Vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo về việc Việt Nam với tư cách thành viên của Hiệp hội các quốc gia Ðông – Nam Á (ASEAN) sẽ tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Lập tức trên một số trang mạng ở nước ngoài và mạng xã hội đã xuất hiện ý kiến công kích, chỉ trích và xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu nhân quyền của Việt Nam. Và rất nhanh chóng, trên trang Trực diện TV, ông Minh Giang – người Mỹ gốc Việt, đã đăng video-clip “Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ: Có gì phải chống?” để trình bày ý kiến của mình về vấn đề này. Xin giới thiệu với bạn đọc bản lược ghi từ video-clip.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trước đó, Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Lần này Việt Nam tái cử và khả năng đắc cử của Việt Nam rất cao vì cả khối ASEAN đã đồng ý để giới thiệu Việt Nam ứng cử vào vị trí đó. Năm 1976, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ, từ đó đến nay, Việt Nam được đánh giá ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia các tổ chức của LHQ. Trong các năm gần đây, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, cơ quan được đánh giá là quan trọng, uy tín nhất của LHQ, và năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Trong chế định của LHQ, việc gia nhập nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế thể hiện tính chủ động và giúp cho việc tích lũy kinh nghiệm, xây dựng các khối liên minh, tìm kiếm sự ủng hộ, hoặc lên tiếng trong các hồ sơ hoặc vấn đề khác nhau để bảo vệ vị thế của đất nước, hoặc bảo vệ những tiêu chí cũng như các vấn đề mà Việt Nam ủng hộ. Ðó là điều rất là tốt, và nước nào cũng cần phải làm như thế.
Khi Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo về việc Việt Nam với tư cách thành viên của ASEAN sẽ tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ, đã có khá nhiều ý kiến chỉ trích từ giới gọi là “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, đấu tranh chống chính quyền Việt Nam hoặc các tổ chức ở hải ngoại luôn chỉ trích “Việt Nam vi phạm nhân quyền, độc tài, đảng trị”… Những người này nói rằng Việt Nam “không xứng đáng ứng cử vào vai trò đó”, họ lập luận rằng “Việt Nam thường xuyên bị các đối tác châu Âu hoặc thành viên trong các quốc hội, ngay cả Mỹ và nước khác lên án về hoạt động vi phạm nhân quyền hoặc yêu cầu trả tự do cho người này người kia vì tội xâm phạm an ninh quốc gia, họ gọi là “tù chính trị” và cầm tù những người hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền”. Nhìn nhận lại các vấn đề như vậy, chúng ta thấy có đúng như thế không? EU và Việt Nam mới đây đã thông qua việc ký kết EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU). Ðối với Mỹ, cũng có một vài thành viên Quốc hội Mỹ lên tiếng, nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ đó. Thực tế đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam với châu Âu, Mỹ hằng năm vẫn diễn ra. Mặc dù vẫn có sự “tố cáo” từ các tổ chức chống đối chính quyền Việt Nam, nhưng rõ ràng họ không thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo (CPC) hoặc vấn đề nhân quyền. Từ trước đến giờ, một số tổ chức nhân danh nhân quyền như AI (Ân xá quốc tế), HRW (Theo dõi nhân quyền),… cũng bị tố cáo là thiếu hiểu biết về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, vì họ từng đưa ra những kết luận mà phía Việt Nam cho là sai trái. Các tổ chức đó có cái nhìn thiển cận, không đến tận nơi, thiếu tin tức và chỉ nghe một chiều từ phía chống đối chính quyền, vì vậy họ càng đưa ra các nhận định sai trái hơn.
