Trang chủ Đấu trường dân chủ Xét xử phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Nhân dân Việt Nam đồng...

Xét xử phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Nhân dân Việt Nam đồng tình cao với phán quyết của Tòa án cấp cao Hà Nội

219
0

Ngay sau khi Tòa án cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với 6 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm, nhân dân Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cho rằng ‘cần phải trừng trị nghiêm khắc đối với những người có hành vi giết người dã man, ngoan cố, bất chấp,….’. Đồng thời lên án hành vi giết người tàn bạo của Lê Đình Công, Lê Đình Chức.

Vụ án “giết người” tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã qua giai đoạn xét xử sơ thẩm. Với bản án được tuyên đã thể hiện sự nghiêm minh đồng thời tính nhân đạo của pháp luật. Sau 1 năm, sáng ngày 8/3, TAND cấp cao tại Hà Nội bắt đầu xét xử phúc thẩm với 6 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo đó, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10/3/2021. Trong phiên phúc thẩm, tòa đã xét đơn kháng cáo của 6 bị cáo. Theo hội đồng xét xử (HĐXX), hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn ác, có sự bàn bạc từ trước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 6 bị cáo. Cũng tại tòa phúc thẩm, một số bị cáo xuất trình thêm một số bằng khen, thành tích có công với cách mạng. Tòa ghi nhận các điều này nhưng xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, mức án của tòa sơ thẩm đã tương xứng với tính chất, hành vi, đúng quy định pháp luật, đã thể hiện sự khoan hồng, không có cơ sở xem xét giảm nhẹ.

Xét xử phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Nhân dân Việt Nam đồng tình cao với phán quyết của Tòa án cấp cao Hà Nội

Bị cáo Lê Đình Công nói lời sau cùng trước tòa – Ảnh: DANH TRỌNG

Sau 2 ngày xét xử, cuối buổi chiều ngày 09/3/2021 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với 6 bị cáo kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Đông Tâm. Theo Tòa phúc thẩm, đây là vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, hành vi phạm tội có tổ chức, cách thức thực hiện tội phạm dã man, hậu quả là 3 chiến sĩ Công an đang làm nhiệm vụ hy sinh. “Do đó bản án sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định pháp luật” – Hội đồng phúc thẩm khẳng định. Theo chủ tọa phiên phúc thẩm, bản án mà TAND Hà Nội tuyên hồi tháng 9/2020 hoàn toàn đúng người, đúng tội và phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của mỗi bị cáo. Khi đánh giá toàn bộ nội dung tố tụng, tòa phúc thẩm kết luận không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của 6 người hầu tòa. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên bác kháng cáo của 6 bị cáo. Theo đó, Lê Đình Công và Lê Đình Chức cùng lĩnh án tử hình. Lê Đình Doanh bị tuyên y án chung thân. Bùi Viết Hiểu bị phạt 16 năm tù. Còn Nguyễn Quốc Tiến và Bùi Thị Nối lần lượt lĩnh các mức án 13 năm và 6 năm tù.

Đây là một vụ án được dư luận trong và ngoài nước quan tâm, chú ý. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, truyền hình Việt Nam và các trang mạng xã hội, Nhân dân Việt Nam luôn theo dõi sát sao mọi diễn biến của phiên tòa phiên tòa. Quan tâm trước tiên là để xem rằng những kẻ gieo rắc bao nhiêu nỗi kinh hoàng cho những người tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự tại Đồng Tâm sẽ nhận cái kết như thế nào. Thứ hai, quan sát phiên tòa phúc thẩm để thấy được tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam và Tòa án cấp cao Hà Nội áp dụng đúng, nguyên tắc ‘trừng trị những kẻ phạm tội dã man, cầm đầu, ngoan cố, … và khoan  hồng với những người tự thú, thật thà khai báo, phạm tội lần đầu, khắc phục hậu quả…’.

