Trong một hội nghị bàn về tương lai của phong trào bảo thủ Mỹ, diễn ra ở Florida hôm 27/02, Ban Tổ chức đã dựng lên một bức tượng vàng khắc họa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau khi Internet lan truyền bức ảnh một người ủng hộ Trump quỳ lạy bức tượng, nhiều cây bút đã bày tỏ lo ngại rằng làn sóng dân túy do Trump đại diện sẽ chưa vội lắng xuống, và sẽ còn tiếp tục làm suy sụp nền dân chủ tư sản của nước Mỹ. Mối lo này còn lớn hơn gấp bội trong các nhóm chống Cộng người Việt – một cộng đồng có tỉ lệ ủng hộ Trump còn cao hơn tỉ lệ của người Mỹ, dù đang nhân danh các lý tưởng dân chủ, nhân quyền.
Vậy vì sao đa số các nhóm chống Cộng người Việt lại nhiệt liệt ủng hộ Donald Trump, dù những thủ thuật tung tin giả và kích động bạo loạn của Trump đe dọa chính những lý tưởng dân chủ, nhân quyền mà họ đang nhân danh? Xét việc các nhóm chống Cộng người Trung Quốc chia sẻ khá nhiều điểm chung về mặt văn hóa và lịch sử với các nhóm chống Cộng người Việt Nam, bài phỏng vấn có tựa đề “Vì sao các nhà dân chủ Trung Hoa thích Trump?”, do Ling Li của tờ “Made In China” thực hiện, có thể cho chúng ta một số gợi ý để trả lời câu hỏi đó.
Trong cuộc phỏng vấn này, tiến sĩ Teng Bao, người đồng sáng lập hai tổ chức về nhân quyền ở Trung Quốc, cho rằng thái độ hận thù mà các nhóm chống Cộng dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể là một trong những nguyên nhân. Nó khiến giới chống Cộng Trung Quốc tin một cách mặc định rằng phương Tây là tốt, chính quyền Trung Quốc là xấu, và phủ nhận mọi bằng chứng khẳng định điều ngược lại.
Chẳng hạn, Bao viết rằng ngay cả những nhà chống Cộng ở hải ngoại, có thể thoải mái truy cập thông tin đa chiều và tiếp xúc với xã hội Mỹ, cũng “hiểu khái niệm dân chủ một cách nhồi sọ hoặc rập khuôn”. Khi niềm tin về hai phe tốt-xấu đã được thiết lập, “họ thường sẽ phớt lờ các bằng chứng mâu thuẫn. Thí dụ, một lý do quan trọng tại sao các nhà hoạt động ủng hộ các chính sách của Trump về vấn đề sắc tộc là vì họ không hiểu biết về chế độ nô lệ và kỳ thị sắc tộc trong lịch sử Mỹ, hoặc đã diễn giải những thực tế đó để chúng ăn khớp với các ý kiến sẵn có của họ. Nhiều nhà hoạt động tin rằng kỳ thị sắc tộc ở Hoa Kỳ chỉ xảy ra lác đác đây đó chứ không phải là một vấn đề có hệ thống, vì họ đinh ninh rằng ở đây có nhiều thể chế dân chủ dùng để ngăn chặn các vấn đề như vậy. Nhiều nhà hoạt động không nhận thức được quy mô sâu rộng của bất công sắc tộc trong suốt lịch sử Hoa Kỳ. Hơn nữa, rất nhiều nhà hoạt động hải ngoại sống co cụm trong các khu người Hoa hải ngoại và không tương tác nhiều với các nhóm thiểu số khác; điều này giúp duy trì thành kiến và thiên kiến của họ.”
Tương tự, họ cũng dễ dàng có thiện cảm với Trump và có ác cảm với Đảng Dân chủ Mỹ, vì cho rằng Trump là “cánh hữu”, còn Đảng Dân chủ là “cánh tả”, là “xã hội chủ nghĩa” giống Cộng sản. Thiên kiến xác nhận này thậm chí còn nặng nề hơn nơi các nhà chống Cộng sống ở Trung Quốc – những người thường không đọc được tiếng Anh, vì vậy rất thiếu thông tin đa chiều về nước Mỹ.
Bên cạnh đó, hệ tư tưởng Nho giáo cũng khiến các nhóm chống Cộng Trung Quốc dồn niềm tin vào các “lãnh đạo mạnh” như Trump, thay vì vào các định chế dân chủ tư sản hoặc vào nỗ lực của nhiều cá nhân bình thường trong xã hội. Kết quả là họ tôn Trump lên làm vua, với niềm tin rằng Trump sẽ thay họ chống Cộng, chống chính quyền Trung Quốc.
Không khác các nhóm chống Cộng ở Trung Quốc, giới chống Cộng người Việt cũng bị chi phối bởi sự hận thù Đảng Cộng sản, và cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Họ ảo tưởng rằng Trump là “thiên thần” được Trời phái xuống để chống Cộng, chống Trung Quốc thay cho họ:
Qua thái độ đó, có thể thấy họ không có tư tưởng dân chủ, mà chỉ có tư tưởng quân chủ thần quyền. Họ chỉ mượn danh dân chủ, nhân quyền để trả thù cá nhân; và những hoạt động chính trị của họ không đem lại bất cứ tác động tích cực nào cho đất nước.
Nguồn: Loa phường