Trang chủ Dân quyền Thực hư chuyện tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ ‘bắt...

Thực hư chuyện tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ ‘bắt buộc”

206
0

Thực hư chuyện tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ ‘bắt buộc”

Mấy ngày nay, trên mạng lại nóng lên thông tin Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định đưa tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành ngoại ngữ bắt buộc để thí điểm dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12.

Cụ thể, Bộ GDĐT có Quyết định 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9.2.2021.

Trong quyết định này, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ GDĐT xác định là ngoại ngữ 1. Trong phần “đặc điểm môn học”, quyết định này viết: “Môn tiếng Hàn – ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12”.

Với quyết định này, một số báo đã nhanh nhảu đưa tin giật tít rằng “Tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ bắt buộc”. Một số cư dân mạng cũng nhanh chóng hùa theo và nhảy vào bình luận, chỉ trích quyết định này của Bộ giáo dục, với các lý do như tại tại sao lại bắt học sinh học tiếng Hàn, tiếng Đức, tại sao không học tiếng Anh, tại sao không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt…

Mạng loạn cả lên.

Tìm hiểu kĩ, hóa ra mọi người nhanh nhảu đoảng và đọc chưa hết cũng như hiểu chưa kỹ.

Với quyết định này thì tiếng Hàn và tiếng Đức được đưa vào nhóm ngoại ngữ 1, tiếng ngoại ngữ bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Tuy nhiên, cần hiểu rằng nhóm ngoại ngữ 1 còn có các loại tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật. ĐIều đó đồng nghĩa rằng học sinh có thể lựa chọn một trong 7 thứ tiếng này để học chứ không cứng nhắc là bắt buộc phải học tiếng Hàn hay tiếng Đức.

Cụ thể hơn, từ “bắt buộc” xuất hiện trong quyết định này không có nghĩa Tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, mà từ này dùng để bổ ngữ giải nghĩa cho cụm “Ngoại ngữ 1”. Bởi theo quy định, “ngoại ngữ 1” là bắt buộc.

Nếu trường phổ thông nào có đủ điều kiện dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 và học sinh tự nguyện lựa chọn tiếng Hàn thay cho tiếng Anh để học, thì sẽ đăng ký về số lượng học sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng rồi mới bắt đầu dạy.

Việc thí điểm ít nhất cũng diễn ra trong vài năm để xem xét, đánh giá tính khả thi, chất lượng của việc dạy học, đào tạo.

Với quyết định chương trình tiếng Hàn và Đức hệ 10 năm thí điểm vừa được Bộ GDĐT ban hành, các trường sẽ được lựa chọn 1 trong 7 thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Đức làm môn Ngoại ngữ 1.

Học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cần cứng nhắc bắt buộc phải học tiếng Hàn.

Ngoài ra, các trường có thể dạy “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy thuộc nhu cầu của người học và điều kiện dạy học của từng trường.

Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là Ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học thêm tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn hoặc tiếng Đức như Ngoại ngữ 2.

Nói cách khác đây là bắt buộc trong tự chọn.

Còn nhu cầu học ngoại ngữ là vấn đề đương nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, chứ không thể mãi lấy lý do giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt để phản đối việc học ngoại ngữ được.

Thế nên cả nhà, nhất là các bậc phụ huynh yên tâm nhé.

Viễn

Nguồn: Dân quyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây