Trước những gì đang diễn ra tại Myanmar, các “nhà dân chủ” người Việt háo hức lên mạng tung hô về một “mùa xuân Đông Á”. Thực tế, “mùa xuân” thì chẳng thấy đâu nhưng những trái đắng mà nó mang lại thì nhiều người đã phải gánh chịu. Nếu không tỉnh táo, một khi dính phải “bả dân chủ” thì chẳng ai có thể giúp đỡ.
Trong khi cộng đồng những người yêu hòa bình trên thế giới đang lo lắng cho số phận của Myanmar thì các “nhà dân chủ” lại vô cùng háo hức và cho rằng “mùa xuân Đông Á” đang đến. Với Myanmar, các “mõ làng dân chủ” bất chấp những bất ổn, bất chấp những mất mát, bất chấp những hi sinh, bất chấp thực tế an ninh tại quốc gia này bị phá vỡ, họ vẫn tung hô và cho rằng, “Sau cuộc đảo chính ở Myanmar, người dân đang tạo ra tiếng nói của mình một cách sáng tạo”. Có thể, người dân Myanmar đang “nổi tiếng” trong cộng đồng quốc tế. Nhưng thực tế, sự “nổi tiếng” này lại mang yếu tố tai tiếng nhiều hơn là sự tích cực. Đặc biệt, sau những màn đốt phá doanh nghiệp đến từ nước ngoài (không chỉ của riêng Trung Quốc), mọi người thực sự ngán ngẩm về cái gọi là “đấu tranh vì dân chủ” nhưng lại chứa đựng đầy bạo lực đang diễn ra tại quốc gia Đông Nam Á này.
Từ “mùa xuân Ả rập” nghĩ về tương lai của “mùa xuân Đông Á”
Một thập kỷ trước, chúng ta đã được chứng kiến cái gọi là “mùa xuân Ả rập” diễn ra tại nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông. Thời điểm đó, báo chí phương Tây cũng như các “mõ làng dân chủ” đã hết sức cổ vũ, ca ngợi về cái gọi là “mùa xuân Ả rập”. Thậm chí, nhiều kẻ còn khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột rằng một tương lai đầy tự do, dân chủ, giàu có và hạnh phúc sẽ nằm trong tầm tay của người dân Ả rập.
Thông qua phương tiện truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là facebook, những cuộc biểu tình đã diễn ra nở rộ tại nhiều nơi. Dù núp dưới bóng “đấu tranh bất bạo động” nhưng những đám đông đã nhanh chóng “bạo lực hóa”. Chính quyền nhiều nước đã bị lật đổ. Nhiều thế lực mới đã được hình thành, tung ra các chiếc bánh vẽ về cái gọi là dân chủ, tự do và một tương lai tươi mới. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, dân chủ, tự do, “tương lai mới” không thấy đâu, thứ mà “mùa xuân Ả rập” mang đến là nghèo đói, bất ổn, thất nghiệp, nội chiến liên miên, khủng bố diễn ra tại nhiều nơi.
Chúng ta cũng đang được chứng kiến một kịch bản tương tự tại Myanmar: sự đối đầu của người dân với những người nắm quyền; các cuộc tuần hành hóa thành bạo loạn; sự phá hoại cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh tế của các chủ đầu tư nước ngoài …
Thông qua ngòi bút của các “con buôn dân chủ”, những đau thương, mất mát mà Myanmar đang phải gánh chịu đã được thần thánh hóa, hình tượng hóa rằng, “Cuộc biểu tình đầy màu sắc”, “Người dân phản ứng lại sự tàn bạo của chính quyền quân sự bằng sự phản đối kiên quyết và đôi khi là những phương cách sáng tạo” …
Dĩ nhiên, những gì đang diễn ra tại Myanmar bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, trong cuộc chính biến này, kết quả cuối cùng chắc chắn người dân sẽ là những người gánh chịu hậu quả. Sẽ chẳng có mùa xuân nào có thể diễn ra tại một đất nước bạo loạn, bất ổn; Sẽ chẳng thể nào có nền hòa bình nếu quyền lực nhà nước bị chia cắt. Và cũng cần nói thêm, nếu như thời điểm ban đầu, những gì diễn ra tại Myanmar khiến không ít người cảm thương thì đến hiện tại, khi mà những đám đông bạo loạn tiến hành đập phá nhà máy, doanh nghiệp quốc tế của các chủ đầu tư đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, thậm chí là Việt Nam… đã khiến mọi người không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Trên mạng xã hội, các “nhà dân chủ” đang tích cực tiến hành cái gọi là chiến dịch “mùa xuân Đông Á” thông qua việc gắn hashtag #EastAsianSpring. Thông qua các vụ biểu tình đông người tại Hồng Kông, Thái Lan, Myanmar, các đối tượng này đưa ra nhận định đầy màu sắc rằng tự do, dân chủ đang đến với người dân tại các nước Đông Á thông qua các cuộc biểu tình. Dĩ nhiên, các “con buôn dân chủ” người Việt cũng triệt để lợi dụng vấn đề này để kích động người dân Việt Nam phải “học tập” theo nước bạn nếu muốn có một “mùa xuân dân chủ” trên đất nước Việt Nam.
Thực tế, “mùa xuân Ả Rập”, “mùa xuân Đông Á” chỉ là những thủ đoạn kích động bạo loạn, bất ổn, gây nội chiến tại các quốc gia. Thông qua bả độc mang danh dân chủ, nhân quyền, các đối tượng xấu đã hình thành những sự lầm tưởng trong cộng đồng, từ đó khiến cho chính những người dân tự tay đạp đổ nền hòa bình, ổn định đang có. Sau các cuộc bạo loạn, có thể những thế lực cầm quyền sẽ bị thay đổi. Tuy nhiên, dù ở chế độ nào, nếu người dân không đủ sức mạnh để nắm giữ quyền lực nhà nước thì cuối cùng họ cũng chỉ là các quân cờ trong cuộc chiến chính trị của các phe nhóm.
Với Việt Nam, các thế lực thù địch vẫn mong muốn tiến hành các cuộc bạo loạn, lật đổ thông qua việc tiến hành cách mạng màu, cách mạng đường phố, kích động biểu tình của đám đông quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, Việt Nam thừa hiểu sự nguy hại của bả độc dân chủ, nhân quyền của các thế lực xấu. Vì vậy, những con người Việt Nam yêu nước sẽ kiến quyết đấu tranh, vạch trần bộ mặt thật đầy tàn bạo, khát máu cũng những kẻ phản động núp bóng dân chủ, nhân quyền.
Bảo An
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả
Nguồn: Cánh cò