Dệt vải thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của phụ nữ các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp may mặc, nghề dệt vải thổ cẩm đang dần mai một, nhiều phụ nữ dân tộc Mường xứ Thanh không còn mặn mà với nghề truyền thống của dân tộc. Với mong muốn giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình, gần 15 năm nay, bà Phạm Thị Bảo (sinh năm 1954, ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã mang tâm huyết của mình giữ gìn, phát triển sản phẩm vải thổ cẩm dệt tay của người Mường, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nữ tại địa phương.
Dẫn chúng tôi đi tham quan Cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng (làng Nhỏi, xã Cao Ngọc) với 15 khung cửi đang dệt ra những tấm thổ cẩm đủ màu sắc, hoa văn, bà Phạm Thị Bảo cho biết mình sinh ra trong gia đình có bà ngoại và mẹ đều biết dệt thổ cẩm. Năm lên 10 tuổi, Phạm Thị Bảo được mẹ, bà dạy cho những đường chỉ đầu tiên. Đến năm 16 tuổi, cô gái Mường Phạm Thị Bảo đã thành thạo việc ngồi vào khung cửi, dệt nên những chiếc váy Mường, thắt lưng; thêu họa tiết, hoa văn trên chiếc khăn Mường… cho chính bản thân mình, cho bà, cho mẹ với tâm niệm đã là con gái Mường là phải biết dệt thổ cẩm đẹp và biết may những bộ váy, quần áo đẹp cho chồng, con.
Bà Bảo tâm sự: “Đã có một thời gian, hàng may sẵn cùng với các loại vải đa dạng về hình thức và mẫu mã đã lấn át các mặt hàng dệt thổ cẩm bằng tay truyền thống. Càng đam mê bao nhiêu, tôi càng lo một ngày không xa, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị mất đi. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên đất Mường. Khi chính tay dệt nên những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc và đem sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng, với tôi đó là niềm vui thật khó diễn tả bằng lời. Tôi càng vui hơn khi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mường Ngọc Lặc nói riêng, Mường Thanh Hóa nói chung đang được trao truyền, nối tiếp qua nhiều thế hệ. Lớp trẻ bây giờ tinh mắt, khéo tay hơn nên dệt thổ cẩm đẹp hơn lớp các bà, các mẹ chúng tôi”.
Với suy nghĩ làm gì để bảo tồn nghề dệt vải thổ cẩm, năm 2007, bà Bảo mở Cơ sở dệt thổ cẩm Bảo Hằng ngay tại nhà mình ở làng Nhỏi với số vốn ban đầu là 15 triệu đồng cùng sự ủng hộ, tham gia của 4 chị em khác trong gia đình, trong bản. Bản thân bà vừa dệt, vừa may các sản phẩm và cũng là người đưa hàng thổ cẩm của cơ sở mình đi khắp các chợ quê trong huyện. Vừa bán hàng, bà Bảo vừa trò chuyện, tiếp xúc với khách hàng để hiểu thêm về bản sắc của dân tộc mình, vừa nắm bắt nhu cầu khách hàng.
Bà Bảo nhận thấy, trong các ngày lễ, Tết hay đám cưới của người Mường, hàng do cơ sở bà làm ra không đủ về số lượng cũng như mẫu mã để phục vụ khách. Vì thế, bà đã chủ động trao đổi về công việc mình đang làm với Chi hội Phụ nữ làng Nhỏi, Chi hội Phụ nữ xã Cao Ngọc để các chi hội đứng ra kêu gọi chị em trong làng, xã, ai biết dệt thổ cẩm tham gia cùng bà phát triển nghề dệt truyền thống.
Đến năm 2010, cơ sở của bà Bảo có 15 phụ nữ tham gia dệt thổ cẩm; trong đó, người này học người kia, ai biết nhiều làm nhiều, ai biết ít làm ít. Chính bà Bảo cũng mất nhiều thời gian và công sức cầm tay chỉ việc cho các chị em trong cơ sở của mình để làm sao sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nhất. Do Cơ sở dệt thổ cẩm Bảo Hằng còn hạn chế về quy mô và diện tích nên bà đã phối hợp với 21 phụ nữ khác có khung dệt tại nhà, để cùng làm ra sản phẩm cung cấp cho cơ sở của mình. Đến nay, cơ sở của bà Bảo có 36 phụ nữ với việc làm thường xuyên, thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/tháng.
Điều đặc biệt, bà Bảo luôn tìm tòi, sáng tạo những nét hoa văn mới, với đường nét tinh xảo, thể hiện được sự duyên dáng, khéo léo, đảm đang của người con gái Mường. Bà có một cuốn sổ ghi chép dày hàng trăm trang, trang nào cũng kín chữ viết và các bức vẽ do chính tay bà phác thảo ra các họa tiết, hoa văn cho từng cái gối đầu, đệm ngồi, túi thổ cẩm; cách thêu khăn quàng, khăn múa hát Pồn Pông hay cách hoàn chỉnh một chiếc váy Mường; cách dệt dây thắt lưng, dệt lai váy, chân váy…
Ngoài sản phẩm tiêu thụ thường xuyên ở các chợ và nhập cho các đại lý là váy Mường, áo Mường, khăn Mường, vỏ chăn Mường, vỏ đệm… cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng còn dệt thêm những sản phẩm khác như túi thổ cẩm, khăn… Sản phẩm dệt thổ cẩm của Cơ sở Bảo Hằng được Hội Phụ nữ các cấp ở Thanh Hóa đem đi tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm hay tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo trong và ngoài tỉnh. Bà Phạm Thị Bảo cũng tham gia nhiều lớp truyền nghề cho bà con dân tộc Mường ở các huyện khác trong tỉnh.
Con gái bà Phạm Thị Bảo là chị Phạm Thị Hải cũng đang tiếp bước mẹ học nghề dệt thổ cẩm. Cùng với việc bán sản phẩm ở các chợ truyền thống, chị Hải đã biết đưa sản phẩm thổ cẩm dệt tay của cơ sở mình lên mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá cho thêm nhiều người biết đến. Nhờ đó, sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao này đã được nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh lựa chọn, đặt mua. Năm 2019, cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng có doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng/năm; năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu chỉ đạt gần 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng thu lãi từ 150-300 triệu đồng. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí không đủ để cung cấp cho nhu cầu của thị trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Văn Đạt cho biết, việc giữ gìn nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Vì thế, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Huyện đã phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các dịp lễ, Tết.
Thời gian tới, để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, huyện Ngọc Lặc quyết tâm thực hiện các tiêu chí theo quy định để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của xã Cao Ngọc trở thành một trong các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đặc trưng của huyện. Huyện cũng sẽ có những chính sách đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Mường.
Đời sống của người Mường xứ Thanh hôm nay đang từng ngày thay đổi, thế nhưng những sản phẩm vải thổ cẩm dệt tay vẫn hiện diện như sự kết nối bền chặt giữa các thế hệ với nhau. Bằng tâm huyết và đam mê, bà Phạm Thị Bảo đã truyền lửa cho những người phụ nữ Mường cùng bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Hiện bà Bảo đang được huyện Ngọc Lặc làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Nguồn: Báo Tin tức