Mới đây, dư luận bàn tán xôn xao vụ việc bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc. Được biết, bà là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan. Nhiều người cho rằng nếu không phải là con gái của bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc thì không thể trở thành phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc ở tuổi 31. Đáng nói, những kẻ cơ hội chính trị chống phá đã lợi dụng sự việc, tìm cách lộng ngôn bôi nhọ công tác nhân sự của Đảng.
Cụ thể, trang mạng Việt Tân đăng tải bài viết: “Cần chấm dứt tình trạng lãnh đạo đưa con vào vị trí lãnh đạo” của đối tượng Nguyễn Ngọc Chu, bịa đặt về công tác nhân sự rằng “Những người tiến thân qua đoàn thanh niên ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là con cái, cháu chắt họ hàng của lãnh đaọ. Nhóm thứ 2 là có người nâng đỡ. Không có ai chân đất mà tự mình leo được lên bậc thang quyền lực mà không có người nâng đỡ”, “đi qua con đường Thanh niên lên lãnh đạo rất ít người có năng lực đạt yêu cầu. Không có người xuất sắc”… Chưa hết, Nguyễn Ngọc Chu lái sang câu chuyện bổ nhiệm của bà Trần Huyền Trang rêu rao rằng: “Vài chục năm lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp lãnh đạo bố trí đưa con vào vị trí lãnh đạo. Đây là một xu hướng có hại cho đất nước..”
Qua sự việc này, mới thấy được ở Việt Nam cứ hễ thấy ai trẻ tuổi được bổ nhiệm một chức vụ quan trọng là rất nhiều người đặt nghi vấn, và lập tức có những kẻ “đục nước béo cò” ùa vào thổi phồng, đơm đặt. Nhưng xin hỏi quy chế nào quy định con lãnh đạo không được làm lãnh đạo? Hiền tài là nguyên khí quốc gia, công dân việt nam có đủ đức tài thì Đảng phải nhìn thấy và trọng dụng, bất luận đó là con ai. Con em cán bộ cũng là một thành phần, cũng là người dân thường, cũng được hưởng bình đẳng như bao cán bộ, đảng viên khác. Nếu họ thực sự có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết; có đủ thời gian và kinh nghiệm công tác thì tại sao không được làm lãnh đạo?
Không lẽ những người này chỉ muốn tất cả con cái các đồng chí lãnh đạo phải là các thiếu gia, cô chiêu, cậu ấm ăn chơi, đàn đúm, hư hỏng? Phải ăn chơi, hư hỏng mới là con cái lãnh đạo?
Tất nhiên, thẳng thắn mà nói, trường hợp của bà Trần Huyền Trang không thể không đặt nghi vấn. Mẹ là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mới 31 tuổi đã được bổ nhiệm là Giám đốc Sở KH-ĐT cùng tỉnh, trong 8 tháng thăng chức 2 lần, dư luận không thể không đặt câu hỏi với độ tuổi trẻ như vậy, bà Trang liệu có đủ kinh nghiệm, năng lực để đảm nhiệm chức vụ quan trọng như vậy, lại công tác cùng địa phương với mẹ của mình? Việc bổ nhiệm này, cần phải làm rõ ngọn ngành, và nếu có sai phạm, thì phải bị xử lý nghiêm. Bài học của những cán bộ trẻ như Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh… cùng có xuất phát điểm là “hạt giống đỏ” thăng tiến quá sớm vẫn còn đó. Họ như cái cây non bị “ép chín”, trong khi năng lực, phẩm chất chưa “tới mùa”. Nhưng khách quan mà nói, trường hợp như ông Anh và ông Cảnh, cũng chỉ là thiểu số, và thực tế khi những sai phạm bị chỉ rõ, những “cây non ép chín” đều bị xử lý, kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngược lại, những năm qua, có không ít những trường hợp các lãnh đạo Việt Nam là những “con nhà nòi”, nối nghiệp cha ông trong sự nghiệp chính trị. Cụ nguyễn Cơ Thạch xưa là Bộ trưởng Ngoại giao, và con trai của cụ hiện là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, hay Trung tướng Khuất Duy Tiến có con là Trung tướng Khuất Việt Dũng… Họ đều là những người tài, năng lực được thực tế minh chứng bằng thành quả, bằng thực tiễn cụ thể.
Còn nhớ trường hợp của ông Nông Quốc Tuấn – con trai của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Trong nhiều năm ông công tác trong Đoàn Thanh niên, Mặt trận, giỏi giang, năng nổ nhưng chẳng mấy ai nhắc tới, kể cả khi bố ông làm Chủ tịch Quốc hội. Nhưng ngay khi ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang, Ban chấp hành Trung ương Đảng, thì lập tức đã có tiếng nói điêu ngoa, quy chụp rất bất công, gán ghép sự nghiệp của ông là “bài trí”, “sắp đặt” của bố ông trước ngày nghỉ hưu…
Hay trường hợp của tân Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ông là con trai của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chẳng cần phải nói nhiều, chỉ cần nhìn những thành quả kinh tế Việt Nam năm 2020, bất chấp khó khăn từ đại dịch Covid-19, đã có thể thấy một nhà quản lý kinh tế Trần Tuấn Anh như thế nào. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao (bình quân 6,8%/năm). Với vai trò người đứng đầu “siêu Bộ”, mang trên vai nhiều áp lực, nếu không phải là một người có tâm, có tầm liệu kinh tế Việt Nam có được như hôm nay?
Nói như vậy để hiểu rằng, không thể quy chụp rằng cứ là con lãnh đạo thì không có ai có tài, như Việt Tân đang rêu rao. Con lãnh đạo thì cũng là một công dân Việt Nam, nếu biết phấn đấu, có năng lực, trình độ, tâm huyết thì tại sao không thể trọng dụng? Những con cán bộ có đức có tài đó cần được xã hội nhìn nhận một cách công bằng, không thể quy chụp họ thành cán bộ “người nhà”, “chạy chọt”. để làm “ông nọ, bà kia”.
Chẳng ai có quy định cấm con lãnh đạo thì không được làm lãnh đạo; con của các vị tướng thì không được đeo hàm tướng! Nếu họ có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết; có đủ thời gian và kinh nghiệm công tác thì tại sao con lãnh đạo lại không được làm lãnh đạo? Ở nhiều quốc gia, nguyên thủ của họ ở độ tuổi trên dưới 40 không có gì là lạ. Ở các nước phát triển, có những gia đình nhiều thế hệ, nhiều thành viên cùng làm chính trị. Việc làm chính trị ở những gia đình như vậy được coi là “truyền thống gia đình”. Họ truyền cho nhau những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đề ra chủ trương và xử lý vấn đề, làm người của công chúng và đóng góp cho đất nước… và họ đã chứng minh được khả năng của mình qua các vị trí họ nắm giữ. Thiết nghĩ, chúng ta cần có cái nhìn thẳng thắn, trung thực, khách quan đối với các ‘hậu duệ’; để không lọt mất những người thực tài.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò