Đã 33 năm kể từ ngày bi tráng đó của dân tộc – ngày quân xâm lược Trung Quốc nổ súng chiếm Gạc Ma (14/3/1988). Ngày đó, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân ưu tú đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tổ Quốc luôn là vĩnh cửu và không có sự hy sinh nào cao cả bằng sự hy sinh vì Tổ Quốc.
Máu các anh đã hòa vào biển xanh nhưng lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam sẽ mãi khắc ghi tên tuổi, cống hiến to lớn của những người anh hùng Gạc Ma năm ấy; trao truyền và thức tỉnh trái tim các thế hệ sau này bài học về tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm, sẵn sàng xả thân vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.
Ngày nay, mỗi tàu ra Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 14/3/1988. Nghi thức tưởng niệm này có cả bi thương xen lẫn tự hào; có cả niềm đau xen lẫn giọt nước mắt. Nhưng cuộn gói tất cả trong đó là nghĩa cử tri ân, là lời khẳng định không ai quên khúc bi tráng Gạc Ma, không ai quên những người lính đã kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Hằng năm, nhà nước vẫn tổ chức thả hoa, nến xuống biển, tưởng nhớ anh linh các anh. Khu di tích Gạc Ma – vòng tròn bất tử đã xây dựng xong, là để con cháu mãi về sau không bao giờ phai mờ công lao bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của các anh trước sự tàn ác của quân xâm lược.
33 năm đi qua, sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam, về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu của các anh là một dấu son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm.
Thời gian có dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào, thì cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam năm 1988 vẫn thức tỉnh trái tim người Việt về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Nhớ lại sự kiện Gạc Ma không chỉ là thể hiện lòng biết ơn trước sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc mà tấm gương của những anh hùng liệt sĩ ấy còn là bài học lịch sử bằng máu không bao giờ được lãng quên
Chúng tôi ngày hôm nay, sẽ ra sức của mình để một ngày nào đó thu hồi lại những mảnh đất bị quân xâm lược chiếm đóng về với đất mẹ, và luôn khắc ghi chiến công, sự hi sinh của các bậc cha anh, như lời anh hung, liệt sỹ Trần Văn Phương đã nói “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Trần Hoàng Chinh
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