng; nghị quyết nguyên tắc phân bổ người ứng cử ĐBQH khóa XV ở trung ương về ứng cử tại địa phương.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò