Được tiếp sức bởi những tiến bộ về công nghệ, ngày nay con người có thể nghe audio theo nhu cầu một cách không giới hạn ở bất cứ nơi đâu mà họ đến.
Âm thanh (audio) kích thích trí não của con người mạnh hơn nhiều so với các hình ảnh động (video) và trên thực tế các hình thức giải trí bằng âm thanh (aural entertainment) đang xâm nhập ngày càng sâu vào thói quen thưởng thức văn hóa của con người, mở ra một thời kỳ cách mạng cho lĩnh vực này. Và sự phát triển của Podcast – một series lưu trữ các tập tin âm thanh định dạng “mp3” – như một xu hướng mới của thế giới âm thanh số hiện đại chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Để kiểm chứng lý thuyết, chuyên gia tâm thần học thực nghiệm Daniel Richardson, Đại học College London, đã tiến hành so sánh tác động của các audio và video tới trí não của con người. Ông mời các tình nguyện viên xem những phân đoạn kinh dị điển hình của các bộ phim nổi tiếng gồm “Sự im lặng của bầy cừu” và “Game of Thrones” và cho họ nghe bản ghi âm những phân đoạn tương tự trong các phiên bản kể chuyện của cả hai tác phẩm trên để có thể so sánh phản ứng trong hai tình huống.
Kết quả là dù biểu lộ cảm xúc trong nhóm các sinh viên mạnh hơn khi họ xem video nhưng những phản ứng bên trong cơ thể thì ngược lại. Khi nghe audio, thân nhiệt của các tình nguyện viên cao hơn, nhịp tim đập nhanh hơn, độ xung điện trên da cao hơn thể hiện cơ thể bị kích thích nhiều hơn.
Chuyên gia Richardson lý giải về cơ bản, não bộ của các tình nguyện viên bị khuấy động nhiều hơn nên đã thể hiện ra các chức năng sinh lý. Theo chuyên gia này, xem video là một hình thức trải nghiệm thụ động vì đã có sẵn hình ảnh nên trí não được giảm thiểu khâu tưởng tượng, trong khi nghe audio là một trải nghiệm trái ngược trong đó trí não được huy động hoàn toàn để tưởng tượng về câu chuyện được nghe.
Lý thuyết trên dường như được củng cố khi hãng khảo sát Edison công bố nghiên cứu mới cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ tìm đến các hình thức giải trí bằng âm thanh. Theo đó, trung bình mỗi tuần, có khoảng 80 triệu người Mỹ nghe các Podcast âm nhạc…, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khảo sát của Statista chỉ ra có tới 50% người Hàn Quốc cho biết họ đã nghe một podcast trong tháng qua, tỷ lệ này là 40% ở nhóm người Tây Ban Nha và 38% ở nhóm người Thụy Điển.
Sự riêng tư có lẽ là một yếu tố quan trọng giúp hình thức giải trí này lên ngôi. Đó không chỉ là từ cảm giác rằng có ai đó đang nói trực tiếp vào tai mình mà còn là cảm nhận được những chất giọng riêng.
Chuyên gia Elizabeth Fresnel, từ Phòng thí nghiệm giọng nói (Voice Laboratory) tại Paris cho rằng con người có thể dùng các ngôn ngữ hình thể hoặc những cách khác nhau để che giấu cảm xúc nhưng giọng nói của bạn luôn thể hiện đúng tâm tạng và con người bạn. Chính vì vậy, các audio có sức mạnh khai thác các khía cạnh nội tâm cao hơn.
Được tiếp sức bởi những tiến bộ về công nghệ, ngày nay con người có thể nghe audio theo nhu cầu một cách không giới hạn ở bất cứ nơi đâu mà họ đến. Steve Ackerma, giám đốc nội dung của nhà sản xuất podcast Somethin’ Else, nhận định thế giới đang chứng kiến một thói quen giải trí mới, ngày một lớn mạnh, đồng thời khẳng định các Podcast là giải pháp lấp đầy những khoảng trống mà các hình thức giải trí hình ảnh để lại, như bạn có thể nghe Podcast kể cả khi bạn đang làm việc, đang lái xe hoặc đang chạy.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện càng củng cố thêm lập luận này. Trên thực thế, thời gian đầu khi các nước mới áp dụng phong tỏa đầu năm 2020, lượng người nghe Podcast giảm vì khi đó mọi người vẫn có thói quen nghe vào đầu giờ sáng hoặc tối khi kết thúc công việc. Tuy nhiên, đến cuối mùa hè cùng năm, số lượng người nghe Podcast nhanh chóng khôi phục trở lại và thậm chí vượt trội các mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Lý do là giai đoạn phong tỏa đã góp phần tạo ra một lượng lớn người dùng mới phát hiện ra rằng các Podcast phát liên tục, không giới hạn, ở bất kỳ đâu là một lựa chọn hoàn hảo khi họ làm việc ở nhà.
Tiềm năng phát triển của hình thức giải trí này được cho là vẫn còn rất lớn. Cũng giống như khi xuất hiện các hình thức truyền thông mới, những người nghe lớn tuổi thường sẽ nắm bắt xu hướng chậm hơn, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhóm khách hàng này cũng đang dần bị mê hoặc. Giới đầu tư cũng đang đổ dồn vào lĩnh vực này, điển hình là Spotify đang rót hàng triệu USD cho phân mảng Podcast hay Amazon mua lại công ty sản xuất Wondery vào cuối năm 2020 với giá trị hợp đồng được cho là rất lớn dù chưa được công bố chi tiết.
Nguồn: Báo Tin tức