Theo dõi toàn bộ quá trình phiên tòa phúc thẩm, dư luận đánh giá cao những đối đáp của Viện kiểm sát về những thắc mắc mà luật sư đưa ra như: nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng, vụ án xảy ra tại địa bàn Hà Nội, nhưng công an thành phố Hà Nội lại là đơn vị điều tra nên sẽ không khách quan. Ngoài ra, việc các lực lượng công an tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm có phải đang thi hành công vụ cũng chưa được làm rõ. Luật sư đề nghị công khai kế hoạch bảo vệ của công an Hà Nôi…. đây cũng chính là những kiến nghị mà báo chí thiếu thiện chí như RFA loan tin không trung thực nhằm hô hào, kích động dư luận với âm mưu lợi dụng vấn đề này để làm suy giảm niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp; xuyên tạc bản chất vụ án hòng thay trắng đổi đen, quy kết, đổ lỗi cho chính quyền, tìm cách bảo vệ, bao che cho những kẻ phạm tội.

Xét xử phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Nhân dân Việt Nam đồng tình cao với phán quyết của Tòa án cấp cao Hà Nội

Đại diện VKS trình bày quan điểm đối đáp – Ảnh: NAM ANH

Đối đáp các vấn đề trên, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, vụ án xảy ra ở Hà Nội nên Công an Hà Nội điều tra là đúng thẩm quyền. Hơn nữa, từ khi xảy ra vụ án đã có sự kiểm sát của Viện KSND Hà Nội và các luật sư tham gia nên “không thể nói không khách quan”. Về việc có phải công an về Đồng Tâm thi hành nhiệm vụ hay không, đại diện VKS cho rằng đây là địa bàn phức tạp từ lâu. Từ năm 2013, tại địa bàn xã Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình cùng một số người thành lập tổ đồng thuận, dụ dỗ người dân tham gia đòi đất trái phép, vu khống chính quyền, gây rối trật tự công cộng. Trước thời điểm xảy ra vụ án, Công an Hà Nội đã có kế hoạch đảm bảo mục tiêu, an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm. Khi biết Công an TP Hà Nội phối hợp lực lượng quân đội triển khai bảo đảm an ninh trật tự tại một số mục tiêu trên địa bàn xã, các bị cáo nhiều lần phản đối, quay video, clip đăng lên mạng xã hội kêu gọi chống đối, tuyên bố “nếu công an về sẽ tiêu diệt 300 – 500 người”. Sáng 9-1-2020, khi lực lượng công an vào thôn Hoành triển khai biện pháp bảo vệ các mục tiêu, tổ đồng thuận đã ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công, bất chấp việc cơ quan chức năng nhiều lần kêu gọi dừng lại. VKS khẳng định lực lượng chức năng trong trường hợp này đang thi hành nhiệm vụ, nên việc chống đối ở đây là chống người thi hành công vụ. HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn ác, có sự bàn bạc từ trước. Tòa sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo về tội giết người là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Phiên tòa phúc thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại Đồng Tâm đã đưa ra bản án nhận được sự đồng tình của đại đa số của dư luận về tính ‘răn đe’ đối với hành vi vô cùng dã man của các bị cáo, “truy cùng giết tận” những cán bộ chiến sỹ Công an đang thi hành công vụ. Công lý đã được thực thi nghiêm minh bằng hai bản án tử hình, một bản án chung thân đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu xúi giục nhân dân chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Ngoài việc thể hiện tính răn đe của pháp luật còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo giáo dục con người đối với những bị cáo biết thức tỉnh lương tâm, thừa nhận tội lỗi của minh để sữa chữa, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Phán quyết này của Tòa án cấp cao không chỉ có tính ‘giáo dục, trừng trị nghiêm khắc’ với những kẻ phạm tội ở Đồng Tâm mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai vẫn bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi chống đối, giết người tàn bạo, ngoan cố, chủ mưu, cầm đầu,… Những người vi phạm pháp luật đều phải trả giá cho những hành vi của mình gây ra. Qua vụ án, pháp luật việt Nam đã chứng tỏ với nhân dân và thế giới về sự nghiêm minh nhưng đầy tính nhân văn. Phiên tòa là bằng chứng thuyết phục nhất, mạnh mẽ nhất đập tan những luận điệu sai trái, xuyên tạc chống phá Đảng và nhà nước ta. Tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự công minh của pháp luật sẽ mang đến một xã hội bình yên, một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Công Thình

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây