Chỉ một thời gian ngắn sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống với việc cụ thể hóa các các chủ trương, đường lối, triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu cho cả nhiệm kỳ 5 năm và giai đoạn tiếp theo.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là bản tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; vừa đề ra những giải pháp mang tính chất cụ thể, cấp bách nhưng lại vừa mang tầm ý nghĩa chiến lược lâu dài và có giá trị lớn trong định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu tổng quát; mục tiêu cụ thể; định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII;…
Điều quan trọng đặt ra sau Đại hội là việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là “mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân mới là thành công của Đại hội”.
Chỉ một thời gian ngắn sau Đại hội, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chỉ thị xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó trước hết việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mỗi cán bộ, đảng viên đều nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.
Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được Trung ương đánh giá là góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, trong tháng 3 này, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo viên là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khoá XIII đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng hoặc được phân công theo lĩnh vực.
Trong quý II/2021, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho từng đối tượng cụ thể, từ tỉnh tới cơ sở, những cán bộ, đảng viên chưa được tham gia học tập tại Hội nghị do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức.
Qua các hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nội dung bao gồm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025;… sẽ được thấm nhuần tới mỗi mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên.
Sau đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội, theo yêu cầu của Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội khẩn trương tiến hành xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Kết quả thực hiện chương trình hành động là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Liên quan đến nội dung triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII vừa diễn ra, Trung ương cũng đã xây dựng và thông qua Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với những nội dung khá toàn diện, kỹ lưỡng, thể hiện rõ được chủ đề, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ trọng tâm do Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Đây là những vấn đề quan trọng và cần thiết nhất, nhằm tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trung ương nhất quán quan điểm việc xác định nội dung chương trình toàn khoá cần bám sát Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XIII, tập trung cụ thể hoá và chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và những vấn đề thực tiễn bức thiết đặt ra, những khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết; những khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu.
Có thể khẳng định, với cách làm hết sức tích cực, khẩn trương, bài bài, đặc biệt là sự kịp thời ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 8 nhóm nhiệm vụ rất trọng tâm và đồng bộ, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng ánh sáng Nghị quyết Đại hội vào sẽ sớm đi vào cuộc sống, soi đường, chỉ lối, làm kim chỉ nam cho các cấp ủy Đảng, chính quyền cụ thể hóa các các chủ trương, đường lối, các nhiệm vụ, mục tiêu cho cả nhiệm kỳ 5 năm và giai đoạn tiếp theo, tiếp tục đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững, thiết thực lập thành tích chào mừng 3 mốc sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 2025; kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào năm 2045.
Nguyễn Hoàng
Nguồn: Cánh cò