Vậy tại sao khi Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ thì lực lượng gọi là “đấu tranh dân chủ, nhân quyền” lại không muốn? Lại có ý kiến cho rằng nếu Việt Nam chưa có dân chủ, vi phạm nhân quyền thì nên tham gia vào các tổ chức đó, và các tổ chức đó sẽ giới thiệu với thành viên khác, giúp những quốc gia chưa đầy đủ về vấn đề dân chủ, nhân quyền như Việt Nam hoàn thiện hơn. Thoạt nghe có vẻ có lý, song thực ra ở đây họ ngăn cản vì một lý do khác, họ muốn chứng minh Việt Nam là “thành viên không đủ tư cách”. Không được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ tức là không có nhân quyền, như vậy rất nghiêm trọng, từ đó người ta có cớ để tiếp tục “đấu tranh, chỉ trích” và muốn Việt Nam “phải bị trừng phạt”. Một điều rất lạ là họ vẫn nói tiếng Việt, vẫn tự coi mình là người Việt ở nước ngoài, hễ mở miệng ra là nói đấu tranh cho người trong nước quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, nâng cao mức sống,… nhưng ngược lại, họ muốn “đấu tranh” cho Việt Nam bị tổn thương nhiều hơn, bị cấm vận nhiều hơn, bị đối xử khắc nghiệt hơn. Trút giận dữ lên quê hương, lên chính quyền trong nước, nhưng đối tượng gánh chịu là ai, cuối cùng vẫn là người dân mà thôi. Họ “giương cao ngọn cờ đấu tranh cho 96 triệu đồng bào trong nước” nhưng chúng ta thấy họ chỉ muốn tạo ra một môi trường, viễn cảnh hết sức nặng nề để có cớ tiếp tục chống đối.
Khi tham gia vào các hội đồng của LHQ, các nước đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền, thí dụ như các tiêu chuẩn đã được khẳng định trong Hiến chương LHQ. Việt Nam tham gia, hội nhập với thế giới có những tiêu chí khác nhau, nhưng cũng có nhiều tiêu chí chung, nên ngay cả trong nghị quyết của Ðảng Cộng sản Việt Nam, trong các chương trình xây dựng, bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật và rất nhiều quy định của pháp luật cũng hoàn toàn tuân thủ những tiêu chí chung đó. Căn cứ Hiến chương LHQ, các quy định về nhân quyền, Việt Nam cũng cam kết trong nhiều lĩnh vực để đạt đến các tiêu chí chung về nhân quyền. Có thể nói những năm gần đây, Việt Nam rất thành công khi tham gia khá nhiều định chế của thế giới. Việc gia nhập vào tổ chức này, tổ chức kia là một cách tăng uy thế. Khi tham gia các tổ chức quốc tế, mình cũng hiểu hơn các giá trị chung, từ đó mới san sẻ và hoàn thiện mình, thay đổi tư duy, thay đổi cách hành xử, đó mới là vấn đề quan trọng. Nhưng những người chống đối dường như không nhìn thấy điều đó. Họ ra rả nói “Việt Nam vi phạm nhân quyền, Việt Nam không xứng đáng, Việt Nam rất là tệ”… Thậm chí họ quay sang chửi luôn cả Hội đồng Nhân quyền LHQ. Họ nói rằng cách bầu cử của Hội đồng Nhân quyền LHQ chẳng khác nào “đảng cử, dân bầu”, kiểu gì cũng trúng, không có sự cạnh tranh, như vậy thì không có giá trị. Ðiều đáng khôi hài là một mặt họ ca ngợi Hội đồng Nhân quyền LHQ, kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ cần lên tiếng về vấn đề này vấn đề kia; mặt khác họ lại quay ra chửi bới, chỉ trích Hội đồng Nhân quyền LHQ. Nghĩa là chỉ những gì họ thấy có lợi cho họ thì tung hô, không có lợi cho họ thì chỉ trích. Việc họ chỉ trích nhiều nhất là cho rằng Việt Nam đang giam giữ nhiều tù nhân mà họ cho rằng đó là vi phạm quyền dân chủ, nhân quyền, tự do có tiếng nói để chỉ trích chính quyền và bị Việt Nam bóp nghẹt. Còn phía Việt Nam nói điều đó không phải, những người đó vi phạm pháp luật, là tội phạm hình sự, có bản án đàng hoàng, được xét xử công khai.
