Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân, ngành Du lịch tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến với địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Cụ thể, tỉnh tăng cường đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch trọng điểm, nhất là các sản phẩm đã được thị trường chấp nhận, được công nhận là điểm du lịch đạt chuẩn, được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, qua đó từng bước để kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch.
Trước mắt, tỉnh tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng tại một số khu, điểm du lịch như: Phát huy hiệu quả điểm du lịch Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm – One commune, one product) trong lĩnh vực du lịch.
Cùng với đó, tỉnh phối hợp với chủ đầu tư để phát triển du lịch khu vực ven biển Bạc Liêu với các sản phẩm đặc thù như: Du lịch điện gió, du lịch kết hợp tham quan Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; triển khai và hoàn thành các dự án bảo tàng tỉnh, nhà công tử Bạc Liêu… theo đúng tiến độ để đưa vào khai thác.
Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến với nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp với biện pháp bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Hải, dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Nhà Mát.
Tỉnh xây dựng các đề án cụ thể để rà soát, đánh giá các tài nguyên du lịch nhằm tạo cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương gồm: Không gian du lịch trung tâm thành phố Bạc Liêu; không gian du lịch ven biển thành phố Bạc Liêu; không gian du lịch vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh thành phố Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải); không gian du lịch Giá Rai – Đông Hải; không gian du lịch Vĩnh Lợi – Hồng Dân – Phước Long, đảm bảo xây dựng các chiến lược đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lấp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và giữa các không gian ưu tiên phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân cho biết, tỉnh tập trung thu hút đầu tư các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án ưu tiên đầu tư như: Xây dựng Bến tàu du lịch Bạc Liêu – Côn Đảo và Khu cảnh quan nhân tạo trên biển Bạc Liêu, Điểm du lịch – dịch vụ Tắc Sậy, Điểm du lịch vườn chim Lập Điền và một số khu, điểm, dịch vụ du lịch khác. Tỉnh phát huy hiệu quả giá trị của các cụm nhãn cổ của thành phố Bạc Liêu để bảo tồn và gắn với phát triển du lịch. Thông qua xây dựng mô hình hợp tác xã để liên kết các hộ dân trong khu vực vườn nhãn phát triển kinh tế, Bạc Liêu cung cấp các dịch vụ sản phẩm phục vụ du khách; hướng dẫn, phát động nhân dân khu du lịch vườn nhãn phát triển mạnh các dịch vụ lưu trú cộng đồng (homestay).
Mặt khác, Bạc Liêu phát triển các sản phẩm làng nghề như làm muối, nghề đan lưới, làng chài, đánh bắt cá, làm khô, trồng rau sạch trên vùng nước mặn, tham quan lăng cá ông, sản xuất muối… động viên người dân tham gia làm du lịch, hướng đến xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng thu hút du khách tham quan, trải nghiệm; phát triển các sản phẩm OCOP phục vụ phát triển du lịch.
Ngoài ra, tỉnh nghiên cứu khai thác và hình thành tuyến du lịch Giá Rai – Đông Hải gắn với tham quan các di tích lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái…; xây dựng một số tour, tuyến du lịch mới để mời gọi các công ty lữ hành đưa khách du lịch đến với Bạc Liêu. Tỉnh trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, các loại nhà cổ nhất là các di tích đã được xếp hạng gắn với tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch; phát triển hoạt động của “Chợ quê ngày Tết” thành phố Bạc Liêu trở thành hoạt động truyền thống để thu hút khách du lịch nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Năm 2021, Bạc Liêu phấn đấu doanh thu du lịch – dịch vụ đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (tăng khoảng 65% so với năm 2020), trong đó doanh thu nhà hàng – khách sạn đạt trên 1.200 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020); đón tiếp khoảng 3,2 triệu khách du lịch (tăng khoảng 40% so với năm 2020). Khách sử dụng dịch vụ lưu trú khoảng 1,5 triệu người (tăng khoảng 53% so với năm 2020), khách quốc tế đạt khoảng 110.000 lượt khách; phấn đấu công nhận từ 1 – 2 điểm du lịch và đề nghị Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng; công nhận từ 1 – 3 khách sạn đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Nguồn: Báo Tin tức