Trên thực tế liên quan nhân quyền, điều gì có thể tiếp cận được, điều gì có thể thay đổi được Ðảng, Nhà nước Việt Nam đều hết sức cầu thị, kịp thời tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp. Thí dụ quyền của luật sư tham gia vào các vụ án ngay từ đầu, hay quyền của bị can bị cáo cũng được xác định rất rõ. Tất cả những điều đó nằm trong một lộ trình chung, cho thấy cùng với sự phát triển của nền kinh tế phải có những sự thay đổi, và Việt Nam sẵn sàng thay đổi. Hay các quyền với phụ nữ như: được tham gia Chính phủ, bỏ phiếu,… thì đó là những điều mà Việt Nam đã thực hiện từ rất lâu. Hoặc hiện nay người Việt Nam ngày càng tiếp cận nhiều hơn với thông tin thế giới và người ta hiểu được mặt trái của cái gọi là dân chủ, nhân quyền của Mỹ, Tây Âu… Do đó, bây giờ, việc cố tình bẻ cong, xuyên tạc, chà đạp Việt Nam đã không còn hiệu quả nữa.
Nhân quyền ở mỗi nước có quy định khác nhau. Nước Mỹ cũng quan tâm đến nhân quyền nhưng không đặt nặng theo kiểu coi nhân quyền là mấu chốt, vì ở Mỹ chưa chắc đã có đầy đủ nhân quyền và người dân Mỹ vẫn phải đấu tranh. Ở Việt Nam, Ðảng và Chính phủ luôn chăm lo kinh tế cho đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo được giảm bớt, cải thiện các điều kiện về hạ tầng, về đời sống, người dân được tham gia nhiều hơn về vấn đề xã hội, chính trị, quyền ứng cử, bầu cử, quyền tham gia vào chính quyền, quyền được tham gia phản biện, quyền tự do báo chí, tự do hội họp… Nhìn lại sự phát triển của Việt Nam trong 20 – 30 năm qua, chúng ta thấy có sự biến đổi rất xa. Dĩ nhiên nhiều người mong muốn còn hơn nữa và chắc chắn sẽ biến đổi hơn nữa cùng với sự phát triển của đất nước. Bây giờ Việt Nam mở cửa rất toàn diện, nhiều nước, nhiều nhà đầu tư đã vào. Việt Nam đang nằm trong các chế định và có vị trí thành viên rất quan trọng. Nhiều nước coi Việt Nam như là hình mẫu để giới thiệu với các nước đang phát triển khác. Thí dụ cách đây hai năm, Tổng thống Ð.Trăm đã chọn Việt Nam để tổ chức cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn. Khi đó Tổng thống Ð. Trăm đã giới thiệu với ông Kim Châng Ưn rằng Việt Nam là một nước theo chủ nghĩa xã hội và là mô hình rất thành công, người dân Việt Nam được hưởng tất cả những điều mà thế giới đang hưởng. Nếu là người Việt Nam, chúng ta phải hiểu sự vận động và phát triển đó mới là vấn đề. Còn chống phá theo kiểu đạp đổ, dựng chuyện lên, cố tình lái câu chuyện theo thuyết âm mưu là điều không thể chấp nhận. Và những người quan tâm khi xem xét thì cũng nên biết từ chối. Nếu chúng ta thấy các kênh nào hay bài báo nào đưa ra thông tin với kiểu như vậy thì đừng có quan tâm, đừng để ý đến họ. Bởi để ý, tranh cãi với họ có khi lại trúng ý đồ của họ hoặc chẳng khác nào quảng cáo cho họ. Chúng ta cần phải thấy rằng hướng tới tương lai mới là điều quan trọng. Và sự phát triển của Việt Nam là tất yếu, không thể nào khác được.
Đoàn Dân (báo Nhân dân/Lược ghi)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